Người đàn ông khiến Einstein trở nên nổi tiếng

GD&TĐ - Nếu “đằng sau người đàn ông thành công luôn là người phụ nữ khéo léo”, thì đằng sau sự nổi tiếng toàn cầu của trụ cột vật lý hiện đại Albert Einstein là Arthur Stanley Eddington, nhà toán học và thiên văn không cùng quốc tịch.

Albert Einstein (trái) và Arthur Stanley Eddington (phải)
Albert Einstein (trái) và Arthur Stanley Eddington (phải)

Sống trong nước Đức bị thù địch bởi phần lớn thế giới phương Tây đương thời, lý thuyết tương đối tổng quát của thiên tài Einstein không được bên ngoài liếc mắt lấy một cái.

Giả sử không nhờ có Eddington đổ cả tâm sức lẫn thời gian, nỗ lực truyền bá và xác thực cho bằng được, tiếng tăm của Einstein có thể đã chẳng bao giờ vượt ra khỏi biên giới Đức.

Riêng Eddington lại chẳng bận tâm vấn đề thù địch

Arthur Stanley Eddington (28/12/1882 - 22/11/1944) là nhà vật lý của Thế kỷ XX, nhưng được biết đến với vai trò thiên văn gia quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn với ngành vật lý thiên văn hơn.

Chính nhờ có ông dẫn đầu đoàn thám hiểm quan sát và chụp ảnh hiện tượng Nhật thực ngày 29/5/1919, mà lý thuyết tương đối của Einstein mới được đối chiếu thực tiễn.

Cặp đôi định mệnh

Ngay cả trong thế giới ngày nay, khi ngoài 60 năm đã qua kể từ ngày thiên tài vật lý Albert Einstein tạ thế, cái tên của ông vẫn được đông đảo mọi người biết đến. Không ít người thuộc nằm lòng nhà vật lý này có nguồn gốc Do Thái, vì quá tài năng mà được Đức Quốc xã (thể chế muốn giết sạch toàn bộ người Do Thái) phải tự động đặt ra ngoài danh sách đen.

Thế nhưng hiếm ai lại biết trước khi được Arthur Stanley Eddington “say mê”, Einstein vẫn chỉ là “rồng trong ao”. Mặc dù ông đã hoàn thành lý thuyết tương đối kể từ năm 1915, song thế giới thuở ấy chẳng hay biết gì về nó cả.

Ngược dòng thời gian trở về với thời điểm Einstein khai sinh ra lý thuyết tương đối, bạn sẽ thấy Trái đất đang chìm trong khói lửa chiến tranh của Thế chiến I (1914 - 1918). Liên minh Đức + Áo - Hung + Ý đối nghịch với Pháp + Nga + Anh, gây ra cuộc xung đột đẫm máu trên cấp độ toàn cầu.

Sự thù địch không chỉ giới hạn trong vòng chính trị mà còn tỏa rộng, tạo nên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí lan cả vào nghiên cứu khoa học. Nó nghiêm trọng đến nỗi hình thành 2 thái cực: khoa học của đồng minh và khoa học của kẻ thù. Tại Anh, trung tâm học thuật quốc tế, thành tựu nghiên cứu từ Đức bị xem là “khoa học của kẻ thù”. Với thái độ kỳ thị ấy, nó hoàn toàn ngoảnh mặt làm ngơ với thiên tài Einstein.

Ngưỡng mộ là dù sống trong thời đại phân lập, cả Einstein lẫn Eddington đều chung một quan điểm: khoa học thì không có “dân tộc” hay “biên giới” nào hết. Thế nên dẫu một người ở Đức còn một người ở Anh, không hề quen biết hay trực tiếp trao đổi thư từ, họ vẫn kết nối, tạo nên mối quan hệ kỳ diệu nhất thời đại.

Phải nói rằng Einstein đã vô cùng may mắn. Tuy chẳng quen Eddington nhưng ông lại biết một người có giao hảo với Eddington ở Hà Lan. Chính người này là cầu nối giữa Einstein và Eddington, trung chuyển thư giới thiệu lập thuyết mới của ông đến Eddington.

Khi đó, Eddington đang là giáo sư thiên văn của Cambridge và thành viên Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia. Bằng hiểu biết toán-lý và tinh thần hòa bình, ông gạt phắt cái thực tế “khoa học Đức”, cắm mũi vào lập luận phức tạp mà logic, mới mẻ của Einstein và hoàn toàn bị mê hoặc.

Người đàn ông khiến Einstein trở nên nổi tiếng ảnh 2

Vì sống ở Đức, Einstein từng không được cộng đồng khoa học thế giới quan tâm.

