Lần đầu tiên, họ biết đến quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, biết liên kết để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo…
Lên non khởi nghiệp
Không được đào tạo bài bản, song vì say mê với cây trồng, Dương Anh Văn (SN 1987) đã khởi nghiệp bằng một quyết định hết sức táo bạo. Từ lòng chảo Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ), anh ngược núi lên Trung Thu – xã vùng cao khó khăn bậc nhất của huyện Tủa Chùa (Điện Biên) để làm nông nghiệp sạch.
“Khi nghe đến cái tên xã thôi, nhiều người đã ngờ vực, can ngăn tôi. Bởi ai cũng biết, đây là địa bàn vùng cao khó khăn. Ở đó diện tích đa phần núi đá, giao thông cách trở, còn người dân thì vẫn quen với lối canh tác lạc hậu…” – anh Văn nhớ lại.
“Thấy cái mà người khác không nhìn thấy” – có lẽ đó là sự khác biệt làm nên thành công của anh. Anh bảo: “Thất bại 1 lần rồi, tôi không cho phép có lần thứ 2. Vì thế, tôi phải mất 2 năm đi khắp các địa phương trong tỉnh trước khi quyết định lựa chọn Trung Thu”.
Theo anh lý giải thì ở mảnh đất này, “cái lợi nhiều hơn cái hại”. Vì nằm trên cao, quanh năm mây mù bao phủ nên khí hậu ở Trung Thu không khác gì Đà Lạt, rất thích hợp phát triển các loại rau, củ, quả ôn đới. Trong khi người dân thì chăm chỉ, thật thà. Còn sự thiếu hụt về kiến thức canh tác của bà con không quá khó để thay đổi.
Năm 2019, anh Văn chính thức xin chủ trương của chính quyền địa phương, tổ chức họp dân. Ban đầu, khi phổ biến thì người dân đều đồng tình ủng hộ. Song đến lúc triển khai thì bất ngờ khi không ai nhận làm.
“Sau khi tìm hiểu tôi mới biết, bà con người Mông trước nay làm gì cũng phải mắt thấy, tại nghe thì mới tin. Trong khi mình ở tận đâu đến, họ chưa biết mình là ai, chưa thấy làm được gì thì đúng là khó tin thật” – anh Văn tâm sự.
Biết vậy, anh quyết định thuê nhà, ở lại xã. Suốt 3 tháng, anh ăn, ở, sinh hoạt cùng bà con. Trong quá trình đó, anh Văn nắm bắt được 2 hộ dân có con tốt nghiệp Khoa Nông – Lâm (Ðại học Tây Bắc) trở về, nhưng chưa có việc làm. Nhận thấy cơ hội, anh đã kiên trì vận động và thuyết phục thành công 2 hộ này đồng ý tham gia liên kết sản xuất.
Năm đầu tiên, anh Văn cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 2 hộ triển khai trồng 2ha su su. Tự tay cùng người dân đào hố trồng, làm giàn, chăm bón… Cho đến khi nhìn những luống su su đầu tiên vươn lên xanh tốt trên mảnh nương khô cằn, anh Văn bắt đầu tính đến đầu ra.
Sau nhiều tháng ròng “cắm” bản, anh quyết định rời non, đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Những quả su su đầu tiên được các bếp ăn trường học bán trú và một số chợ nông sản đầu mối ở Điện Biên, Sơn La bao tiêu.
“Tôi lựa chọn những quả ngon, đảm bảo về cả mẫu mã và chất lượng mới xuất đi, để giữ thương hiệu. Còn lại quả xấu, lá già tôi hướng dẫn bà con làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc. Tổng kết lại vụ đầu, mỗi hộ thu về khoảng 25 triệu đồng, ai cũng phấn khởi” – anh Văn chia sẻ.
Mở hướng nông nghiệp sạch
Tiếng “thơm” của vụ đầu thành công như ngọn gió, “va” vào vách núi vang khắp vùng. Bà con trong, ngoài xã kéo nhau đăng ký tham gia sản xuất. Tháng 5/2019, Hợp tác xã (HTX) đầu tiên lấy tên là H’Mông do anh Văn làm Giám đốc đã được thành lập trên cao nguyên Trung Thu ngút ngàn.
