Người dân huyện miền núi ở Nghệ An dần thoát nghèo nhờ cây tre mét

GD&TĐ - Nhờ mang lại giá trị kinh tế bền vững, người dân ở huyện Tương Dương (Nghệ An) mở rộng diện tích trồng cây tre mét, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Người dân Tương Dương thu hoạch cây tre mét. (Ảnh: Phạm Tâm)
Người dân Tương Dương thu hoạch cây tre mét. (Ảnh: Phạm Tâm)

Xóa đói giảm nghèo nhờ giống cây bản địa

Tương Dương là huyện miền núi có diện tích rộng nhất tỉnh Nghệ An. Nơi đây có hệ thống thảm thực vật rất đa dạng, phong phú.

Bên cạnh những loài gỗ quý hiếm nằm trong sách Đỏ như sến, pơ mu, sa mu, đinh hương, trai… địa phương này còn nhiều giống cây mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó cây tre mét.

Những ngày này, người dân ở huyện Tương Dương đang bước vào vụ thu hoạch mét. Năm nay, cây tre mét được giá, có thương lái đến mua tận nơi nên bà con rất phấn khởi.

Đang cùng gia đình thu hoạch mét, anh Chạng Văn Thế (trú tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương) cho biết, tre mét là cây đa tác dụng. Cây non có thể sử dụng làm thực phẩm, cây già có thể làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy, đồ thủ công mỹ nghệ.

Rừng tre mét rộng hàng trăm hecta ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương. (Ảnh: Phạm Tâm)

Rừng tre mét rộng hàng trăm hecta ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương. (Ảnh: Phạm Tâm)

Với tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, sau 3 - 4 năm kể từ khi trồng, loại cây này có thể khai thác và cho năng suất khá cao từ 10 - 12 tấn/ha.

Với mức giá trung bình hiện nay khoảng 800.000 đồng/tấn, mỗi năm giống cây này cho gia đình anh Thế thu nhập ổn định từ 16 - 20 triệu đồng.

Thu nhập từ cây tre mét đã và đang giúp nhiều gia đình ở vùng miền núi huyện Tương Dương tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Anh Vũ Văn Thủy (trú tại bản Na Tụng, xã Tam Thái) cho biết, trồng tre mét có nhiều ưu thế hơn các loại cây lấy gỗ như keo, tràm. Tre mét chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch được hàng chục năm, công chăm sóc ít.

Theo anh Thủy, kinh nghiệm từ thời cha ông để lại, khi chặt tre mét phải chặt thật sát gốc để bụi mét không bao giờ bị thoái hóa và thoáng mặt bằng để những lứa măng sau đều, mập. Đặc biệt, sau khi phát triển ổn định, cây tăng nhanh về số lượng, sản lượng thu hoạch năm sau sẽ nhiều hơn năm trước.

Mặc dù, gia đình anh Thủy chỉ có hơn 1ha nhưng mỗi năm cho thu nhập ổn định khoảng từ 8 - 12 triệu đồng. Đối với những gia đình huyện miền núi, đây là nguồn thu ổn định, góp phần trang trải cuộc sống, giúp con cái có tiền ăn học.

Cơ sở thu mua, chế biến giấy và đồ mỹ nghệ từ cây tre mét ở huyện Tương Dương. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cơ sở thu mua, chế biến giấy và đồ mỹ nghệ từ cây tre mét ở huyện Tương Dương. (Ảnh: Phạm Tâm)

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương, cho biết, địa phương có khoảng hơn 2.000ha cây tre mét, tập trung nhiều ở các xã Tam Quang (721,5ha), Thạch Giám (338ha), Yên Thắng (309,3ha), Tam Thái (267,4ha), Tam Đình (120,6ha)…

Những năm trở lại đây, nhu cầu cây tre mét làm các sản phẩm đồ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, nguyên liệu giấy tăng cao. Vì vậy, loại cây này dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Theo ông Hòa, hầu hết rừng tre mét được trồng trước đây thông qua các chương trình, dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc hoặc do các dự án lâm nghiệp tài trợ. Không chỉ có tác dụng trong phát triển kinh tế, cây tre mét còn góp phần giúp hạn chế lũ lụt.

Cây tre mét dễ trồng, kinh phí đầu tư không lớn nên rất phù hợp với đồng bào các dân tộc ở huyện Tương Dương. Đặc biệt hơn, cây tre mét chỉ trồng 1 lần nhưng có thể khai thác nhiều lần, chưa kể nếu chăm sóc tốt thì cây có thể khai thác đến 40 - 50 năm.

Khi trồng mới, bà con được hướng dẫn sử dụng cây giống từ các cơ sở có uy tín trên địa bàn. Tre mét tuy ít sâu bệnh nhưng hay đổ ngã nên địa phương hướng dẫn và khuyến cáo bà con không nên trồng ở những vùng có luồng gió mạnh đi qua.

Sản phẩm giấy được làm từ cây tre mét. (Ảnh: Phạm Tâm)

Sản phẩm giấy được làm từ cây tre mét. (Ảnh: Phạm Tâm)

Xác định cây tre mét là một trong những sản phẩm lâm nghiệp trọng tâm, năm 2022, UBND huyện Tương Dương đã thông qua “Đề án phát triển cây tre mét giai đoạn 2021 - 2025”.

Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, khai thác cho người dân địa phương, huyện đặt mục tiêu mở rộng rừng tre mét lên 10.000ha, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến sâu các sản phẩm.

Địa phương cùng với các đơn vị đang xúc tiến xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu đối với những sản phẩm của cây tre mét.

Ông Hòa cho biết, huyện Tương Dương đang đẩy mạnh việc kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm, từng bước giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