Người dân tin tưởng giải pháp phòng chống Covid-19 của Chính phủ

GD&TĐ - “97% người dân được hỏi bày tỏ ủng hộ các biện pháp phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Niềm tin lớn như thế thêm quyết tâm cho chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp đang triển khai”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19, chiều nay 27/8/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Niềm tin lớn

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu đánh giá: Các địa phương, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, khoanh vùng truy vết, tăng cường xét nghiệm và cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Xã hội có niềm tin lớn đối với chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương: “97% người dân được hỏi bày tỏ ủng hộ các biện pháp phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Niềm tin lớn như thế thêm quyết tâm cho chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp đang triển khai. Chống dịch, đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất. Những nơi có điều kiện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đời sống, việc làm và thu nhập cho người dân”. Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo những vấn đề phát sinh, những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống Covid-19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trên thế giới dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại, đồng thời một số quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong khoảng 4 tuần gần đây đang phải đối mặt với đợt bùng phát mới sau khi nới lỏng phong tỏa. Các quốc gia này đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Tại Việt Nam, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng hoặc từ nguồn nhập cảnh trái phép; nhập cảnh hợp pháp như chuyên gia, lao động nước ngoài vào nước ta làm việc, hoặc từ các khu cách ly tập trung.

Với khoảng 60% các trường hợp bệnh là không có triệu chứng nên vẫn có khả năng bùng phát và lây lan rộng trong cộng đồng khi vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là ở các cơ quan, công sở, xí nghiệp, người dân đối với chấp hành quy định phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc… Ngoài ra, trong thời gian tới với thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp nên nguy cơ mắc các bệnh sẽ tăng cao.

Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương luôn chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh, phải xác định các ca bệnh được phát hiện không phải của riêng địa phương nào để sẵn sàng ứng phó; khi phát hiện trường hợp mắc bệnh cần triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Trong giai đoạn hiện nay rất khó để áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức cao như giai đoạn trước; thách thức lớn nhất là tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Do vậy, đòi hỏi phải có những chỉ đạo, giải pháp căn cơ, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” để hạn chế dịch, sẵn sàng đáp ứng chống dịch.

Một số biện pháp cụ thể gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện phương châm bốn tại chỗ, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch. Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các hướng dẫn an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, đặc biệt chú trọng an toàn trong bệnh viện, trong trường học, nơi làm việc, tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp và trên phương tiện giao thông công cộng… Xác lập một số biện pháp bắt buộc thực hiện trong giai đoạn mới như đeo khẩu trang nơi công cộng, cài đặt ứng dụng khai báo y tế (Bluezone), tiếp tục hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc… và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.

Quản lý chặt xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới

Theo Bộ Y tế, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.

Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, có thể xuất khẩu. Trước mắt, chủ động tiếp cận các nguồn vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới để sớm mua được vắc xin sử dụng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tăng cường việc tổ chức triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Bộ Y tế cũng có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Trong đó có đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo: Phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới; đặc biệt lưu ý rà soát, phê duyệt, quản lý các trường hợp chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc không để các thành phần không đúng đối tượng được nhập cảnh vào trong nước; chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở tại các khu vực biên giới… Thủ tướng đề nghị Bộ Công an khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cá nhân, tổ chức, đường dây, các cơ sở lưu trú đưa người hoặc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Chủ động chuẩn bị các kịch bản, phương án có thể xảy ra của dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, tại cơ quan, văn phòng làm việc và tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lượng lao động lớn; yêu cầu khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, cần nhanh chóng, khẩn trương truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly tập trung ngay và lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần nhằm khống chế mầm bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: Trường hợp ở Hà Nội phát hiện dương tính ngày 26/8/2020 sau thời gian cách ly tập trung tại Hải Dương là một bài học cảnh tỉnh về công tác phòng, chống covid-19, vấn đề phối hợp công tác xét nghiệm và cách ly tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.