Covid-19 chuyển từ bệnh nhóm A sang B:

Người bệnh sẽ phải chi trả viện phí

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, khi chuyển Covid-19 từ bệnh nhóm A sang B, người mắc sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Chuyển đổi trong tháng 6

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang cùng Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng để có quyết định chuyển đổi này vào cuối tháng 6. Theo bà Hương, chuyển nhóm Covid sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết.

Cụ thể, người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát Covid với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.

“Việc chuyển từ nhóm A sang nhóm B dự kiến diễn ra trong tháng 6. Khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 thì Bộ Y tế cùng đồng thời ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết, mặc dù chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, nhưng hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.

Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội.

Nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham dự chống dịch, còn khi sang nhóm B thì chủ yếu là ngành y tế triển khai. Trước đó, tại Phiên họp thứ 20 diễn ra ngày 3/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.

“Ngày 3/6/2023, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam”, TS.BS Hà Anh Đức - Chánh văn phòng Bộ Y tế thông tin.

Cũng theo TS Hà Anh Đức, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới…

Về lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Từ đó, góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Đồng thời, tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc.

Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược. Ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Bên cạnh đó, tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép. Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.

Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu.

“Tháo gỡ” vướng mắc thiếu vắc-xin

Trả lời về vấn đề thiếu vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong dự thảo Nghị quyết liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng chống Covid-19, Bộ Y tế cũng đã làm việc với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ban giám sát thống nhất đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết vấn đề liên quan đến việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương. Từ đó, tiếp tục thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng, đảm bảo một cách hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc.

“Với nghị quyết này của Quốc hội, việc triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng năm nay và những năm sau cũng sẽ không gặp phải vướng mắc nữa. Để triển khai thực hiện được nội dung này, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, triển khai thực hiện trong toàn quốc. Hiện, dự thảo nghị quyết này đã xây dựng xong và đang được trình xin ý kiến Chính phủ, rất mong được ban hành trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế hiện đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố rà soát số lượng nhu cầu, rà soát số lượng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để có kế hoạch bổ sung kịp thời. Với 9 loại vắc-xin sản xuất trong nước, đặc biệt là vắc-xin 3 trong 1, khi có tiền triển khai mua ngay. Ngoài thiếu vắc-xin 5 trong 1 và 3 trong 1, còn các vắc-xin khác không thiếu, vẫn tổ chức tiêm ở tuyến xã.

Theo bà Lan, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khoảng hơn 200.000 liều vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ em, cùng với nguồn tài trợ trong nước khoảng hơn 65.000 liều.

Bộ Y tế sẽ ưu tiên vùng sâu, vùng xa, những nơi trẻ em khó có khả năng tiếp cận được với các nguồn vắc-xin dịch vụ. Hiện nay, các đơn vị của Bộ đang tiến hành các thủ tục tiếp nhận nguồn viện trợ. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục cố gắng giải quyết vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