Cắm chốt giữ biên cương
Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100 km, đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Nơi đây tiếp giáp với 2 tỉnh Kan Dal và Tà Keo, Vương quốc Campuchia. Trong đó, đường biên giới trên sông rạch khoảng 13,6 km; đường biên giới trên đất liền khoảng 86 km. Ngoài cửa khẩu còn có hàng trăm đường mòn, lối mở xuyên qua khu vực đồng ruộng, sông rạch. Để bảo đảm kiểm soát, ngăn chặn người qua lại biên giới, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng ngày đêm chốt trực.
Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đồn Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang), người cùng cán bộ, chiến sĩ túc trực suốt mấy tháng qua để ngăn người qua lại biên giới. Đồn quản lý đoạn biên giới 15,3 km (đường sông 11,3 km, đường bộ 4 km) giáp với tỉnh Kandal (Campuchia). Đường biên giới có cả đường bộ lẫn đường sông nên việc tuần tra, kiểm soát khá vất vả.
Từ tháng 2, Đồn có 20 tổ với 120 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ biên giới kết hợp ngăn chặn người qua lại trái phép để phòng, chống dịch Covid-19. Đã phát hiện 188 vụ với 357 người xuất nhập cảnh trái phép. Trong tháng 4 đã xử lý 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
“Ranh giới có nơi rất nhỏ. Lực lượng rào đường mòn này thì họ đi chỗ khác, len lỏi vào vườn của dân nên rất khó để ngăn chặn. Vì thế không có cách nào khác là tăng cường tuần tra kiểm soát để không cho người xâm nhập trái phép vào Việt Nam”, Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn cho biết.
Dọc chiều dài tuyến biên giới, lực lượng biên phòng còn dựng lều trại cắm chốt và có lực lượng trực, tuần tra 24/24 giờ. Như Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc, An Giang) quản lý đoạn biên giới 15,4 km. Từ tháng 3 đến nay đồn thành lập 16 tổ công tác túc trực 24/24 giờ. Các chốt trực thường được đặt ở khu vực vắng vẻ, có nơi cách đồn hàng chục cây số. Đường sá khó khăn, chiến sĩ đi lại chủ yếu theo tuyến kênh, những hôm nước rút thì phải lội bộ.
Theo Trung tá Nguyễn Trường Thành, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, Tổ trưởng Tổ công tác số 15, bản thân đảm nhận nhiệm vụ từ tháng 3 đến nay cùng 4 chiến sĩ. Nhiệm vụ chính của cán bộ, chiến sĩ là bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19 và phòng, chống buôn lậu.
“Tuần tra vất vả nhưng người dân địa phương hỗ trợ rất nhiệt tình. Chứng kiến cảnh bộ đội vất vả ngoài đồng ruộng để phòng chống dịch, người dân thường xuyên hỗ trợ thực phẩm, gạo, rau xanh... giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ”, Trung tá Thành cho biết.
“Nhiệm vụ kép”
Để bảo đảm công tác phòng dịch, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, lực lượng biên phòng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người dân địa phương. Bằng công tác vận động, tuyên truyền, người dân địa phương cùng bộ đội biên phòng chống dịch hiệu quả.
Theo Trung tá Đinh Quang Điềm, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang), từ tháng 2 đến nay, đồn duy trì 20 tổ với 120 cán bộ chiến sĩ làm “nhiệm vụ kép” là tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới kết hợp ngăn chặn người qua lại biên giới trái phép để phòng, chống dịch Covid-19. Những tháng cao điểm, đơn vị phát hiện, xử lý gần 200 người xuất nhập cảnh trái phép.
“Ngoài tuần tra kiểm soát biên giới, Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình còn phối hợp chính quyền địa phương xã Khánh An và Thị trấn Long Bình tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác trước tình trạng xuất nhập cảnh trái phép...”, Trung tá Điềm cho biết.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc, An Giang) ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát còn “gõ từng nhà” để tuyên truyền, phòng chống dịch. Người dân ở khu dân cư, bến đò, nhà gần khu vực biên giới đều được bộ đội tuyên truyền phòng, chống dịch. Đặc biệt là tuyên truyền không tham gia đưa người xuất, nhập cảnh trái phép và phòng chống buôn lậu.
Đại úy Ngô Thanh Long, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết, lực lượng biên phòng đang canh gác ngày đêm để ngăn người nhập cảnh trái phép. Đồng thời tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới phòng dịch Covid-19. Đặc biệt là khi phát hiện người lạ mặt thì báo ngay cho biên phòng, chính quyền địa phương để xử lý. Ngoài ra, người dân không bao che hay tiếp tay cho người xuất nhập cảnh trái phép...