(GD&TĐ) - Ở vùng biên thuộc huyện An Phú (An Giang) có một nông dân tên Trần Thị Nói, chuyên nuôi rắn hổ hèo - loài rắn có trong danh mục được bảo tồn. Mà cách nuôi rắn của người đàn bà nông dân này cũng rất “độc”: thả rắn dưới sàn nhà.
Chị Nói bên đàn rắn bố mẹ, mỗi con nặng từ 1,8-3kg/con |
Chị Trần Thị Nói, ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) có 6 năm trong nghề phát triển mô hình nuôi rắn hổ hèo dưới sàn nhà. Từ một người không có “cục đất chọi chim”, quanh năm sống bằng nghề đi làm thuê, làm mướn, nay nhờ nuôi rắn hổ hèo, mỗi năm gia đình đã thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhà cửa bây giờ khang trang hơn, con cái được đến trường và niềm vui hơn hết là sang được 2 công (2.000m2) đất để làm ruộng.
Chị Nói bắt đầu nghề nuôi rắn vào năm 2006. Lúc đó, chị thấy một số bà con cùng xóm nuôi vài con rắn hổ hèo bắt từ tự nhiên, một số mua giống tại Tây Ninh về nuôi chỉ một năm bán rắn thịt đã lãi cả mấy chục triệu đồng. Sau khi bàn bạc với gia đình, chị lấy số tiền gần 2 triệu đồng của hai vợ chồng tích góp bấy lâu nay từ việc đi làm thuê làm mướn để mua 20 con rắn hổ hèo giống của người trong xóm với giá 30.000 đồng/con về nuôi. Chị Nói cho biết: “Lúc đầu, nuôi mấy con rắn hổ hèo này tôi đâu có kinh nghiệm gì, thức ăn chủ yếu là chuột với ếch nhái. Vậy là đóng cái lồng lưới sắt rộng hơn 4m vuông nuôi dưới sàn nhà, còn phía trên làm nhà ở. Thức ăn cho rắn không cần mua, tối ra sau vườn săn bắt ếch, nhái, cóc, chuột cho rắn ăn nên không tốn tiền. Rắn hổ hèo cách một ngày mới ăn một lần”. Sau gần 10 tháng nuôi, lứa rắn đầu tiên chị Nói đã tuyển xuất chuồng bán thịt được 7 con, lãi trên 5 triệu đồng. Chị lấy số tiền đó đầu tư mở rộng chuồng nuôi và giữ tất cả số rắn con được sinh sản để phát triển bầy đàn. Chị nuôi rắn nhốt chung chuồng, cả rắn cái và đực, để chúng tự giao phối. Sau hơn một năm, đàn rắn của chị bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên. Học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi rắn trước đó và thông tin về cách nuôi rắn từ sách báo, chị tự thiết kế ổ ấp trứng cho rắn khá đơn giản. Lấy chậu nhựa hoặc thùng xốp bỏ vào gần hai phần ba đất pha cát, mặt rải thêm lớp cát mỏng đặt trứng lên bề mặt rồi phủ lớp mỏng lá chuối khô. Sau khoảng 75 ngày ấp, rắn bắt đầu tự phá vỏ chui ra.
Chị Trần Thị Nói cho biết thêm: “Ban đầu tiếp xúc với rắn thấy cũng sợ, nhưng tiếp cận mỗi ngày cũng thành quen, thậm chí có lúc cho rắn quấn vào cổ cũng chẳng sợ. Trước đây, nghề nuôi rắn hổ hèo ở các hộ khác gần nhà đa phần do đàn ông phụ trách. Đằng này, đàn rắn của tôi do chính tôi chăm sóc hằng ngày, còn ông xã chỉ giúp đi tìm mồi về cho chúng ăn…”.
Đàn rắn hổ hèo nằm trên sàn tre khi vừa ăn xong |
Nuôi rắn hổ hèo không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư không nhiều, ít công chăm sóc. Mỗi chuồng nuôi rắn lớn, nhỏ và rắn bố mẹ có diện tích chỉ từ 3 đến 5 mét vuông. Chị Nói chia sẻ kinh nghiệm: “Chuồng nuôi rắn hổ hèo không cần diện tích thật lớn, chủ yếu là thoáng và nhất là sạch sẽ. Rắn hổ hèo ít chịu nước nhưng phải đảm bảo vệ sinh vì nếu để bẩn, chúng dễ sinh bệnh về da. Chuồng lưới thì cần tránh ánh nắng trực tiếp, chuồng xi măng thì tốt nhất xây ở khu vực độ ẩm không quá cao và tạo nhánh cây để rắn bò, như sống ngoài tự nhiên. Thức ăn, nước uống cho rắn cần tạo máng riêng và nhất là số lượng rắn nhốt trong từng chuồng phải vừa phải cho rắn vận động, đảm bảo thịt săn chắc như rắn tự nhiên. Bên trong chuồng làm sàn có vỉ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát cho rắn.
Rắn hổ hèo con mới nở ra rất mạnh, chỉ sau vài giờ đã có thể ăn nhái con. Tuy nhiên, kinh nghiệm qua vài lứa rắn, chị cho rằng rắn con rất cần quan tâm thường xuyên. Đặc biệt chọn rắn nhốt trong từng chuồng phải phân loại từng lứa, tránh hiện tượng rắn lớn, nhỏ nhốt chung giành thức ăn, cắn nhau. Rắn nuôi sau một năm sẽ tự phối giống và sau 34 ngày bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 7 - 10 trứng, có khi lên 12-15 trứng. Điểm đặc biệt là khi rắn vào thời kỳ giao phối, khoảng tháng 5 tháng 6, rắn đực sẽ rất hung hăng và cắn lẫn nhau để giành rắn cái. Do đó, cần chú ý phân phối nhốt riêng rắn đực, đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao và hoạt động giao phối thuận lợi. Có thể nuôi ghép 2 con rắn đực với 10 con rắn cái.
Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và đàn rắn bố mẹ cho sinh sản lên đến trên 75 con. Mỗi năm chị cung cấp lượng rắn giống ra thị trường trên 600 con cho các tỉnh như Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long. Giá rắn giống 1 tháng tuổi là 300 ngàn đồng/con, 2 tháng tuổi 400 ngàn đồng/con. Đàn rắn của chị đang phát triển hiện nay tính cả rắn con và rắn thịt lên trên 1.000 con/năm. Giá rắn hổ hèo trên thị trường đang rất cao, chủ yếu bán rắn thịt cho các nhà hàng lớn ở ĐBSCL. Giá rắn loại I từ 1,3 đến 1,6kg/con bán 300.000 đồng/kg. Riêng cặp rắn bố mẹ giá 8 triệu đồng/cặp trọng lượng mỗi con trên 2kg.
Tuy nhiên, do rắn hổ hèo là loài động vật hoang dã quý hiếm nên việc phát triển mô hình nuôi rắn hổ hèo phải đăng ký và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận trại nuôi rắn sinh sản. Việc mua bán vận chuyển động vật hoang dã đối với gia đình chị luôn được giám sát chặt chẽ.
Hoàng Lê