“Chuyện tình” không biên giới

Trên tất cả, với vai trò là một nhà nghiên cứu ôn hòa, Eddington nhận ra ngay Einstein chính là người hội đủ “điều kiện” để đánh tan sự thù địch vô lý trong cộng đồng khoa học lúc bấy giờ.

Không chỉ mang tư tưởng hòa bình, Einstein còn siêu xuất sắc, quá ư thích hợp để làm “biểu tượng” cho cộng đồng khoa học quốc tế.

Thế nên dù không thể gặp nhau (vì Einstein gần như là bị giam lỏng ở Berlin), Eddington vẫn quyết định “cược hết” vào nhà vật lý này, đem toàn bộ tài năng hùng biện ra thuyết phục thế giới nói tiếng Anh đang căm ghét Đức rằng, Einstein chính là khoa học gia tuyệt vời nhất, đáng được quan tâm bất chấp mâu thuẫn chính trị và chủ nghĩa dân tộc.

Để bắt đầu, Eddington viết sách lý giải về thuyết tương đối. Ông nhiệt tình đưa lý thuyết này vào những bài giảng, cố gắng khiến nó trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận. Cũng chính vì quá nhiệt huyết với thuyết tương đối của Einstein, Eddington còn “biến thân” thành nhà truyền thông khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Trong suốt nhiều thập kỷ, sách của ông liên tục nằm trong danh sách sách bán chạy nhất. Bản thân Eddington cũng trở thành khách mời quen thuộc của đài phát thanh BBC. Tất nhiên là cũng để diễn giải về những gì viết trong sách. Cuối cùng được phong tước hiệp sĩ nhờ sách luôn.

Rất khó để thuyết phục Vương quốc Anh gạt bỏ thù hận mà quan tâm tới không gian hay lực hấp dẫn của Einstein. Bởi trong thời gian này, họ đang lao tâm khổ tứ vì tàu ngầm vận chuyển lương thực bị chìm và hàng ngàn sinh mạng chiến sĩ trẻ bị mất trong công cuộc hỗ trợ Bỉ chống lại Đức, mà lại chẳng mang về được bao nhiêu lợi ích.

Cái mớ “lực hấp dẫn như là một tính chất hình học của không gian và thời gian” rồi “độ cong của không gian”, “năng lượng”, “động lượng”, “bức xạ”… trên trời theo đúng nghĩa đen ấy căn bản không đáng tốn công chú ý. Eddington nhận thức rõ điều đó. Ông hiểu mình cần một bằng chứng thực tế. Chỉ có nó mới minh chứng được lập luận của Einstein là chính xác và thay đổi nhận thức của cả thế giới.

Khơi mào cuộc chiến giữa Einstein và Newton

Trước Einstein thì Isaac Newton (1643 - 1727) của Anh mới được xem là nhà vật lý vĩ đại nhất. Lý thuyết của Einstein “phản” Newton, “âm mưu” lật ngược “không gian phẳng” của cha đẻ cơ học. Để thu hút sự quan tâm của Anh, Eddington khéo léo dẫn dắt báo chí vào cuộc chiến giữa Einstein với Newton, nâng tầm nó nên cấp quốc gia (Đức và Anh).

Lý thuyết tương đối của Einstein nói rằng, khi các tia sáng truyền qua một vật thể to lớn như Mặt trời, nó sẽ bị trọng lực của vật thể này bẻ cong. Điều đó khiến cho một ngôi sao nằm ở xa nhìn sẽ giống như bị dịch chuyển đi một chút so với vị trí vốn có.

Ông suy đoán sự dịch chuyển ấy rơi vào khoảng 1,7 giây góc. Nếu trong điều kiện thuận lợi thì tuy khó khăn nhưng các nhà thiên văn thời ấy vẫn có thể chụp ảnh và xác thực lý thuyết của Einstein.

Vấn đề là quá khó để “bắt” được cái “điều kiện thuận lợi” ấy. Bởi vì ánh sáng là thứ hiển thị vào ban ngày, còn các ngôi sao thì không, trừ khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần.

Nhật thực là hiện tượng vừa hiếm vừa ngắn lại vừa “chọn chỗ”. Ngày nay, bạn dễ dàng biết nhật thực sẽ xảy ra ở đâu và vào lúc nào để tới trước mà đợi, nhưng vào đầu Thế kỷ XX thì không đơn giản thế. Bản thân Einstein cũng bỏ không ít công để tự xác thực lý thuyết của mình. Chỉ là ông đã tốn nhiều năm mà vẫn không “tóm” được nhật thực.

