Người bỏ mạng đất khách, kẻ tay trắng trở về vì xuất khẩu lao động trái phép

GD&TĐ - Nhiều người dân tại Thanh Hóa đang coi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép là “canh bạc đổi đời”. Họ chấp nhận rủi ro, hiểm họa phía trước.

Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) chưa hết bàng hoàng, đau xót khi con trai tử nạn nơi xứ người.
Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) chưa hết bàng hoàng, đau xót khi con trai tử nạn nơi xứ người.

Mất mạng khi chưa kịp “chạm” tới ước mơ

Bị lôi kéo bởi những lời hứa về mức lương “khủng”, điều kiện làm việc tốt, có một tương lai tươi sáng… nhiều người dân tại Thanh Hóa sập bẫy các đường dây lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài. Họ đã bị bán vào các sòng bài, cơ sở lừa đảo tại một số nước.

Đến khi phát hiện bị lừa đảo thì mọi chuyện đã muộn. Người lao động bị bóc lột, hành hạ, làm không công. Nếu họ không phục tùng còn bị tra tấn tàn bạo, thương tích, thậm chí là tử vong. Một số người may mắn trốn thoát trở về với 2 bàn tay trắng.

Hơn 1 tháng nay, bà Ngân Thị Hải (thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện Như Thanh) vẫn chưa tin sự thật nghiệt ngã rằng con trai đã bỏ mạng nơi xứ người. Tháng 11/2022, con trai bà là Lô Văn Q. (SN 2004) chỉ thông báo với bố mẹ là đi làm ăn xa, nhưng thực chất là nghe lời dụ dỗ, lôi kéo trên mạng để sang Campuchia làm việc trái phép. Chỉ hơn 2 tháng sau gia đình bà Hải nhận được thông tin con trai đã mất.

Hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà Hải phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân, với rất nhiều công sức của các lực lượng chức năng mới có thể đưa được hài cốt con trai về nước.

Tương tự gia đình bà Hải, con trai bà Nguyễn Thị Oanh (xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) mới đây cũng tử nạn nơi xứ người. Do muốn kiếm tiền nuôi bản thân, con trai bà Oanh đã nghe lời dụ dỗ vượt biên để lao động trái phép ở nước ngoài. Thế nhưng, giấc mơ đổi đời chưa thành hiện thực thì anh phải trả giá đắt. “Vì cuộc sống mưu sinh nên con đi cũng không ngăn cấm được”, bà Oanh ngậm ngùi.

Cũng nghe những lời dụ dỗ đổi đời, nhưng anh L.P.Tr. (thôn Hải Xuân, xã Hải Long, huyện Như Thanh) may mắn hơn vì đã có thể trở về. Theo anh Tr., sau khi được giới thiệu công việc và mức lương, anh đã quyết định nghe theo nhóm đối tượng môi giới để sang Lào làm việc. Thế nhưng, đến nơi, anh Tr. tá hoả khi biết mình bị bán vào làm việc tại cơ sở lừa đảo trá hình do một nhóm người Trung Quốc tổ chức.

Đến tháng 9/2022, anh Tr. đã trốn thoát và trở về quê với hai bàn tay trắng sau 7 tháng bị lừa bán sang Lào. Tuy nhiên, số người may mắn trốn thoát để trở về như anh Tr. không nhiều vì theo anh cho biết, tại cơ sở anh làm việc có rất nhiều người Việt Nam vẫn còn mắc kẹt lại.

Cũng thông qua lời giới thiệu, giúp đỡ của bạn bè, T.T.A. (SN 1999, trú tại xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) cũng sang Campuchia làm việc. Thế nhưng khi đến nơi, A. mới biết công việc được giao không như lời hứa ban đầu. Bị các đối tượng ép làm việc bất kể ngày đêm khiến T.A không chịu nổi và đã liên hệ với gia đình gửi tiền sang để chuộc về.

Nóng lòng lo cho sự an nguy của con, gia đình T.A lại thêm một lần “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo khi hai lần chuyển tiền hàng trăm triệu đồng nhưng T.A vẫn không về được. Đến giữa năm 2022, sau khi bị bán qua nhiều công ty khác nhau ở Campuchia, T.A mới được chuộc về với số tiền nộp phạt gần 300 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Trung (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) may mắn trốn thoát trở về sau chuyến lao động “chui” bị chủ hành hạ, bóc lột sức lao động.

Anh Nguyễn Văn Trung (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) may mắn trốn thoát trở về sau chuyến lao động “chui” bị chủ hành hạ, bóc lột sức lao động.

Vẫn còn gần 3.000 người lao động cư trú bất hợp pháp

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn gần 3.000 người cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài. Nguyên nhân chính được xác định là do người lao động không có việc làm, thu nhập không ổn định, nhất là nhận thức pháp luật của một số người còn hạn chế.

Đa số công dân xuất cảnh trái phép đối mặt với nhiều rủi ro như: Không được bảo hộ về quyền công dân, bị giam giữ trái phép, ngược đãi, bị chủ sở hữu lao động nợ lương, bị bán vào động mại dâm hoặc bị cưỡng bức lao động…

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, từ những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng công dân tại Thanh Hóa bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng tổ chức đưa người vượt biên trái phép rất tinh vi trong khi đó việc bảo hộ giải cứu công dân, cưỡng bức lao động tại nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, cơ quan bảo vệ pháp luật tại Thanh Hóa ngoài việc kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng môi giới, lừa đảo xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài, cũng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xuất cảnh lao động trái phép.

Chỉ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công an một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã củng cố tài liệu, chứng cứ xử phạt hành chính 7 trường hợp về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật”.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trước tình trạng xuất cảnh lao động trái phép diễn biến phức tạp, Công an tỉnh tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng ngừa phát hiện và đấu tranh với các đường dây môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

học bổng du học nhật bảnCách làm cv nhanh chóng tại VietnamWorks