Đó là TS Lâm Thành Hiển – người đang giữ cương vị Hiệu trưởng nhà trường. Không những thế, TS Lâm Thành Hiển cũng là người luôn tạo động lực, truyền cảm hứng GV, SV của trường trong nghiên cứu và học tập.
Duyên nợ với robocon
Sinh ra ở vùng đất cố đô – Thừa Thiên Huế nhưng học tập và lớn lên ở Sài Gòn, được thụ hưởng môi trường giáo dục năng động và khai phóng, cậu học trò Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lâm Thành Hiển đã định hình mục tiêu cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT sẽ vào đại học để thực hiện ước mơ làm chủ tri thức về kỹ thuật, công nghệ.
Năm 1997, từ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thầy Hiển về công tác tại Trường ĐH Lạc Hồng ở Đồng Nai với cương vị là giảng viên, và cũng là một trong những nhà giáo đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi trường này.
Nói về cơ duyên đến với robocon, TS Hiển chia sẻ: “Năm 2005, Trường ĐH Lạc Hồng tham gia sân chơi Robocon để trải nghiệm, học hỏi và quan sát. Tôi nhận thấy, sân chơi này có nhiều lợi ích đối với sinh viên. Các em không chỉ chơi, mà còn có thể học và rèn luyện, trưởng thành ngay trong môi trường này. Do đó, chúng tôi đã lên một kế hoạch dài hơi, kiên trì theo đuổi, và tổ chức cho các em thi ở cấp trường, rồi lựa chọn những nhân tố tốt nhất tham gia đấu trường bên ngoài”.
Sau quá trình tìm tòi, quan sát và học hỏi, năm 2010, SV LHU có được thành tựu đầu tiên là chức vô địch trong nước từ sân chơi robocon. Rồi thành công tiếp nối thành công. Sinh viên của trường đã 9 lần vô địch robocon trong nước, 3 lần vô địch robocon Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 15 năm trôi qua, robocon là một trong những sân chơi khoa học thú vị, hiệu quả, thu hút được đông đảo sinh viên LHU tham gia. “Robocon không chỉ là sân chơi, thông qua các cuộc thi này, sinh viên rèn luyện bản lĩnh, niềm tin và sự kiên trì trong theo đuổi mục tiêu của bản thân nữa” – TS Hiển nói.
Nhiều năm đồng hành cùng các sinh viên tham gia cuộc thi robocon, thành quả lớn nhất mà thầy Hiển gặt hái được chính là đã góp phần kiến tạo và nâng cánh giấc mơ cho sinh viên của mình. Từ sân chơi này, nhiều sinh viên đã đi thẳng đến Nhật Bản - nước khai sinh ra cuộc thi.
Khi được hỏi, từ sân chơi robocon, điều thú vị và hạnh phúc nhất của ông là gì? TS Hiển cho rằng với bản thân ông và có lẽ cũng là suy nghĩ chung của cả tập thể sư phạm nhà trường, điều thú vị và hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy sự trưởng thành của các học trò. “Đối với những người làm nghề giáo như chúng tôi, không gì vui hơn khi thấy sinh viên của mình thành đạt. Những sinh viên bước ra từ các cuộc thi robocon đều có công việc tốt và sống hạnh phúc. Họ được làm việc đúng chuyên môn, trong môi trường như mong muốn và với mức thu nhập tốt. Hạnh phúc của người thầy, cô là đấy chứ đâu xa” - TS Lâm Thành Hiển chia sẻ.
Nguyễn Thuận - cựu sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng, đồng thời là thành viên đội tuyển Robocon LH - NEW đang làm việc và sinh sống tại Nhật Bản chia sẻ: “Tôi có được thành quả như hôm nay là cả quá trình học tập và rèn luyện, cùng với sự hướng dẫn của thầy cô Trường ĐH Lạc Hồng, đặc biệt là thầy Hiển. Thầy không chỉ là thầy, mà còn là bạn. Tuy đã ra trường nhưng tôi và các bạn trong đội tuyển vẫn kết nối và tương tác với thầy”.
