Người dân huyện miền núi Quảng Ninh phát huy thế mạnh từ rừng để PT kinh tế

GD&TĐ - Huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã tận dụng lợi thế tự nhiên để phát huy thế mạnh từ rừng, nhiều người dân cũng đã thoát nghèo.

Bí thư Huyện uỷ Ba Chẽ Vũ Thành Long (bên phải) kiểm tra cây giống trước khi được người dân trồng.
Bí thư Huyện uỷ Ba Chẽ Vũ Thành Long (bên phải) kiểm tra cây giống trước khi được người dân trồng.

Phát huy thế mạnh từ rừng

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Ba Chẽ đã tiên phong trong việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế với tầm nhìn đến năm 2030, chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp làm trọng tâm. Phát triển trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu để kêu gọi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Đây là sự lựa chọn đúng đắn khi huyện tận dụng được lợi thế so sánh là có diện tích rừng và đất rừng chiếm tới hơn 90% diện tích tự nhiên.

Ba Chẽ có diện tích tự nhiên gần 69.000ha, trong đó hơn 90% là rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển trồng rừng đặc biệt là cây gỗ lớn và các loại cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gỗ các loại, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Ba Chẽ có thể phát triển các loại dược liệu như ba kích, trà hoa vàng, nấm lim, các loại sâm...

Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ khẳng định, kinh tế lâm nghiệp là “xương sống” của Ba Chẽ.

Theo ông Long, để có bước phát triển đột phá trong kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, Ba Chẽ chú trọng phát triển các cây lâm nghiệp có giá trị cao, cây gỗ lớn, tập trung tái tạo rừng lim. Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn sản xuất với chế biến lâm sản.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy, Quyết định 3636/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và Nghị quyết 10-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Ba Chẽ đề ra mục tiêu trồng trên 940ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, diện tích lim, lát, giổi là 420ha, các loài cây bản địa quế, thông, sa mộc là 520ha và 120ha trà hoa vàng, ba kích, cát sâm.

Kinh tế lâm nghiệp - dược liệu của Ba Chẽ đang từng bước phát triển. Huyện đã hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng bổ sung. Tích cực triển khai việc đa dạng hoá cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, tăng thêm diện tích sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đến nay diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt khoảng 300ha với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng. Riêng năm 2022, toàn huyện trồng mới trên 60ha, đạt 83,5% được giao.

Phát triển kinh tế

Không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã cùng bàn bạc, thành lập HTX nghề rừng để giúp nhau thoát nghèo bền vững và cùng làm giàu.

Anh Triệu Quay Phúc, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ cho biết, việc kiên trì với cây quế đã giúp không ít gia đình đã có thu nhập tới 400 triệu đồng/ha/năm, đời sống kinh tế ổn định, xây được nhà mới và cho con cái học hành đầy đủ.

Qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng, sau đó là quế, hồi, sở... cho thu hoạch và chục năm sau sẽ là những cánh rừng lim, giổi, lát xanh mát trùm bóng.

Cây trà hoa vàng mang tới nguồn lợi kinh tế cao cho người dân Ba Chẽ.
Cây trà hoa vàng mang tới nguồn lợi kinh tế cao cho người dân Ba Chẽ.

Thời gian tới, Ba Chẽ sẽ mở rộng diện hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp. Tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc diện tích rừng đã trồng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây trồng...

Huyện Ba Chẽ cũng phối hợp với ngành du lịch để xây dựng hệ thống bán sản phẩm OCOP chế biến từ rừng, dược liệu. Đồng thời lập quy hoạch vùng sản xuất, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, khai thác tiềm năng lợi thế đất lâm nghiệp.

Khi những cơn mưa hạ tưới tắm lên những chồi non cũng là lúc người trồng rừng Ba Chẽ lên nương. Rồi mai đây, những cánh rừng hồi, quế, lim, lát, giổi... sẽ phủ kín những khoảng đồi, sườn núi, mang lại màu xanh căng tràn sức sống và khát vọng đổi đời của người dân vùng cao này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