Người dân huyện Kon Plông bất an vì sống trong vùng động đất

GD&TĐ - Động đất liên tiếp, có hôm xảy ra hơn chục lần khiến người dân ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không khỏi lo lắng.

Đăk Tăng là khu vực thường xuyên xảy ra động đất.
Đăk Tăng là khu vực thường xuyên xảy ra động đất.

Cuộc sống không bình yên

Có những đêm đang lơ mơ ngủ, chị Y Thẻ (26 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) thấy nhà cửa rung lắc. Khi đó, tôn kêu cót két, giường ngủ cũng bị rung lắc dữ dội. Sau vài giây, tất cả lại trở về không gian yên ắng, tĩnh mịch. Nhưng chị Y Thẻ cứ thế thức trắng đêm, chẳng thể nào chợp mắt tiếp được vì bất an.

“Khoảng 2 năm nay bắt đầu xuất hiện động đất với những đợt rung lắc nhẹ đến lớn dần. Có những đêm gia đình đang ngủ, cả nhà rung lên. Mình sợ, lo lắng nên cố gắng ôm con vào lòng. Thời gian đầu chỉ vài trận trong tháng, nhưng về sau có ngày cả chục lần nên mọi người đều lo lắng”, chị Y Thẻ tâm sự.

9 năm về trước, nhường đất cho lòng hồ thuỷ điện, gia đình chị Y Thẻ được bố trí sinh sống tại khu tái định cư. Đến nơi ở mới chị được hỗ trợ căn nhà cùng 2 sào ruộng và 5 sào rẫy canh tác. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho đến những năm gần đây động đất liên tiếp xảy ra.

Chị Y Thẻ có hai người con, đứa lớn 7 tuổi còn nhỏ vừa lên 3. Có những hôm vợ chồng chị Thẻ lên nương rẫy, động đất xảy ra khiến chị rất bất an vì các con đang ở trường. Động đất qua đi, chị Thẻ liền gọi về cho cô giáo hỏi thăm tình hình ở nhà. Hay tin trường học và các con bình an chị mới yên lòng.

“Mỗi khi động đất xảy ra mình rất sợ bị sạt lở, hư hỏng nhà cửa và ảnh hưởng đến tính mạng. Mình không nghĩ ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh như này lại xảy ra động đất liên tục. Mặc dù lo sợ nhưng họ hàng của mình ở đây, bản thân cũng quen với khí hậu, thổ nhưỡng nên không muốn chuyển đi. Động đất xảy ra thường xuyên nên bà con cũng quen rồi”, chị Y Thẻ bộc bạch.

Tương tự, những năm gần đây động đất dường như quen thuộc với gia đình anh A Long (thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng). Anh A Long nhớ có lần cả nhà đang ăn cơm bỗng thấy nhà cửa rung lắc, mặt bàn nghiêng nên rất hoảng sợ. Cả nhà lo lắng nên ngồi thụp xuống, hai tay giữ chặt đầu. Chừng khoảng 15 giây sau mọi thứ trở lại như bình thường, thế nhưng cả làng đều hốt hoảng.

“Trước đây chỉ khi xem tivi mới thấy có động đất. Không nghĩ giờ đây ở nơi xa xôi, chỉ toàn núi rừng lại liên tiếp xảy ra động đất như thế này”, anh A Long nói.

Chị Y Thẻ không nghĩ ở nơi xa xôi, hẻo lánh lại liên tiếp xảy ra động đất.

Chị Y Thẻ không nghĩ ở nơi xa xôi, hẻo lánh lại liên tiếp xảy ra động đất.

Do thủy điện tích nước?

Một chiều cuối tháng 8/2022, khi đang thiu thiu ngủ, ông A Hương - nguyên Trưởng thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) nghe tiếng “rục rục”, kèm theo đó là mặt đất chao đảo, nghiêng ngả. Đang làm sau vườn, không có chỗ ẩn nấp nên ông nằm rạp người xuống đất để tránh bị thương.

Sau chừng 20 giây, mọi thứ bình lặng trở lại, ông Hương ngồi nghỉ một lúc rồi đi quanh thôn xem có nhà ai bị thiệt hại gì không. Khi về nhà ông thấy một số hàng hoá rơi xuống tấm phản mà gia đình hay ngả lưng.

“Đang làm vườn tôi nghe tiếng nổ lớn, như kiểu nổ mìn. Ngay sau đó, mặt đất rung chuyển, người tôi nghiêng ngả, không đứng vững. Động đất đi qua người tôi lâng lâng, buồn nôn như người say xe. Tối đến khi xem tin tức tôi mới biết trận động đất có độ lớn đến như vậy thì càng lo sợ hơn”, ông A Hương nhớ lại.

Ông A Hương kể về trận động đất lớn nhất từ trước đến nay là 4,7 độ Richter.

Ông A Hương kể về trận động đất lớn nhất từ trước đến nay là 4,7 độ Richter.

Ông Hương bảo rằng, từ năm 2021 đến nay, người dân thôn Đăk Tăng đã hứng chịu hàng trăm trận động đất. Ban đầu chỉ là những trận động đất nhỏ nhưng sau đó tần suất và cường độ ngày một tăng. Có hôm xảy ra hơn chục trận động đất với độ rung lắc lớn - nhỏ khác nhau.

Trận động đất lớn nhất khiến mọi người hoảng sợ có độ lớn 4,7 độ Richter xảy ra ngày 23/8/2022. Sau khi các trận động đất đi qua, chính quyền các cấp thường xuyên đến tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương án ứng phó.

“Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân xảy ra động đất để bà con yên tâm sinh sống. Động đất cứ liên tục xảy ra như thế này người dân rất thấp thỏm, lo âu. Nếu có tiền gia đình tôi chắc sẽ chuyển đi nơi khác”, ông A Hương nói.

Theo ông Trần Văn Nết - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng, địa phương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất nhiều nhất. Thời gian đầu khi động đất xảy ra bà con cũng có phần hoang mang, lo lắng. Sau một thời gian, động đất xảy ra liên tục với cường độ không quá lớn nên người dân cũng yên tâm.

Tuy nhiên, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, nhắc nhở từng nhà và tổ chức tập huấn… tránh trường hợp người dân chủ quan, lơ là.

Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay, mặc dù trong những năm qua xuất hiện hàng loạt các trận động đất nhưng qua thống kê chưa gây thiệt hại về người cũng như tài sản. Nguyên nhân ban đầu xác định là động đất kích thích liên quan đến việc tích nước của hồ chứa thủy điện.

Theo ông Thắng, địa phương thường xuyên theo dõi, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, lên phương án ứng phó khi động đất xảy ra. Tại các trường học, giáo viên cũng đưa ra một số tình huống giả định để học sinh xử lý, đảm bảo an toàn khi có động đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