Song sau nhiều nỗ lực tính toán và dự đoán, Eddington cuối cùng cũng xác định được thời điểm có nhật thực kế tiếp, Tháng 5/1919, tại Nam Bán cầu. Ông cũng nhận ra với vị trí xảy ra nhật thực này, chỉ có Anh là thích hợp để thực hiện chuyến thám hiểm xác thực lập luận của Einstein trên thực tiễn nhất.

May mắn cho Eddington là ông thân quen với Frank W Dyson, một nhà thiên văn hoàng gia. Dyson hứa sẽ tài trợ mọi chi phí, bao gồm từ đi lại đến mua sắm thiết bị cần thiết. Cũng nhờ có người bạn này, Eddington mới tránh được số phận ở tù và lao động khổ sai vì tội phản đối chiến tranh. Thú vị là điều kiện để Eddington được “khoan hồng” lại là tự thân dẫn đầu đoàn thám hiểm đi kiểm tra lý thuyết của Einstein.

Riêng Einstein chẳng hay biết gì cả. Ông đang sống dở chết dở vì đau ốm và đói khát giữa thời chiến, cố tìm cách vượt thoát khỏi Berlin.

Chuyến thám hiểm lịch sử

Dù không có Einstein tham gia, chuyến “đuổi bắt” nhật thực vẫn được tiến hành. Eddington cùng các đồng nghiệp lên đường chia thành 2 đội, một đến Brazil và một đến Principe, Tây Phi (nhóm này do Eddington dẫn đầu).

Đúng 100 năm trước, vào ngày 29/5/1919, các nhà thiên văn đã có 6 phút nhật thực để chụp ảnh. Chỉ với 6 phút này, nhận thức về vũ trụ đã thay đổi hoàn toàn. Nhờ nó, Einstein vượt lên Newton, đánh đổ lập luận “không gian phẳng”.

Thế nhưng tiến trình thì không đơn giản chút nào. Trên thực tế, đoàn thám hiểm đã suýt nữa bị thất bại bởi thời tiết xấu và tàu hơi nước “giở chứng” trên đường đi. Thật may là họ đã chiến thắng các trở ngại này, quay về Anh với những bức ảnh sẽ cho thấy vị trí của các ngôi sao nom có bị xê dịch chút nào vì lực hấp dẫn của Mặt trời hay là không.

Sau nhiều tháng đo lường và tính toán căng thẳng, Eddington chạm tới “khoảng khắc tuyệt vời nhất cuộc đời”. Lý thuyết của Einstein là hoàn toàn chính xác. Ngày ông trình bày kết quả thực chứng, căn phòng của Hiệp hội Hoàng gia chật cứng người. Từ phóng viên cho đến các nhà khoa học, ai nấy nín thở lắng nghe xem Einstein hay Newton mới là người chiến thắng.

Ngay khi tên Einstein được xướng lên, cả căn phòng như vỡ òa. Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia tuyên bố, đó chính là “thành tựu tư duy vĩ đại nhất của nhân loại”. Ngày hôm sau, Thời báo (Times) của Anh đăng tiêu đề khổng lồ “Cuộc cách mạng trong khoa học”. Eddington hoàn thành “dự án biến Einstein thành biểu tượng của khoa học quốc tế” một cách vẻ vang và hoàn hảo.

Chỉ sau một đêm, Einstein nổi tiếng toàn cầu. Ai nấy ngưỡng mộ, háo hức muốn biết thêm về nhà vật lý đã lật đổ được cả Newton.

Về phần Einstein, lúc này vẫn ốm liệt giường. Ông chỉ biết tin sau khi người bạn ở Hà Lan đánh điện tín cho. Chưa kịp vơi hạnh phúc vì lý thuyết của mình được kiểm chứng, Einstein đã rơi vào tâm bão truyền thông đại chúng. Mỗi bước ông đi đều kéo theo cả mớ phóng viên. Song ngay cả tận lúc này, Einstein vẫn chưa hề biết mặt mũi Eddington.

Phải sau kết thúc Thế chiến I nhiều năm, hai nhà khoa học như “định mệnh của đời nhau” này mới có cơ hội gặp gỡ lần thứ nhất. Sự tương hỗ giữa họ là bằng chứng cho “thế giới tri thức là một”. Thật không ngoa khi nói rằng, đây chính là 2 đầu tàu dẫn dắt cộng đồng khoa học quốc tế qua những năm tháng đen tối nhất của Thế chiến I.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