Người đàn ông 35 tuổi mắc Covid-19 phục hồi ngoạn mục sau 52 ngày chạy ECMO

GD&TĐ - Người đàn ông 35 tuổi, mắc Covid-19 nguy kịch hồi phục ngoạn mục sau hơn 52 ngày điều trị ECMO và 30 ngày thở máy xâm lấn.

Bệnh nhân khi còn phụ thuộc vào ECMO. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Bệnh nhân khi còn phụ thuộc vào ECMO. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Theo bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 14, cho biết đây là trường hợp can thiệp ECMO (hỗ trợ hô hấp – tuần hoàn ngoài cơ thể) đầu tiên và dài ngày nhất sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận chuyển giao cơ sở y tế này từ Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Quận 12, hồi đầu tháng 1, trong tình trạng suy hô hấp, đã thở oxy lưu lượng cao (HFNC). Sau 5 ngày tiếp tục thở HFNC kết hợp nằm sấp nhưng không cải thiện, anh được đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn.

Diễn tiến bệnh thêm nguy kịch khi nồng độ oxy máu giảm nặng kết hợp với biểu hiện bão cytokine, do đó các y bác sĩ thống nhất can thiệp lọc máu và ECMO. Đây là phương án cuối cùng với hy vọng có thể cứu sống được người bệnh, song song với thở máy xâm lấn, ê kíp điều trị nhận định.

“Bệnh nhân có cải thiện nhưng rất chậm”, bác sĩ Thủy nói. Tròn một tháng thở máy, phổi người bệnh mới có dấu hiệu hoạt động trở lại. Anh được cai máy thở dần và rút nội khí quản nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của ECMO. Quá trình cai ECMO sau đó cũng đầy rẫy khó khăn cho người bệnh và tập thể y bác sĩ bệnh viện.

Nhân viên y tế giúp bệnh nhân gọi video về nhà. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Nhân viên y tế giúp bệnh nhân gọi video về nhà. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (ICU), ngoài tổn thương phổi nặng, bệnh nhân còn có biểu hiện suy tim phải cần dùng thêm thuốc tăng cường co bóp cơ tim, chờ đến ngày chức năng tim hồi phục mới có thể cai ECMO hoàn toàn.

Ngoài ra, người bệnh có một khoảng thời gian khá dài có biểu hiện rối loạn tâm thần, hay còn gọi là sảng. Đây là bệnh cảnh thường gặp ở các trường hợp nặng và sau quá trình điều trị ICU lâu ngày. Bên cạnh những lúc ngủ li bì, anh có những cơn kích động, thở nhanh, tăng tiết nhiều đờm nhớt gây giảm oxy máu, tưởng chừng phải đặt lại nội khí quản để thở máy xâm lấn. Nếu rơi vào tình huống này, khả năng hồi phục của người bệnh sẽ giảm đi.

Những lúc này, bên cạnh chăm sóc điều dưỡng như vỗ lưng, hút đàm nhớt,… các y bác sĩ phải liên tục trấn an, xoa dịu người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện đã liên hệ với người nhà bệnh nhân, đề nghị vợ và con gái quay video trò chuyện với anh, mở cho nghe khi kích động.

Giọng nói của vợ con giúp người đàn ông dần bình tĩnh trở lại. Trải qua gần ba tuần như vậy, tri giác khá hơn, anh có thể tự nói chuyện với người thân qua cuộc gọi hình ảnh. Suốt quá trình này, anh được kết hợp tập vật lý trị liệu mỗi ngày, đầu tiên là tập vận động thụ động, lúc tỉnh táo thì được hướng dẫn cách tập thở, tập vận động.

Một tuần gần đây, tình hình sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt hơn, các bác sĩ bắt đầu giảm dần các thông số ECMO. Hai ngày trước, anh được chỉ định rút ECMO thành công. Bác sĩ Thủy cho hay, đây là một ca bệnh khá đặc biệt, vì bệnh cảnh diễn tiến nhanh và nặng nề, trong khi người bệnh trẻ tuổi, đã tiêm đủ hai mũi vaccine, không có bệnh nền nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Hiện bệnh nhân tự ăn uống, trò chuyện bình thường. Tuy nhiên anh vẫn chưa thể tự đi lại được vì yếu cơ do nằm viện lâu ngày, các cơn ho còn nhiều, vẫn cần thở oxy liều thấp.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lo lắng người bệnh có nguy cơ bị di chứng hậu Covid vì phổi từng tổn thương nặng, dễ bị xơ phổi nên khó hồi phục chức năng hoàn toàn. Anh tiếp tục được bổ sung dinh dưỡng, kết hợp vật lý tri liệu, tập cách giữ hơi, cách thở để giảm hỗ trợ oxy dần dần.

Dự kiến trong thời gian ngắn tới bệnh nhân sẽ được xuất viện về đoàn tụ gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