Không chỉ được người dân Trung Thu tin tưởng, HTX còn mở rộng sản xuất sang nhiều địa bàn khác của huyện Tủa Chùa. Gần 300 hộ dân được liên kết với nhau, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 40ha, với các loại cây trồng: Su su, khoai sọ, chanh leo, dâu tây, măng tây...
Trước những yêu cầu khắt khe về đầu ra của sản phẩm nông nghiệp sạch, năm 2020, HTX bố trí cho 2 thành viên có chuyên môn đi thực tế, học hỏi các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... Hai người trở về, HTX lựa chọn vài hộ làm điểm để chuyển giao kỹ thuật bằng cách thực hành ngay tại vườn.
“Lối canh tác cũ gần như đã “bám rễ” trong tư duy của bà con. Nên trong suốt quá trình sản xuất, chúng tôi phải thường xuyên theo sát hỗ trợ. Cho đến giờ 100% hộ đã ký cam kết và tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân đúng hướng dẫn, đảm bảo sản phẩm khi thu hoạch không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc nào khác” – anh Văn cho hay.
Cuối năm 2020, HTX cho trồng thử nghiệm dâu tây. Ðể đưa loại quả “hot” lên vùng cao, anh Văn phải bỏ tiền túi cho 2 hộ dân vay, thuê máy san gạt 4.600m2 đất trồng. Trong đó, gia đình anh Thào A Làng tham gia trồng 2.500m2. Anh Làng kể: Số diện tích này trước đây là nương đã bạc màu, gia đình trồng ngô, lúa, nhưng năng suất thấp. Một năm thu vài chục bao thóc, chỉ vừa đủ ăn.
“Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn trồng đa dạng nhiều loại cây mới, như: Su su, chanh leo, khoai sọ… Thu nhập gấp 3 lần trước. Riêng quả dâu tây vụ đầu này thu đã gần 50 triệu đồng rồi” – anh Làng nói.
Những lứa dâu tây chín đỏ đầu tiên của HTX đã vào siêu thị và nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại địa bàn TP Ðiện Biên Phủ. Không chỉ ghi điểm bởi độ ngon, ngọt vượt trội so với các sản phẩm được trồng trên địa bàn trước đó, nhiều khách hàng tỏ ra bất ngờ khi biết đây là thành quả của bà con người Mông từ cao nguyên Tủa Chùa.
Để đi đường dài…
“Sản phẩm sạch, nhưng đầu ra phải ổn định, lợi ích bà con phải đảm bảo thì mới bền vững” – đó là điều Dương Anh Văn trăn trở ngay từ khi quyết định thành lập HTX H’Mông.
Anh thường có mặt trực tiếp trên những mảnh nương, núi đá, đồng hành với bà con từ khi gieo những hạt giống đầu tiên. Đến khi cây vươn lên xanh tốt, anh lại ngược núi, về thành phố và nhiều tỉnh miền xuôi “gõ cửa” tìm đầu ra.
Nhờ vậy, từ ngày thành lập, sản phẩm bà con làm ra đến đâu, đều được thu mua triệt để đến đó. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, song mức giá bà con trong HTX được trả không chỉ ổn định, mà luôn bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
“Sản phẩm khoai sọ của HTX là được ưa thích nhất. Lúc nào cũng có khách đặt sẵn, thu hoạch đến đâu là xuất đi đến đó chứ không có hàng tồn. Cứ 1.000m2 khoai sọ, su su có thể cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm, nên bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống” – anh Văn cho biết.
Năm 2021, HTX đã phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu cho gần 100ha nông sản tại Tủa Chùa. Trong số đó, khoai sọ tím đã được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là sự khẳng định về chất lượng và thương hiệu. Nó còn mở ra cơ hội để những sản phẩm nông nghiệp sạch vùng cao Tủa Chùa có mặt và vươn ra nhiều thị trường.