Trong tháng 5, lượng điện tiêu thụ của gia đình chị Phương Dung (Hà Đông, Hà Nội) là 188 kWh, nhưng sang tháng 6 vọt lên đến 974 kWh. Điều này cùng với cách tính giá điện mới khiến số tiền phải trả tăng gấp 8 lần.
Chị Dung cho biết, tháng 6, gia đình ở nhà nhiều hơn tháng trước 3 ngày vì không đi du lịch cùng công ty. "Tuy nhiên, tiền điện cùng lắm chỉ tăng khoảng 400.000-500.000 đồng, chứ khó có thể tăng hàng triệu đồng như vậy", phụ nữ này nhận định.
Khi thắc mắc với nhân viên "nhà đèn", chị nhận được câu trả lời "không có gì bất thường". "Tôi không biết kiểm chứng số điện, hóa đơn bằng cách nào, bởi hầu hết, nhân viên EVN chốt số điện khi tôi không có nhà và gia chủ không được thông báo trước", chị Dung chia sẻ.
Hóa đơn điện của gia đình chị Dung tăng gấp 8 lần ở tháng 6. Ảnh: Ngọc Lan. |
Không chỉ chị Dung, nhiều người khác cũng không tin nổi vào mắt mình khi nhận được hóa đơn điện tháng 6. Anh Lê Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cả gia đình hầu hết sinh hoạt vào buổi tối. Tháng 6, thời tiết mát mẻ hơn, anh hạn chế sử dụng điều hòa.
Bên cạnh đó, trong tháng, cả gia đình về quê gần 1 tuần nên không sử dụng tới các vật dụng tốn điện năng trừ tủ lạnh. "Không hiểu sao, số điện trên hóa đơn lại trái ngược với mức sử dụng đến như vậy?", anh thắc mắc.
Chia sẻ bức xúc và than thở trên trang cá nhân nhưng anh Sơn không khiếu nại. Anh này cho rằng, nhiều hộ tăng gấp 4-5 lần còn chưa kiến nghị nên gia đình im lặng và chấp nhận đóng tiền.
Số ngày làm việc tại văn phòng tháng 6 là 22 ngày, ít hơn so với 26 ngày của tháng 5, mức sử dụng cơ bản là giống nhau, nhưng hóa đơn điện của chị Đỗ Hà (Vạn Phúc, Hà Nội) lại tăng gấp 3 lần. Thấy bất hợp lý, chị Hà khiếu nại lên EVN.
Đại diện EVN lý giải, tháng gần đây, thời tiết nắng nóng thiết bị sử dụng nhiều kéo theo hóa đơn điện tăng cao là bình thường. Nhân viên này ghi vào biên bản: "Sau khi được giải thích, khách hàng không còn thắc mắc gì nữa" và yêu cầu chị Hà xác nhận.
Tuy nhiên, với căn cứ ở trên, chị Hà phủ nhận lý do EVN đưa ra và chấp nhận ký giấy mang công tơ đi kiểm định. Trong khi đó, nhân viên EVN cho biết, trong thời gian kiểm định công tơ (không rõ bao lâu), văn phòng chị Hà sẽ bị cắt điện 100% và phải chịu phí kiểm định.
"Sau 1 đêm chạy thử, nguồn điện duy nhất là chiếc tủ lạnh gia đình chạy chế độ thường, công tơ mới đã báo 5 số", chị Hà cho hay. Người phụ nữ này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi công suất điện và hóa đơn vào tháng sau, chứ không im lặng và chấp nhận thiệt thòi.
Nhiều người bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Ảnh: NVCC. |
Do chốt số điện muộn vào tháng trước nên điện năng tiêu thụ tháng này nhà anh Quân (Hà Nội) chỉ tính là nửa tháng. Tuy nhiên, số tiền gia đình anh phải trả lại tăng gấp 2 lần. Anh khẳng định, mấy tháng gần đây, gia đình sử dụng mọi thứ với công suất tương đương và không mua sắm thêm vật dụng tiêu tốn nhiều điện năng.
Một số hộ gia đình cũng phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng gấp 2-3 lần tháng 5 là do “nhà đèn” dồn vào để tính lũy tiến có phụ thu. Tuy nhiên, với trường hợp nhà anh Quân rất khó lý giải.
Từ tháng 3, khi giá điện tăng 7,5%, hóa đơn tiền điện tháng sau nhà chị Vũ Tuyết Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) tăng gấp 2 lần tháng trước. Nghi công tơ bị "câu trộm", chị Minh đăng ký lắp 2 công tơ mới để theo dõi.
Đến tháng 5, gia đình chị có mua thêm 1 chiếc điều hòa công suất 9000BTU, chỉ chạy vào buổi tối từ 23h đến 4h. Nghĩ rằng hóa đơn tiền điện tháng 6 cũng chỉ nhỉnh hơn vài trăm nghìn, nhưng khi nhận được tin nhắn thông báo tiền điện tăng gấp 2 lần, chị Minh không khỏi giật mình.
Từng có thời gian làm ở khâu Điện kế (Công ty Điện lực TP HCM), anh Nguyễn Thuận cho biết, điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất có biểu giá khác nhau. Đối với điện kinh doanh, sản xuất, nếu dùng điện kế điện tử sẽ có 3 giá: cao điểm, thấp điểm, bình thường. Nếu không biết mình đang bị tính giá nào, người dùng có thể hỏi nhân viên tổng đài, ghi, thu tiền điện, hoặc nhân viên ngành.
“Hiện nay dù điện sinh hoạt hay kinh doanh, sản xuất đều được tính theo giá bậc thang. Đó là lý do tờ hóa đơn rất dài”, anh Thuận cho hay.
Theo anh Thuận, tiền điện tăng bất thường có thể do điện kế bị “câu trộm” (họ câu phía sau dây của cầu dao chính điện kế). Người dùng có thể kiểm tra bằng cách tắt hết điện trong nhà, nếu điện kế vẫn quay thì có thể xét đến trường hợp này.
“Khi ngắt điện, điện kế vẫn quay, người dùng nên dò tìm từng thiết bị xem có bị hư hoặc rò rỉ hay không.
Trường hợp cuối cùng, khi tắt cầu dao điện trong nhà mà vẫn quay là điện kế hỏng. Hộ gia đình sẽ kiến nghị lên cơ quan điện lực xuống kiểm tra (miễn phí) và thay điện kế khác (mất phí)”, anh Thuận cho biết thêm.