Người cổ đại điều trị ung thư thế nào?

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều học giả tiếp cận các tài liệu y học xưa để tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh của người cổ đại, đặc biệt là căn bệnh ung thư.

Tranh minh họa phẫu thuật cắt bỏ vú trong điều trị ung thư thời cổ.
Tranh minh họa phẫu thuật cắt bỏ vú trong điều trị ung thư thời cổ.

Mặc dù không có nhiều bằng chứng về sự chính xác trong chẩn đoán và hiệu quả điều trị căn bệnh này, nhưng những gì phát hiện được vẫn được cho là có ích cho các nhà y học hiện đại trong nghiên cứu.

Lịch sử điều trị ung thư

Hippocrates, người đầu tiên quan sát khối u ở bệnh nhân và đặt tên cho chúng.

Hippocrates, người đầu tiên quan sát khối u ở bệnh nhân và đặt tên cho chúng.

Theo các tài liệu cổ, ung thư được đề cập sớm nhất trong lịch sử y học vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, thuật ngữ karkinoma (hay Carcinoma)  thường được sử dụng để mô tả các khối u không thể chữa khỏi ở một số bệnh nhân.

Hippocrates (460 - 370 trước Công nguyên), thầy thuốc người Hy Lạp, được mệnh danh là cha đẻ của y học, người đầu tiên ghi lại những quan sát về các khối u này và đặt tên cho chúng.

Các thầy thuốc thời cổ tin vào lý thuyết thể dịch (humoral theory) của Hippocrates, trong đó xác định nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh khác nhau là do dư thừa mật. Đối với Hippocrates và các thầy thuốc xung quanh ông, bệnh ung thư là do cơ thể “dư thừa mật đen”. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm truyền máu, thuốc nhuận tràng hoặc thay đổi chế độ ăn uống, nhưng không có bằng chứng về phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u.

Trong các tác phẩm của mình, Aulus Cornelius Celsus (25 trước CN - 50 CN), một thầy thuốc người La Mã đã dùng thuật ngữ của Hippocrates chỉ tình trạng bệnh, Carcinoma, dịch nó sang thuật ngữ Latin là cancer (cũng có nghĩa là con cua, cung Cự giải).

Aulus Cornelius Celsus dùng thuật ngữ Latin, cancer, để chỉ khối u ung thư.

Aulus Cornelius Celsus dùng thuật ngữ Latin, cancer, để chỉ khối u ung thư.

Ông là người đầu tiên ghi lại những quan sát của mình về sự di căn của ung thư, thậm chí đã từng mô tả cách thức ung thư vú lây lan từ vú xuống dưới nách ở một số bệnh nhân. Ông cũng phân loại các ung thư khác nhau, dựa trên mức độ nghiêm trọng và đặc điểm vật lý của chúng, đồng thời mô tả các bệnh ung thư trên các bộ phận của cơ thể, bao gồm mặt, miệng, cổ họng, vú, gan, ruột kết…

Vài thập niên sau Hippocrates và Celsus, người ta không thấy có tiến bộ trong điều trị ung thư. Sau đó, Archigenes ở Apamea, người Greco-Syria sống vào thế kỷ 1 và 2 Công nguyên, đã trở thành thầy thuốc đầu tiên phẫu thuật loại bỏ ung thư trên bệnh nhân.

Oribasius, người mô tả phương pháp này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm và cách loại bỏ các dây thần kinh xung quanh khối u. Ông cũng mô tả phương pháp đốt (cauterization) trong các trường hợp xuất huyết, cũng như điều trị sau phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng, như thuốc đắp, muối, tỏi tây và các chất làm se da khác.

