Trông dáng, chị là công chức. Tóc uốn cao. Áo quần chải chuốt, đi giày cao gót, khoác túi giả da kiểu cách. Thú thực, tôi không ưa chị ta. Chị nghiêm nghị, có vẻ kiêu kỳ, không bắt chuyện với ai, mà cũng chẳng để ý người xung quanh trò chuyện vui đùa, ngay cả nụ cười hiếm hoi cũng không khi ai đó kể tiếu lâm, có chăng chỉ là nhếch mép vừa như kìm tiếng cười bật ra vừa như cử chỉ giễu cợt. Chị xinh xắn với khuôn mặt trái xoan, nước da trắng trẻo nhưng đôi mắt mệt mỏi, u buồn. Tôi vốn là người hay chuyện, thích tếu táo đùa pha nên gặp những người như chị đây cứ thấy tức anh ách. Âu cũng là cái tính dở hơi.
Tôi là giáo viên dạy học tại vùng cao Sơn Lâm. Hai năm nay tôi được chuyển về một huyện dưới. Cũng là vùng núi nhưng cách Sơn Lâm năm chục cây số, nghĩa là gần nhà hơn, chỉ cách nhà hai chục ki lô mét. Vậy là cứ sáng ra tôi lên xe khách để trưa hoặc chiều về - tùy theo công việc của trường. Vợ tôi không cho tôi đi xe máy sau hai lần tôi va quệt vào người đi đường. Tôi nghĩ không đi xe cũng phải vì nhà ngay sát đường có ô tô khách chạy qua.
Tôi không rõ người đàn bà kín tiếng ấy ở đâu, gần hay xa, ở nội thành hay ngoại thành, chỉ thấy có hôm đi bộ tới, có hôm ngồi xe ôm. Khi đến, chị thường đứng lảnh một chỗ, cách một quãng nơi đúng chỗ xe dừng, cả hôm chỉ mỗi tôi đứng một mình. Có lần lúc chị đi ngang qua, tôi hỏi với:
- Chị công tác ở vùng cao à?
Chị khó chịu nhìn tôi, lắc đầu.
- Nhà chị có gần đây không?
- Không - chị đáp nhanh và rảo bước đến nơi mình vẫn đứng.
Thật là người đàn bà lạ. Tôi ngán ngẩm, tự nhủ sẽ không bao giờ bắt chuyện với bà ta nữa. Nghĩ là vậy nhưng trong bụng vẫn cay cú vì sự bất lực của mình. Chẳng phải do tính tò mò hay là sự hiếu thắng thách đố cố hữu của tôi mà quyết phải làm ra nhẽ để tìm hiểu con người bí hiểm này.
Tôi đã gặp đôi ba phụ nữ - già có, trẻ có - đứng chờ xe cũng có thái độ ban đầu im hơi lặng tiếng. Nhưng nếu tôi giở trò kích động là nói xấu vợ mình sẽ lập tức bị đáp trả, câu chuyện trở nên rôm rả, hoặc đọc thơ tình yêu với một giọng diễn cảm chắc chắn sẽ được hưởng ứng và trọng phục. Họ tưởng tôi là nhà thơ. Mà ở tỉnh lẻ này, nhà thơ luôn được sự yêu mến. Nhưng để thuyết phục họ không im lặng, tất nhiên là họ phải đứng chung một chỗ, đằng này người đàn bà xa lạ kia chỉ đứng riêng lẻ, quả là khó hòa đồng.
Một buổi sáng lất phất mưa. Tự dưng ông trời đổ đốn như thế vì sớm ra mặt trời ló lên đỏ rực, nắng vàng hoe. Đang nắng bỗng chốc mây đen kéo tới, thế rồi mưa xuống. Đúng là cái mùa mưa nắng bất chợt. Rất may tôi có áo mưa trong cặp. Cũng là do vợ nhắc. Người đàn bà xa lạ đứng cách tôi chừng mấy sải tay vội lấy túi khoác che đầu. Tôi rảo bước tới:
- Tôi có áo mưa đây, chị khoác đi.
Chị nhìn tôi với con mắt dò xét:
- Cám ơn ông. Tôi chưa cần đâu.
Giọng chị yếu ớt khàn khàn, mệt nhọc. “Ông”! Tôi nghe có vẻ lạnh lùng, nghiêm trang quá. Nào tôi đã già cả gì cho cam, có lẽ cũng chỉ hơn chị ta vài ba tuổi. Chả lẽ không gọi tôi bằng anh hay sao mà cứ gọi theo văn bản hành chính? Giá mà tôi được ngồi bên chị trong chuyến xe thì còn gạn hỏi dăm ba chuyện đằng này toàn ngồi cách nhau. Nhưng chắc gì chị ta trò chuyện với mình? Tôi để ý trong xe chị ấy chỉ ngồi lặng im, nhìn ra ngoài...
Một dịp may đến với tôi.
Tôi đang đứng chờ xe như mọi khi thì vợ tôi hớt hải chạy tới:
- Anh quên không mang thuốc!
Tôi sực nhớ ra, vội cầm lấy vỉ thuốc, cười vang:
- Cảm ơn bà lão em. Suýt nữa không mang là đau đớn báo tin.
Vợ tôi nguýt:
- Dở người! Toàn nói dở!
Người đàn bà xa lạ nhìn tôi với con mắt thiện cảm. Bỗng chị khẽ kêu:
- Tôi cũng quên thuốc ở nhà rồi.
- Thuốc gì chị?
- Huyết áp cao.
- Yên tâm rồi. Tôi có thuốc đây. Vậy là tôi với chị cùng loại bệnh.
