Sự cố môi trường từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản ảnh hưởng đến 510 nghìn người, thuộc 22 huyện của 4 tỉnh miền Trung.
Đây là sự cố lớn nhất từ trước đến nay của các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Để khắc phục sự cố, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân. Sau hai năm thực hiện bước đầu đã có những kết quả nhất định đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá cao vai trò và biểu dương các bộ ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt đánh giá cao hỗ trợ của nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua thực tế thăm hỏi người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vào ngày 16/5, Thủ tướng nói người dân phấn khởi, cuộc sống tốt và đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Ba thành công lớn nhất là người dân tin Đảng, chính quyền; người dân đoàn kết; và cán bộ trưởng thành hơn qua sự cố này.
Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Từ sự cố này, chúng ta phải làm tốt hơn, không được để ô nhiễm, cả nguồn nước, không khí, đất. Không được để có Formosa lần thứ hai... - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường lắp đặt thêm các trạm quan trắc môi trường tự động ở các đô thị lớn. Các bộ nghiên cứu giải pháp công nghệ đảm bảo môi trường, mua bán khí phát thải, đánh thuế doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường…
Bộ Y tế đã công bố kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tương đương với mẫu hải sản vùng biển đối chứng và “đảm bảo an toàn”.
Trong 6 đợt lấy mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền Trung, và tại ba tỉnh thành đối chứng là Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu vào tháng 8/2016, sau công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế lấy 1.040 mẫu hải sản ở bốn tỉnh và 300 mẫu ở ba tỉnh đối chứng. Đến tháng 9/2016, Bộ Y tế công bố hải sản an toàn thực phẩm, trừ một số loài tầng đáy ở phạm vị 20km gần bờ.
Đến tháng 3/2018, Bộ Y tế tổ chức thêm năm đợt giám sát, với 3.900 mẫu tại 15 điểm và đánh giá an toàn thực phẩm với tất cả các loài, đặc biệt là hải sản tầng đáy trong vùng biển 20km gần bờ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, sau 2 năm, nguồn lợi thủy sản đã phục hồi, nhiều loại cá nổi như cơm, nục, khoai…xuất hiện, người dân tích cực vươn khơi bám biển sản xuất. Đến thời điểm này có thể nói rằng Môi trường biển đã an toàn, hải sản đã đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân tích cực cải tạo ao đầm, đầu tư nuôi trồng thủy sản khi có công bố nước biển an toàn.
Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Trần Hồng Hà thông tin cho biết, chất lượng môi trường biển gồm nước biển và trầm tích tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, tắm biển và thể thao dưới nước. Môi trường phải được xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đầu tư bảo vệ môi trường ngay từ đầu với tỷ lệ tương xứng, tránh đầu tư nước ngoài thu lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường Việt Nam, để lại hậu quả nặng nề cho người dân.
Hội nghị cũng có những báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc hỗ trợ người dân, tiến độ thực hiện việc chi trả sự cố môi trường biển mà chính phủ đã đặt ra bằng nhiều giải pháp giúp người dân 4 tỉnh ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường này.