Claudius Galen, một thầy thuốc người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 2 thuộc Công nguyên, đã đi xa hơn trong việc áp dụng các phương pháp điều trị của

Hippocrates và Archigenes. Dựa trên lý thuyết thể dịch của Hippocrates, ông tin rằng mật đen được sản xuất bởi gan, không liên quan đến lá lách, khiến nó tích tụ lại thành ung thư. Theo Galen, ung thư do mật đen không thể chữa khỏi, còn do mật vàng thì còn có hy vọng. Đây có lẽ là một trong những ghi chép sớm nhất của các thầy thuốc cổ đại, cho thấy sự khác biệt giữa khối u ác tính và lành tính.

Galen tuyên bố đã quan sát thấy các trường hợp “mật đen dư thừa” gây ung thư trong các mô vú của phụ nữ chưa mãn kinh. Ông loại bỏ khối u và một ít mô ở khu vực xung quanh nhằm ngăn chặn nó tái phát.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị sớm những khối u này. Những người có khối u, trước tiên sẽ được điều trị bằng thuốc tẩy để loại bỏ mật đen dư thừa. Chỉ khi tất cả các hình thức điều trị khác không hiệu quả, Galen mới chuyển sang phẫu thuật cắt bỏ khối u, như liệu pháp cuối cùng.

Leonides ở Alexandria, thầy thuốc người Hy Lạp, sống cùng thế kỷ với Galen, thường xuyên tham khảo các tác phẩm của Galen trong những ghi chép của mình. Ông phân tích tỉ mỉ và đưa ra hướng điều trị các trường hợp ung thư vú khác nhau.

Thoáng hơn so với các phương pháp phẫu thuật của Galen, ông tin tưởng vào hiệu quả của phẫu thuật sớm, thay vì là liệu pháp cuối cùng. Hồ sơ điều trị của ông có mô tả một số trường hợp cắt bỏ toàn bộ vú sớm để đối phó với ung thư vú di căn.

Ngoài ra, Leonides cũng là người đầu tiên cho rằng núm vú bị lộn ngược có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Liệu pháp đốt trong các ca phẫu thuật của ông chủ yếu nhằm ngăn ngừa xuất huyết nhưng cũng được mô tả là phương pháp loại bỏ dấu vết cuối cùng của ung thư sau phẫu thuật cắt bỏ vú. Bằng cách đốt hoàn toàn nơi khối u và vú bị cắt bỏ, ông tin sẽ giúp loại hẳn căn bệnh này.

Cuối cùng, Paulus Aegineta, bác sĩ và là nhà bách khoa toàn thư ở thế kỷ thứ 7 Công nguyên, đã mô tả thêm những phát hiện liên quan đến điều trị ung thư. Aegineta cho rằng việc đốt toàn bộ khu vực ung thư gây ra nhiều tổn hại hơn cho bệnh nhân về lâu dài, do tăng nguy cơ nhiễm trùng và thời gian chữa bệnh lâu hơn.

Ông tin các khối u ung thư bị loét (phình ra khỏi da) cần phải được loại bỏ thông qua phẫu thuật, nhưng chỉ nên sử dụng biện pháp đốt để triệt phá gọn gốc rễ của khối u.

Ngay cả khi bị xuất huyết, liệu pháp đốt chỉ được sử dụng một cách hạn chế trong các phương pháp phẫu thuật của ông. Các khối u không bị loét (dưới da, hoặc được cho là nằm bên trong một cơ quan như tử cung) đối với Aegineta là quá nguy hiểm để xử lý và có nguy cơ tử vong cao trong điều trị phẫu thuật. Cũng như Hippocrates và Galen, ông đã hướng tới các phương pháp tống xuất “mật đen” để điều trị ung thư.

Các thầy thuốc trong những thế kỷ sau Hippocrates, Archigenes và Galen vẫn tiếp tục tin rằng mật đen là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Họ cũng không ngừng nâng cao kỹ thuật mổ xẻ nhằm loại bỏ nhanh gọn các khối u khỏi các bộ phận của cơ thể.

Sự tiến bộ trong điều trị ung thư thời cổ

Claudius Galen, người đầu tiên phân biệt khối u ác tính và khối u lành tính.

