Bên cạnh đó, phụ huynh cũng thấy được lợi ích từ việc HSSV được khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc bệnh tại trường học nên chủ động mua thẻ cho con em mình. Với bước tiến như hiện nay, mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế với 100% HSSV đã gần cán đích.
Con số ngoạn mục
Cách đây hơn chục năm, bảo hiểm y tế là khái niệm khá xa lạ với người dân. Lúc này, dường như chỉ những người làm Nhà nước, doanh nghiệp mới biết đến bảo hiểm y tế do được cơ quan, đơn vị hỗ trợ phần lớn tiền phí. Giai đoạn này, dường như mọi chi phí khám chữa bệnh đều do người dân bỏ tiền túi ra.
Để đảm bảo an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, Luật Bảo hiểm y tế ra đời, từng bước nâng tỷ lệ người tham gia.
Có lẽ cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong quá trình huy động người dân tham gia bảo hiểm y tế là đối tượng HSSV. Nếu như năm học 2006 - 2007, cả nước chỉ có 45% HSSV tham gia bảo hiểm y tế thì đến năm học 2010 - 2011, con số trên đã tăng lên 70%. Những năm tiếp theo, số HSSV tham gia tiếp tục tăng. Năm học 2014 - 2015 đạt tỷ lệ 85% HSSV tham gia bảo hiểm y tế.
Năm học 2015 - 2016, những tưởng chính sách bảo hiểm có một số sửa đổi (tăng mức thu, giảm tỷ lệ % trích lại cho y tế trường học) nhưng không vì thế mà HSSV không tham gia bảo hiểm. Năm học này, tỷ lệ HSSV tham gia bảo hiểm cán mốc 90,5%. Đến năm học 2016 - 2017, có khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ, đạt 92,5%. Với kết quả này, HSSV là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao nhất.
HSSV là nhóm đối tượng được ngân sách hỗ trợ 30% phí bảo hiểm. Số còn lại gia đình phải tự chi trả (xấp xỉ 500.000 đồng/năm). Như vậy, trong số 15,9 triệu HSSV tham gia bảo hiểm y tế, phần lớn thuộc diện trực tiếp mua bảo hiểm y tế, số còn lại mua theo diện hộ nghèo, cận nghèo. So với nhóm đối tượng cùng được Nhà nước hỗ trợ, HSSV hiện vẫn đứng ở “top” đầu về tỷ lệ tham gia.
Sớm hoàn thành mục tiêu
Năm học 2017 - 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu 100% HSSV tham gia bảo hiểm y tế. Với khoảng 7,5% số HSSV còn lại chưa tham gia bảo hiểm. Đây là tỷ lệ không nhiều nhưng lại rất khó trong việc vận động mua bảo hiểm. Nguyên nhân do kinh tế gia đình tuy không thuộc diện được hỗ trợ nhưng việc bỏ ra gần 500.000 đồng/năm mua bảo hiểm cho 1 thành viên trong gia đình không hề nhỏ. Mặt khác, không ít HSSV và phụ huynh trong nhóm này chưa ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm, chưa biết đến mức độ tốn kém khi đi viện. Một số khác liên quan đến việc nhà trường không mặn mà với công tác y tế trường học nên không vận động, không tuyên truyền để HSSV và phụ huynh hiểu.
Để hoàn thành mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tới 100% HSSV, ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành cùng ngành GD-ĐT thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc HSSV tham gia. Nhiều trường học đã coi việc tham gia bảo hiểm y tế là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như chấp hành pháp luật.
Tiếp tục thực hiện phương thức thu phí linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Bảo hiểm xã hội cùng với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh để mỗi người dân, mỗi HSSV khi sử dụng dịch vụ y tế cảm thấy xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra trước đó. Một khía cạnh khác của việc mua bảo hiểm y tế là người khỏe mạnh giúp người ốm yếu, người ốm ít giúp người bệnh nặng san sẻ gánh nặng về chi phí điều trị.
Để hướng tới chỉ tiêu 100% HSSV tham gia bảo hiểm y tế, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ tăng cường tuyên truyền giáo dục cho HS, SV và cha mẹ HS chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.