Dân lo ảnh hưởng đến nguồn sinh kế
Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư năm 2011, khởi công xây dựng năm 2015 tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Công suất thiết kế nhà máy là 350.000 tấn bột giấy/năm (giai đoạn I). Đây được xem là dự án xây dựng nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam.
Giai đoạn I được xây dựng trên diện tích 117 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng và đã thi công hơn 75%. Dự kiến, đến cuối quý IV năm 2024, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Vịnh Việt Thanh thuộc thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là điểm cuối đường ống xả thải dài hơn 6 km của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.
Nhưng khi tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư thì phần lớn người dân ở 2 xã Bình Trị và Bình Hải (huyện Bình Sơn) đều không tán đồng vì cho rằng việc xả thải ra biển có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Trang, thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị nói: “Việc nhà máy bột giấy lắp đặt ống xả thải ra biển thôn Lệ Thủy khiến chúng tôi rất lo ngại. Vì là dân biển nên cuộc sống từ cái ăn, cái mặc đến nuôi con cái ăn học đều trông nhờ vào biển cả. Bởi vậy, kế hoạch đặt đường ống thải ra biển Lệ Thủy thì dân chúng tôi không đồng ý”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhạn ở thôn Lệ Thủy cũng chia sẻ: “Nhiều đời nay, ngư dân chúng tôi sống bằng nghề khai thác thủy sản gần vịnh Việt Thanh. Nay nghe thông tin ống xả thải của Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra ngay vịnh nên bản thân tôi không đồng tình và rất lo lắng”.
“Chính quyền xã đã tổ chức họp với một số người dân ở vùng biển thôn Lệ Thủy. Qua nội dung cuộc họp, người dân thể hiện sự lo lắng về việc xả thải khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến ngư trường, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho biết.
Theo nhiều ngư dân ở xã Bình Trị, vịnh Việt Thanh không chỉ là ngư trường mưu sinh ven bờ của hàng nghìn ngư dân hành nghề thúng máy, lặn, nơi đây còn có hệ sinh thái biển đa dạng, có vô số rạn đá ngầm tạo nên vẻ đẹp quyến rũ.
Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Quảng Ngãi. |
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trước lo ngại này của cộng đồng dân cư, Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết, các thủ tục pháp lý của nhà máy đang triển khai, hiện nay là đảm bảo. Còn chất lượng nguồn thải có đảm bảo hay không thì phải chờ khi nào nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm mới có đánh giá chuẩn xác.
“Mọi vấn đề liên quan, theo tôi là đủ để xem xét đảm bảo vì thiết bị công nghệ mới 100% của châu Âu. Nhà máy sẽ vận hành trong 3 đến 6 tháng, trường hợp đạt tiêu chuẩn trong thời gian trên, Bộ TN&MT sẽ xem xét và cấp giấy phép môi trường”, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi nói.
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cũng thông tin thêm, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được Bộ TN&MT thẩm định. Theo quy định, dự án này Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường với nhiều nội dung, trong đó có nước thải, nếu không đạt quy chuẩn sẽ không cấp phép và dự án sẽ không được hoạt động.
Tại Quảng Ngãi, cùng với Thép Hòa Phát Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 thuộc diện giám sát đặc biệt của Bộ TN&MT.
Vịnh Việt Thanh nơi Nhà máy Bột - Giấy VNT19 dự kiến đặt ống xả thải là nơi khai thác hải sản của hàng nghìn người dân. |
“Việc người dân lo ngại không cho xả thải ra vịnh Việt Thanh vì sợ ảnh hưởng môi trường, tác động tiêu cực đến sinh kế của ngư dân vùng này là hoàn toàn có lý”, lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Ngãi thừa nhận.
Về phía chủ đầu tư, Công ty CP Bột - Giấy VNT19 cho biết, đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hơn 525 tỷ đồng và cam kết nguồn nước thải đạt chất lượng về quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra biển.
Công ty áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật hạn chế nguồn phát nước thải. Bổ sung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, giám sát như: Nâng công suất của hồ sự cố từ 20.000 m3 lên 50.000 m3, bổ sung hồ sinh học với dung tích 25.000 m3, tạo hệ thống liên hồ gồm hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000 m3, bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng (thả cá, sinh vật phù du, bèo, rong rêu để kiểm chứng mức độ độc hại của nước thải).
Quá trình xây dựng, lắp đặt, vận hành phân xưởng xử lý nước thải được sự giám sát, thanh kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân địa phương.