Người đàn ông dành cả đời trồng rừng trên vùng đất khó

GD&TĐ - Ông Phạm Trung Trường ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi), nổi tiếng khắp vùng là người làm kinh tế giỏi lại vừa hết lòng vì cộng đồng.

Ông Trường đi dưới cánh rừng của mình.
Ông Trường đi dưới cánh rừng của mình.

Người đàn ông 75 tuổi này đã hiến hàng chục héc ta đất mở đường, làm hồ chứa nước, nghĩa địa... cho bà con vùng khó khăn ở thôn Thọ An của xã miền núi Bình An (huyện Bình Sơn). Người dân trọng quý ông bởi lòng tốt qua mấy chục năm gắn bó với mảnh đất này và gọi ông với cái tên thân thuộc bác Hai.

Con đường trở thành "vua rừng"

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1992, sau khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, ông Trường bỏ ra 80 triệu đồng làm 2,5km đường giúp người dân thôn Thọ An thoát cảnh cô lập.

Tiếp đó, ông Trường còn mua 60 con bò tặng người dân. Kết quả sau 32 năm, đàn bò trong dân đã tăng lên hàng ngàn con, giúp nhiều gia đình người Cor có của ăn của để. Những năm sau, ông còn vận động quyên góp xây trạm y tế, xây phòng học cho trẻ em nơi đây.

"Người dân Thọ An rất biết ơn những đóng góp của ông. Xã Bình An cũng như thôn Thọ An được như ngày hôm nay có công rất lớn của bác Hai”, ông Lê Quốc An, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình An cho hay.

Từ sự quyết đoán trong công việc cùng lòng đồng cảm với người dân vùng đất khó đã biến ông trở thành "đệ nhất rừng" Quảng Ngãi, khi có trong tay 650ha rừng.

Ông Trường nhớ lại thời điểm 32 năm trước, sau khi con đường hoàn thành, UBND huyện Bình Sơn xuống chung vui với bà con và tặng lại cho ông 20 triệu đồng. Ông lấy số tiền ấy làm thêm đường nối các bản làng với trung tâm xã. Vì thế mà bà con quý, níu giữ ông ở lại. Họ chỉ tay về phía núi tặng ông những khoảng rừng toàn dây leo và cây bụi.

Trân quý với tình cảm của bà con thế là ông Trường đồng ý nhận. Năm 1993, hưởng ứng phòng trào phủ xanh đồi trọc của Nhà nước, ông cùng 27 người bạn hùn tiền trồng rừng trên diện tích 200ha nghĩa tình của dân làng.

Sau một thời gian, những người bạn cũng lần lượt rời đi, nhưng ông vẫn chọn ở lại đồng hành cùng người dân trồng rừng. Năm 1999, những cánh rừng ông Trường trồng đã bao phủ bởi màu xanh, UBND huyện Bình Sơn giao tiếp 450ha đất trọc nữa cho ông.

Nhờ sự mạnh dạn đầu tư cùng cách làm hay mà lúc bấy giờ ông Trường còn giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động địa phương và khắp các huyện miền núi Quảng Ngãi.

Kể từ lúc gắn bó với rừng, đến nay ông Trường đã mở được hơn 50km đường rừng giúp người dân vận chuyển lâm sản dễ dàng hơn. Những con đường ấy còn góp phần giúp kinh tế địa phương phát triển.

Bây giờ, diện tích rừng của ông đã vơi đi rất nhiều. Phần ông bán bớt cho những người muốn phát triển rừng. Phần khác ông tặng lại cho nhiều gia đình nghèo tại địa phương để họ có đất canh tác, cải thiện cuộc sống.

Sau bao lần các cánh rừng dày công chăm sóc ngã đổ vì những trận bão lớn của miền Trung, ông dịch chuyển sang mô hình trang trại nuôi heo khép kín với quy mô 12.000 con, xem đây là hình thức lấy ngắn nuôi dài - lấy trang trại nuôi rừng.

C0805.MP4.07_42_52_30.Still001.jpg
Hồ thuỷ lợi Tuyền Tung - nơi ông Trường hiến 16ha đất làm hồ.

Hiến đất làm hồ thuỷ lợi, xây nghĩa địa

Song song với làm kinh tế giỏi, 32 năm qua ông Trường đã chinh phục vùng đất khó này bằng lòng tốt. Đổi lại là sự kính trọng và biết ơn của người dân nơi đây dành cho ông.

Năm 2008, thấy hàng trăm héc ta đất sản xuất ở xã Bình An và Bình Khương không thể canh tác vì thiếu nước, ông Trường hiến 16ha đất để Nhà nước xây dựng hồ thủy lợi và hiến 8.000m2 đất để làm đường bê tông dẫn vào hồ chứa nước này.

Hơn 15 năm qua, hồ Tuyền Tung đã phát huy tác dụng, người dân yên tâm canh tác. Nhìn hồ nước vút tầm mắt, ông Trường nói: "Nếu nhà nước làm hồ lớn hơn tôi cũng sẵn sàng hiến đất. Làm được gì cho bà con hưởng lợi, tôi sẽ làm ngay".

Mới đây, khi xã Bình An phấn đấu về đích nông thôn mới, nhưng một số thôn chưa có nghĩa địa tập trung, đồng nghĩa với việc xã chưa đạt tiêu chí về môi trường. Khi nghe lãnh đạo địa phương trăn trở, không đắn đó, ông Trường tình nguyện hiến 1ha đất rừng để xã xây dựng nghĩa địa, giúp xã Bình An sớm về đích nông thôn mới.

"Nghĩa địa 1ha thì khá nhỏ, trong tương lai chính quyền muốn mở rộng thì tôi sẵn sàng hiến thêm 1ha nữa, chỉ mong bà con sớm có nơi chôn cất đàng hoàng", ông Trương nói.

Nghĩa cử cao đẹp của ông Trường ngày một nối dài bằng những việc làm cụ thể, góp phần thay đổi đời sống người dân như giúp đỡ nhiều gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo và giúp nhiều trẻ em nghèo có điều kiện đến trường.

DSC05353.JPG
Ông Trường góp 400 triệu làm cổng chào.

Ngày nay, trở lại thôn Thọ An thấy một cổng chào ở đầu làng. Hỏi ra mới biết ông Trường vừa ủng hộ 400 triệu đồng để xây dựng.

Ông Trường bảo, Thọ An như là quê hương thứ hai của mình. Việc xây dựng cổng chào không khiến ông hạnh phúc bằng dòng chữ "Dù đi dù ở nơi nào/Nhớ về thăm lại đồng bào Thọ An/Ngày xưa kháng chiến gian nan/Ngày nay ơn Đảng xóm làng ấm no" ghi ở cổng.

"Thọ An là khu căn cứ cách mạng năm xưa, có nhiều di tích lịch sử. Vậy nên, việc tri ân mảnh đất này cũng là để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ", ông Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Tưởng Duy, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, ông Trường là một người có tầm nhìn và cách làm đi trước số đông.

"Không những có một khối óc làm kinh tế giỏi và bền vững mà ông Trường có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở xã Bình An, đây là điều rất đáng ghi nhận và biểu dương. Rất khâm phục quyết tâm và tấm lòng chia sẻ với cộng đồng của bác ấy", ông Duy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.