“Thời sinh viên, những lúc tôi gặp khó khăn, thì không không biết vô tình hay hữu ý mà thầy Hiển thường xuất hiện kịp thời, đúng lúc. Điều đó đã thêm sức mạnh tinh thần, giúp tôi giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả…” - Nguyễn Thuận chia sẻ thêm.
Người thầy truyền cảm hứng
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận và đáp ứng với các chuẩn mực quốc tế. Do đó, vai trò của giảng viên cũng thay đổi rất lớn.
Để làm được điều này, ngoài kiến thức chuyên môn và hiểu biết rộng về các vấn đề của xã hội, giảng viên của trường phải xây dựng phong cách và thái độ nghiêm túc với công việc, sự thân thiện và nhiệt thành với sinh viên, đồng nghiệp và trách nhiệm cao với công việc chung của nhà trường.
“Bên cạnh sự chắc chắn và sâu sắc về chuyên môn, mới mẻ về phương pháp dạy học, thì tinh thần đổi mới, sáng tạo và thái độ phục vụ cộng đồng của cán bộ, giảng viên được coi là một tiêu chí trong đánh giá hàng năm” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng LHU cho rằng SV chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người thầy của mình. Sẽ không thể khơi dậy khát vọng vươn lên cho sinh viên nếu người thầy không có khát vọng. Vì vậy, ngoài chuyên môn, thái độ và cách đối diện với các vấn đề của cuộc sống của thầy cô cũng có những tác động nhất định đối với các thế hệ sinh viên.
Chính vì lẽ này, hiện tuy giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường với lịch làm việc dày đặc, nhưng TS Lâm Thành Hiển vẫn không ngừng học tập. Nói về lý do này, Hiệu trưởng LHU chia sẻ: “Các bạn trẻ, sinh viên bây giờ năng động và rất giỏi. Sinh viên thế kỷ XXI thì người thầy ít nhất cũng phải là người thầy thế kỷ XXI. Trong bối cảnh hiện nay, thầy cô càng phải học mới “theo kịp”, mới hiểu các bạn ấy cần gì, mong muốn điều gì, và mình có thể làm gì cho học trò”.
Không chỉ là người truyền lửa cho sinh viên, mà tại LHU, TS Lâm Thành Hiển còn được mệnh là vị sếp quốc dân. Nói về điều này, cô Hoàng Oanh – Trưởng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - người đã gắn bó với LHU hơn 12 năm qua - cho biết: “Thầy Hiển ít nói, nhưng làm cực kỳ nhiều. Trong thời đại 4.0 nhưng thầy luôn làm việc với tốc độ 5.0 - nhanh - gọn, hiệu quả - chính xác. Là người đóng vai trò lãnh đạo hạt nhân của trường, nhưng thầy luôn giản dị, không cầu kỳ hay quan cách, mà ngược lại rất trọng tình, sống chan hòa và công bằng với mọi người. Thầy luôn cho những người đồng nghiệp xung quanh cảm giác thoải mái, muốn được hợp tác và dốc sức để làm tốt công việc được giao…”.
Không chỉ là người kiến tạo, thổi hồn vào sân chơi Robocon, TS Lâm Thành Hiển còn là người dẫn dắt và tạo dựng nhiều sân chơi khác cho sinh viên, như: Xe tiết kiệm nhiên liệu; Xe không người lái; Cuộc thi Komataisen; Sân chơi Robot đại chiến; Các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo; Phiên tòa giả định; IoT và các sân chơi khoa học, công nghệ khác... Hiện nay, tại Trường ĐH Lạc Hồng mỗi khoa, mỗi ngành đều có những sân chơi khoa học khác nhau, giúp sinh viên có thêm trải nghiệm về kiến thức, học tập dựa trên dự án. Sinh viên nào đã từng trải qua các sân chơi này đều tạo được ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng.
Với những nỗ lực, đóng góp cho sự phát triển của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung, TS Lâm Thành Hiển đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2011); Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; nhiều năm liền được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Đồng Nai tặng Bằng khen...
“Đối với sinh viên, thầy Hiển không tiếc gì cả. Chỉ cần thấy SV cố gắng để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, thầy sẽ giúp đỡ và chỉ bảo nhiệt tình. Được gặp và học thầy với tôi là một may mắn lớn” - Phạm Bách (sinh viên khoa CNTT LHU)