Tôi xé vỉ thuốc đưa cho chị.
- Cũng đúng loại thuốc của tôi - chị hổn hển.
- Chị công tác ở cơ quan nào đấy?
- Tôi về hưu rồi.
- Trời đất ơi, chị trẻ thế này đã về hưu?
- Ngoài tuổi năm mươi rồi, ông ạ - Giọng chị như đứt quãng.
Chị nói xong, bỗng im lặng nhìn ra ngoài đường. Dường như chị thấy mệt vì nói quá nhiều hoặc muốn tôi chấm dứt trò chuyện này.
Xe đã tới. Cả tốp người lao lên tìm tới chỗ tốt nhất. Tôi có ý chờ chị cùng lên. Và thật may, chiếc ghế dài cuối xe vẫn bỏ trống. Chị ngồi nép vào cửa kính, chăm chăm nhìn cảnh vật bên ngoài.
- Chắc chị lên Sơn Lâm?
- V…â…ng - chị khẽ khàng.
- Trước, tôi dạy ở đó, xã An Bảo.
- Ông dạy ở An Bảo có biết cô giáo Nụ không? - chị nói mà không hề quay đầu lại.
- Tôi lạ gì. Cô ta ở An Bảo nhưng dạy ở An Bình.
- Cô ấy đã được chuyển về xã nhà.
- Thế thì tốt quá. Bà mẹ già ốm yếu chỉ có mỗi cô ấy còn khỏe hơn. Cũng tội, ngoài ba mươi tuổi mà Nụ vẫn chưa chồng con.
Giọng người đàn bà bỗng nghẹn lại:
- Cô ấy sắp mất rồi.
Tôi sững người. Chả lẽ Nụ lại thảm cảnh đến thế. Nụ là cô gái hiền lành chăm chỉ nhưng gầy gò hay đau ốm. Bố mẹ Nụ có ba người con thì hai đờ đẫn chỉ có mỗi Nụ là bình thường hơn cả. Bố Nụ là bệnh binh thời chống Mỹ, mất đã lâu. Nhiều người khẳng định ông bị nhiễm chất độc da cam của Mỹ. Nhưng đó là sau này chứ hồi ông mất chẳng ai biết nguyên do vì sao mấy bố con ông lại mắc bệnh tật dị dạng như vậy.
- Sao chị biết ông bà và cô Nụ?
Không có tiếng trả lời. Chị gục đầu vào vòng tay và cứ ngồi như thế cho tới khi tôi xuống xe.
Hơn tháng sau tôi không gặp chị. Công việc bận rộn ở trường, ở nhà đã làm tôi quên bẵng người phụ nữ đó.
Một hôm tôi đến thăm một người bạn nằm bệnh viện tỉnh. Khi quay ra gặp Lê - cô bạn học sau tôi hai lớp, giờ là giáo viên cấp III. Lê thuở trước là cô gái xinh đẹp, lém lỉnh, nổi tiếng học giỏi. Tôi đã gặp Lê nhiều lần trong những dịp hội trường. Giờ xấp xỉ tuổi năm mươi nhưng Lê vẫn giữ được nét xuân sắc xưa.
“Đứng chờ ai vậy?” Tôi hỏi. Lê liến thoắng: “Em chờ chị bạn đang lĩnh thuốc trong bệnh viện. Không hiểu việc gì mà chị ấy lâu thế không biết. Cũng khổ cho chị đó, đang mắc bệnh nguy nan. Bác sỹ bảo có tế bào lạ trong phổi hay trong gan gì ấy, mấy tháng nay ốm đau quặt quẹo, giọng khàn khàn, nói chẳng ra hơi.” Tôi ngắt lời có ý chia tay vì tôi biết Lê rất say chuyện, nhiều khi độc thoại. “Con trai út của cô đã vợ con rồi hả? Xin chúc mừng. Tôi có việc phải về”.”
“Cứ thong thả đã, vội gì. Em phải bái phục chị ấy. Bệnh tật như thế nhưng vẫn điềm nhiên như không, bình thản lạ lùng - Lê hạ giọng như đang muốn nói điều bí mật gì đó - Đã vậy chị còn lên thăm một bà tận vùng cao, cấp thuốc thang, tiền và lo chạy giấy tờ cho con bà được hưởng chế độ chính sách nhà nước về chất độc da cam của Mỹ. Tận tình tận nghĩa đến thế là cùng. Anh biết không, bố chị ấy với chồng bà cụ đều là bộ đội chống Mỹ, cùng trung đội suốt mấy năm. Chính chồng bà cụ đã cõng bố chị bị thương qua mấy cây số đường rừng, vượt vòng vây địch, đưa vào trạm quân y dã chiến. Chả thế trước khi mất, bố chị dặn phải làm y như bố là tiếp tục chăm lo cho bà cụ…”
Tôi quá sốt ruột vì sự nói dai bẩm sinh của cô bạn: “Tôi rõ chuyện rồi. Gớm, dài dòng quá. Vậy chị bạn cô làm nghề gì?” “Dạy học cùng trường với em. Vì bệnh tật mà chị ấy xin nghỉ hưu trước tuổi. Chồng chị cũng mất cách đây năm năm. Anh ấy…”. Tôi quyết định dứt khoát chấm dứt cuộc kể lể bất tận của cô bạn đáng yêu này: “Chào bạn, tôi về kẻo muộn.” Bỗng cô quay phía sau, reo lên:
- Chị lâu thế. Em chờ mãi.
Tôi ngoái đầu lại: Người đàn bà xa lạ đang rảo bước tới. Phải, chính là người đàn bà xa lạ.