Dân bỏ thu hoạch, kéo đến UBND huyện phản ánh
Hướng Hóa là vùng chuyên canh cà phê duy nhất tại Quảng Trị, với diện tích khoảng 5.000ha.
Thời điểm giữa tháng 11, người dân bước vào thu hoạch cà phê, nhưng giá bán ra không ổn định, khiến bà con chán nản. Thậm chí, có thời điểm giá bán xuống rất thấp, người dân phải ngậm ngùi bỏ thu hoạch.
Hàng chục năm gắn bó với cà phê, nhưng giá bán không bù được chi phí chăm sóc nên gia đình ông Tống Văn Thi (trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) chỉ duy trì hơn 2,5ha.
Vụ năm nay, với diện tích hiện có, gia đình ông Thi dự kiến sản lượng khoảng 30 tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê bấp bênh nên có thời điểm vợ chồng ông Thi không thu hoạch, bỏ cà phê chín đỏ trên cây.
Bà Nguyễn Thị Lan (trú thôn Cợp, xã Hướng Phùng) mong muốn giá cà phê ổn định. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan (trú thôn Cợp, xã Hướng Phùng) cũng trồng 3ha cà phê arabica. Vụ năm nay, bà dự tính sản lượng khoảng 40 tấn. Thế nhưng, trong nhiều ngày liền giá bán cà phê xuống thấp, bà Lan bỏ không thu hoạch khiến quả rơi rụng, héo khô.
Giữa tháng 11, giá cà phê bị đẩy xuống 7.000 - 9.000 đồng/kg. “Trong thời gian từ ngày 12-14/11, cà phê chín đỏ cả vườn nhưng tôi không thu hoạch vì giá bán quá thấp. Thuê nhân công hái là 2.000 đồng/kg, nông dân chỉ còn 5.000 đồng nên chúng tôi lỗ vốn”, bà Lan than thở.
Bà Lan cho hay, gia đình đầu tư 140 triệu đồng tiền phân bón, sâu bệnh. Số vật tư này vay của đại lý, phải trả tiền lãi trong suốt niên vụ. Nhưng giá cà phê xuống thấp, không đủ bù chi phí.
Ông Phan Hữu Phong (trú thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng) cũng “méo mặt” vì giá cà phê xuống thấp, nguy cơ thua lỗ.
“Tôi nhập cà phê cho đại lý chiều hôm trước nhưng hôm sau mới có giá. Doanh nghiệp đưa ra giá như thế nào thì nông dân chấp nhận như thế. Chúng tôi không quyết định được giá bán nông sản”, ông Phong cho hay.
Thời gian này, bà con bước vào chính vụ thu hoạch cà phê. |
Nhiều hộ dân nghi ngờ, các doanh nghiệp, đại lý "bắt tay" nhau làm giá, ép giá nông dân, khiến họ đứng trước thua lỗ, thậm chí bỏ vườn.
Giá xuống thấp đỉnh điểm, khoảng 50 nông hộ ở xã Hướng Phùng bỏ thu hoạch cà phê, kéo nhau ra UBND huyện Hướng Hóa để cầu cứu.
Yêu cầu công khai, niêm yết giá từng ngày
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho hay, địa phương chiếm gần một nửa diện tích cây cà phê của huyện (khoảng 2.000ha), với hơn 1.400 hộ tham gia trồng, hoặc có liên quan cây cà phê.
Sản lượng trung bình hàng năm dao động từ 10.000-12.000 tấn. Nhưng giá cà phê xuống thấp khiến bà con lao đao, thậm chí nhiều hộ không muốn duy trì cây cà phê.
"Về lâu dài, nông dân cần cải tạo, đầu tư thỏa đáng, nhằm nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bà con tái canh cà phê, hỗ trợ công nghệ chế biến", ông Long nói.
Nông dân mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cần niêm yết cà phê. |
Theo ông Hoàng Đình Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa, sau khi người dân tìm đến huyện để phản ứng về giá cà phê xuống thấp, huyện đã tổ chức họp, có sự tham gia của 7 cơ sở thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn.
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Thuận - Phó chủ tịch UBND huyện nêu vấn đề có hay không việc doanh nghiệp bắt tay nhau "ép giá" nông dân? Các doanh nghiệp đều khẳng định không "ép giá" mà nói rằng, giá xuống do trời mưa, cà phê lẫn tạp chất...
Theo đó, để xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh chất lượng và duy trì vùng nguyên liệu, giá cả cần phải ổn định.
Huyện đã thành lập tổ kiểm tra việc thu mua ở các nhà máy, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết không thu mua cà phê kém chất lượng và giá thu mua phải niêm yết công khai.
Được biết, hiện nay giá thu mua cà phê tại Hướng Hóa được nhích dần. Ngày 27/11, giá cà phê tươi đã đạt 11.000 đồng/kg.
Mới đây, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi niên vụ 2023. Yêu cầu Tổ công tác liên ngành kiểm tra chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi; tăng cường tổ chức kiểm tra chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê theo quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp thu hoạch, thu mua cà phê không đảm bảo chất lượng.
Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị tuyên truyền và hướng dẫn người dân thu hoạch cà phê đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ quả chín, không ngâm nước, để trộn lẫn cành, lá, đất, cát khi cân bán. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở thu mua cà phê quả tươi tuyên truyền, giải thích về mức giá thu mua hàng ngày, lý do tăng, giảm giá mua.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn, UBND huyện Hướng Hóa yêu cầu công khai, niêm yết giá thu mua từng ngày để tránh việc ép giá trong thu mua cà phê quả tươi của người dân.