Nghe có vẻ giống như một bộ phim kinh dị, nhưng đó là câu chuyện có thực trong cuộc sống. Đài truyền hình Ohio WKYT đưa tin, nạn nhân mới nhất, Barry Briggs, người bản địa ở Ohio, đã trải qua 11 ngày tại Bệnh viện Miami Valley ở Dayton, Ohio, sau khi bị viêm cân mạc hoại tử trong chuyến đi chèo thuyền ở Vịnh Tampa vào tháng 3.
Không rõ Briggs bị vi khuẩn ăn thịt người thuộc nhóm nào tấn công nhưng theo Cdc, Streptococcus nhóm A được cho là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của viêm cân mạc hoại tử.
Briggs và gia đình anh bắt đầu mở một trang Facebook để nâng cao nhận thức về tình trạng của anh và họ đã đăng những bức ảnh đồ họa cho thấy sự lây lan đáng sợ của vi khuẩn, làm rách gần như toàn bộ da trên bàn chân trái của Briggs.
Mike Walton mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử một tuần trước khi Briggs mắc phải chứng viêm cân hoại tử. Mike Walton bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công sau một lần bị lưỡi câu mắc vào tay, gây ra vết rách nhỏ, từ đó một loạt các triệu chứng của bệnh xuất hiện.
Viêm cân mạc hoại tử rất hiếm nhưng rất nghiêm trọng. Các vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt, vết bỏng hoặc vết côn trùng cắn. Chúng cũng có thể xâm nhập vào hệ thống của một người thông qua bất kỳ vết thương đâm thủng nào có thể cho phép xâm nhập vào máu.
Các triệu chứng ban đầu của viêm cân mạc hoại tử bao gồm da đỏ hoặc sưng ở vùng bị ảnh hưởng, đau dữ dội và sốt. Khi bệnh ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân bị viêm cân mạc hoại tử có thể xuất hiện mủ, loét da, thay đổi màu sắc trên da.
Theo Cdc, thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng, nhưng nếu vi khuẩn đã phá hủy quá nhiều mô, các bác sĩ có thể cần phải loại bỏ mô chết để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, viêm cân hoại tử có thể gây nhiễm trùng huyết, suy nội tạng và tử vong.
BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viêm cân mạc hoại tử ít gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người vẫn bị mắc viêm cân mạc hoại tử ngay cả khi có sức khỏe tốt trước khi nhiễm bệnh.
Bệnh viêm cân mạc hoại tử gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn. Một số trong các loại vi khuẩn này cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như viêm họng do liên cầu và nhiễm trùng da (bệnh chốc lở). Thông thường các bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn này đều nhẹ. Nhưng trong một số trường hợp ít gặp có thể gây bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hơn.
Để phòng tránh bệnh, hãy thường xuyên rửa tay, khi có vết thương trên da dù là vết cắt cực nhỏ cũng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ. Khi có vết thương hở tốt nhất không nên tiếp xúc với nước biển, nếu có thì sau đó phải tắm rửa thật kỹ, sạch sẽ.
Sau khi đi biển về cần tắm tráng nước ngọt sạch sẽ, nếu thấy bị sưng đỏ ở bất cứ vùng da nào cần vệ sinh nước sạch càng kỹ càng tốt. Sau 4-5 giờ tình trạng này không thuyên giảm cần đi thăm khám bác sĩ ngay để chữa trị, tránh biến chứng càng sớm càng tốt.