Claudius Galen, người đầu tiên phân biệt khối u ác tính và khối u lành tính. 

Những tiến bộ trong điều trị ung thư thời cổ đại đã hấp dẫn các nhà liệu pháp sau này. Phương pháp điều trị nội khoa để chữa bệnh “thừa mật đen” đã phát triển thành phương pháp điều trị ngoại khoa, khi các thầy thuốc cổ đại tiếp tục quan sát và phân tích các bệnh nhân mắc các loại ung thư khác nhau.

Họ đặc biệt chú ý đến ung thư vú, có thể là do tầm quan trọng của bộ phận này trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và mối liên hệ giữa chúng với việc sinh đẻ, nuôi dạy trẻ.

Sự khác biệt về quan điểm theo thời gian cũng là điều thú vị cần chú ý. Hippocrates và Celsus là những người đầu tiên mô tả các đặc điểm vật lý của khối u, chẳng hạn như màu sắc, hình dạng của chúng và sự hiện diện của các tĩnh mạch sẫm màu bắt nguồn từ chúng (cuối cùng dẫn đến thuật ngữ “cancer” do hình thể giống cua).

Trong khi Archigenes đặc biệt lưu ý về quá trình hình thành mạch và mạch máu của các khối u đang phát triển (được ghi nhận qua việc loại bỏ “gốc rễ” của khối u trong phẫu thuật của ông), Galen và Aegineta đều chuyển sang đốt những “gốc rễ” này để ngăn ngừa ung thư tái phát.

Leonides ở Alexandria đã tiến thêm một bước, chọn cách phẫu thuật toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bởi khối u để ngăn chặn di căn, thay vì tập trung vào các vị trí cụ thể.

Số ca ung thư vào thời cổ không được ghi nhận cụ thể. Theo một bài báo trên

Science, có rất ít phát hiện về khối u ác tính trong số hàng chục nghìn hài cốt cổ đại được phục hồi. Điều này đã khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng ung thư không phổ biến vào thời cổ.

Một số nhà nghiên cứu không bị thuyết phục về điều này. Họ tin rằng vào thời cổ, các chất gây ung thư chắc chắn cũng tồn tại và việc tiếp xúc với các chất hóa học liên quan đến quá trình xây dựng có thể dẫn đến một số bệnh ung thư.

Tuy nhiên, nếu không có các công cụ chẩn đoán hiện đại, các thầy thuốc không thể biết về sự tồn tại của ung thư, trừ khi chúng phát triển đủ lớn để gây loét, hoặc thực hiện việc khám nghiệm tử thi sau đó.

Nhưng khám nghiệm tử thi hiếm khi được thực hiện trong thời cổ đại do niềm tin tôn giáo. Nhiều người tin rằng khám nghiệm tử thi đã cắt xẻ cơ thể một cách không cần thiết, và có thể ngăn cản người chết về thế giới bên kia.

Hiện nay, nhận thức về văn hóa và xã hội đối với khám nghiệm tử thi cũng đã thay đổi trong nhiều lĩnh vực, đưa đến việc xác định nguyên nhân tử vong ở người đã khuất dễ dàng hơn.

Với nhiều công cụ y tế và những thành tựu trong phân tích bệnh tật, các bác sĩ hiện nay có thể tìm hiểu thêm về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của các loại ung thư khác nhau, đưa đến những phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho căn bệnh phức tạp này.

Mặc dù hiện nay y học hiện đại không cho rằng ung thư là do “dư thừa mật đen”, nhưng các thầy thuốc thời cổ không hoàn toàn sai khi điều trị ung thư. Cắt bỏ khối u và ngăn ngừa khối u tái phát là cả hai khía cạnh cần thiết của điều trị ung thư trong thời hiện đại. Ngay cả những khuyến nghị ăn kiêng cũng đáng quan tâm, dù thay đổi chế độ ăn uống không phải là cách chữa bệnh ung thư, nhưng duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và thể trọng hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư.
Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