Người con ngoại hôn của Marco Polo

GD&TĐ - Thương gia, nhà thám hiểm nổi tiếng người Ý, Marco Polo là một trong những cái tên được kính trọng trong lĩnh vực du hành.

Quyển sách nổi tiếng của Marco Polo.
Quyển sách nổi tiếng của Marco Polo.

Tuy nhiên, cuộc sống riêng tư của ông vẫn còn nhiều điều tranh cãi. Mới đây, các nhà sử học tại Đại học Ca’ Foscari ở Venice (Ý) tiết lộ, Marco Polo từng có một cô con gái trước khi ông chính thức lập gia đình.

Di chúc của người mẹ

Tài liệu quan trọng về cuộc đời của Marco Polo được phát hiện bởi một nhóm các nhà sử học tại Đại học Ca’ Foscari, trong khi khai thác tài liệu lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia Venice (Ý).

Marcello Bolognari, một nghiên cứu sinh, thành viên của nhóm, cho biết: “Chúng ta biết rõ Marco Polo có ba cô con gái, nhưng tài liệu vừa phát hiện cho thấy, ông đã từng sống với một người tình trước cuộc hôn nhân chính thức và có một đứa con. Cũng có thể người con này được sinh ra từ một cuộc ngoại tình”.

“Các tài liệu về gia đình Polo” mà Bolognari nêu trong một bài báo đăng trên tạp chí Studu Medievali là di chúc và di ngôn của một phụ nữ trẻ tên là Agnese, trong đó tên người cha, Marco Polo, được xác định một cách cụ thể.

Tài liệu đã được kiểm tra và xác nhận thời điểm ngày 7/7/1319 cho thấy, Agnese đã phó thác cho cha cô, Marco Polo, chuyển giao di chúc của cô đến linh mục Pietro Pagano của nhà thờ San Felice, trong khu phố San Giovanni Grisostomo ở Venice.

Bằng chứng của Agnese đã cung cấp thông tin mới về cuộc sống riêng tư của Marco Polo trước khi ông chính thức kết hôn và có ba cô con gái được biết đến. Phát hiện này sẽ làm phong phú thêm tiểu sử vốn đã rất thú vị của Polo.

Vào thời điểm viết di chúc hoặc để lại di ngôn của mình, Agnese mới 23 - 24 tuổi và là mẹ của ba người con (tất cả đều được đề cập trong tài liệu). Rõ ràng, chồng và cha của cô được dự kiến sẽ sống lâu hơn cô, vì họ được chỉ định rõ ràng bằng tên trong di chúc.

Gia đình cô sống ở khu vực San Giovanni Grisostomo của Venice. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn những tài liệu liên quan đến khu phố cổ này, với hy vọng có thể phát hiện thêm nhiều điều về Agnese Polo.

Bolognari cho biết thêm: “Di chúc của Agnese mô tả một bức chân dung thân mật và tình cảm về cuộc sống gia đình. Cô đề cập đến chồng mình là Nicolo, còn được gọi là Nicoletto, cũng như các con của họ là Barbarella, Papon (tức là Big Eater) và Franceschino.

Những điều nhỏ nhặt mà cô dùng để chỉ các con của mình cho chúng ta thấy người mẹ trẻ này muốn để lại điều gì đó cho chồng con. Ngoài ra, tài liệu còn cho thấy, cô còn dành nhiều tình cảm cho gia sư của bọn trẻ, Raffaele da Cremona, mẹ đỡ đầu của chúng, Benvenuta, và cô hầu gái Reni”.

Việc Agnese giao phó di chúc của mình cho Marco Polo chỉ ra khả năng ràng buộc giữa cả hai gia đình Polo, và một sự tin tưởng cũng như mối quan hệ về tình thương giữa cha và con gái.

Chân dung Marco Polo và di chúc của cô gái trẻ được cho là con ngoại hôn của ông.
Chân dung Marco Polo và di chúc của cô gái trẻ được cho là con ngoại hôn của ông.

Cuộc sống cuối đời của nhà thám hiểm

Ở tuổi 17, Marco Polo khởi hành cùng với cha và chú (cả hai đều là thương gia người Venice, rất giàu có nhờ buôn bán với phương Đông) trong một chuyến đi đến Trung Quốc. Ba người tìm đường đến Trung Quốc trước khi Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) chinh phục đất nước rộng lớn này hơn 3 năm.

Khan, một trong những hoàng đế quyền lực nhất từng cai trị Trung Hoa, đã gặp anh và chú của Polo trong một cuộc du hành trước đây của họ. Đây là những người phương Tây đầu tiên mà hoàng đế đã gặp.

Ở Trung Quốc, Polo trở thành người bạn thân thiết của Khan, được thừa lệnh hoàng đế thực hiện nhiều nhiệm vụ khắp Trung Hoa, thậm chí được cử làm phái viên của hoàng đế đến Burma (Myanmar ngày nay).

Marco Polo trở về nước, đi theo “Con đường Tơ lụa” vào năm 1295. Năm 1298, ông bị bắt trong trận thủy chiến trên biển xảy ra giữa Venice và Genova. Bị giam trong tù, ông đã kể lại các cuộc du hành của mình cho người bạn cùng bị giam là Rustichello da Pisa nghe, và sau đó hai người đã đưa các câu chuyện này vào quyển sách nói trên.

Những chuyện kỳ lạ trên Con đường Tơ lụa qua lục địa Á - Âu và chuyện làm bạn với hoàng đế người Mông Cổ, cai trị Trung Hoa lúc ấy (Kublai Khan), đã làm say mê người châu Âu và tạo cảm hứng cho phương Tây tìm đường giao thương với phương Đông.

Tuy nhiên, sau này trên giường bệnh trước khi qua đời, Polo đã thốt lên có phần hối tiếc rằng: “Tôi chưa kể hết phân nửa những gì mà tôi đã chứng kiến”.

Sau một năm trong tù, ông được thả và năm sau, kết hôn với Donata Badoer, con gái của một thương gia giàu có. Họ có với nhau ba cô con gái: Fantina, Bellela và Moreta.

Agnese, người được cho là con ngoại hôn của Marco Polo, cho đến nay vẫn chưa được biết đến, có lẽ được hoài thai trước khi Polo vào tù năm 1298. Tuy nhiên, Polo có biết về sự ra đời của cô hay không và mẹ của cô là ai, đến nay vẫn không rõ.

Cái chết của Polo là một câu chuyện dài. Năm 1323, ông bị bệnh nan y nằm liệt giường. Trong thời gian này, ông đã lập một bản di chúc. Ngoài việc chia cho nhà thờ một phần tài sản của mình, theo thông lệ, ông còn xóa các khoản nợ của một số thành viên trong gia đình. Ông cũng trao các phần tài sản khác nhau cho những cơ quan và tổ chức mà ông gia nhập.

Trong bản di chúc và di ngôn của mình, Marco Polo đã chỉ định vợ và ba cô con gái là người đồng thực hiện di chúc. Nhà thám hiểm qua đời vào tháng 1/1324 ở tuổi 69.

Chuyến đi của Marco Polo qua châu Á, dọc theo “Con đường Tơ lụa” vào cuối thế kỷ 13 được ghi lại trong cuốn “The Travels of Marco Polo” (Những chuyến du hành của Marco Polo), xuất bản khoảng năm 1300 với nhiều tình tiết hấp dẫn.
Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.