Người dân Singapore 'chuộng' trường bách khoa

GD&TĐ - Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh Singapore chọn trường bách khoa thay cho trường THPT vì cơ hội thực hành, tìm việc làm cạnh tranh.

Trường Bách khoa Ngee Ann, Singapore.
Trường Bách khoa Ngee Ann, Singapore.

Mô hình này dần được phụ huynh và xã hội đón nhận.

Năm 2017, khi Bộ Giáo dục Singapore (MOE) tuyên bố sáp nhập một số trường cao đẳng cơ sở do tỷ lệ sinh giảm, người ta lo lắng các trường bách khoa sớm rơi vào tình cảnh tương tự. 7 năm đã trôi qua, nghi ngờ này là vô căn cứ.

Mô hình trường bách khoa gần giống với mô hình trường nghề ở nhiều quốc gia khác nhưng ngày càng được chào đón ở Singapore. Năm 2013, chỉ 800 học sinh THCS đăng ký vào 5 trường bách khoa nhưng đến năm 2023, con số này là 21 nghìn em.

Chị Natalie Yeh, 22 tuổi, tốt nghiệp Trường Bách khoa Ngee Ann, chia sẻ: “Phải mất một thời gian để những thiếu niên 16 tuổi tìm ra điều họ thực sự muốn làm trong cuộc sống. Các trường bách khoa cho phép chúng tôi tìm hiểu năng khiếu cũng như sở thích của mình”.

Chị Natalie hiện đang lấy bằng điều dưỡng tại Đại học Quốc gia Singapore. Nữ sinh cho biết sau khi vào Ngee Ann, cô nhận thấy bản thân thích ngành y và nghề điều dưỡng. Ngee Ann đã đào tạo cô những kiến thức cơ bản trước khi học lên cao hơn.

Theo các chuyên gia, các trường bách khoa tại Singapore sẽ luôn thu hút sinh viên. Lý do là những trường này đào tạo hơn 150 khoá học trên các lĩnh vực nền tảng (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và các lĩnh vực sáng tạo.

Các khoá đào tạo về kỹ thuật, khoa học ứng dụng, y tế, kinh doanh, máy tính và nghệ thuật sáng tạo liên tục được các trường cập nhật để theo kịp những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trên thế giới.

Bên cạnh đó là chương trình đào tạo các ngành nghề mới để người trẻ có thể trở thành đầu bếp, chuyên gia phát triển trò chơi, nhà sản xuất phim hay nhà thiết kế thời trang bền vững...

Yếu tố linh hoạt vẫn xuyên suốt ngay cả khi sinh viên trúng tuyển vào trường. Các trường bách khoa tại Singapore giảng dạy theo mô hình chương trình chung trước khi phân chuyên môn và thực tập. Sau khi học chương trình chung, học sinh có thể chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân và thực tập 1 năm trong lĩnh vực đó.

Học sinh có thể thực tập ở nước ngoài, tham gia chương trình khởi nghiệp hoặc học thêm chứng chỉ nâng cao kỹ năng chuyên môn trong quá trình học. Nhà trường sẽ sắp xếp thời gian học linh hoạt để học sinh mở rộng tối đa cơ hội thu nhận kiến thức.

Ngoài ra, mức lương và cơ hội việc làm cạnh tranh cũng là lý do nhiều người trẻ đi theo con đường bách khoa. Theo khảo sát việc làm công bố hôm 12/1, tổng thu nhập trung bình hàng tháng của sinh viên trường bách khoa đã tăng từ 2.600 SGD vào năm 2022 lên 2.800 SGD vào năm 2023. Năm 2015, mức thu nhập trung bình của sinh viên là 2.100 SGD.

Vì những lý do trên, mô hình trường bách khoa không bị phụ huynh coi nhẹ so với các trường THPT. Ngược lại, đây là xu hướng được học sinh, phụ huynh và xã hội Singapore tích cực đón nhận.

Các trường bách khoa tại Singapore gồm Nanyang, Ngee Ann, Republic, Singapore, Temasek. Với chương trình kéo dài 2 - 3 năm, chương trình học tập trung vào thực hành nhiều hơn lý thuyết. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể đăng ký vào các trường bách khoa thay vì THPT. Khi hoàn thành chương trình học, các em có thể học lên đại học hoặc đi làm ngay.

Theo ST

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.