Người 3 lần bị tuyên án tử vì sát hại mẹ đẻ đã kêu oan thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TAND cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của bị cáo Vi Văn Phượng, liên quan vụ án giết người.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên xử.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên xử.

Kỳ án cáo buộc sát hại mẹ vì 1,5 chỉ vàng

Vụ án đã xảy ra cách đây hơn 10 năm (năm 2012) nhưng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng đối với bị cáo.

Đây là lần thứ 4 bị cáo Phượng bị đưa ra xét xử.

Tại 3 lần xét xử trước (2 phiên tòa sơ thẩm và 1 phiên tòa phúc thẩm), bị cáo Phượng đều bị tuyên án tử hình về tội danh giết người.

Tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử, tuyên bị cáo Phượng án tử hình dù bị cáo phản cung và cho biết bản thân bị điều tra viên ép cung nên phải nhận tội.

Đến tháng 8/2013, tại phiên xét xử phúc thẩm, mặc dù bị cáo tiếp tục kêu oan, tố bản thân bị ép cung, nhưng HĐXX TAND tối cao tại Hà Nội vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Tháng 11/2016, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (gồm 14 thành viên do Chánh án Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế Chủ tọa) họp phiên Giám đốc thẩm và quyết định hủy toàn bộ 2 bản án đã tuyên đối với bị cáo Vi Văn Phượng để điều tra, xét xử lại.

Sau quá trình điều tra, tháng 8/2019, TAND tỉnh Bắc Giang tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm lần 2.

Tại phiên xử này, bị cáo Phượng một lần nữa bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại mẹ đẻ.

Giống như những phiên xử trước đó, bị cáo tiếp tục kêu oan và bị bức cung.

Lần gần nhất, phiên phúc thẩm được mở ngày 16/8/2022. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa do vắng 3 nhân chứng.

Theo cáo trạng, cụ Nguyễn Thị V. bị mù lòa và sống chung với vợ chồng Vi Văn Phượng từ năm 2003.

Đến năm 2009, bị cáo Phượng vay mượn người thân (trong đó có vay của cụ V. đôi bông tai 1,5 chỉ vàng) để lo cho con trai và vợ đi xuất khẩu lao động. Vì con trai về nước trước thời hạn nên vợ chồng bị cáo Phượng chưa thể trả số vàng trên cho mẹ.

Theo cáo buộc, sau nhiều lần bị mẹ thúc giục, ngày 2/10/2012, Phượng đi mua một đôi bông tai 1,5 chỉ vàng rồi đưa cho con trai trả nợ cụ V.

Ngày 4/10/2012, trong lúc chỉ có 2 mẹ con, cụ V. hỏi Phượng có phải đã mua vàng giả để trả cho mình hay không? Từ đó, bị cáo Phượng bực tức và thực hiện ý định sát hại mẹ đẻ.

Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 5/10/2012, Vi Văn Phượng bị cáo buộc đã lấy dao quắm sát hại cụ V.

Gây án xong, bị cáo mang hung khí đặt vào chỗ cũ, cởi áo dính máu và ngồi hút thuốc trước khi thông báo vụ việc cho mọi người.

Bác kháng cáo kêu oan, nhưng giảm án cho bị cáo

Tại phiên xử phúc thẩm diễn ra ngày 23/5, bị cáo Phượng tiếp tục kêu oan trước cáo buộc sát hại mẹ đẻ.

Bị cáo này thừa nhận có vay của mẹ 1,5 chỉ vàng, nhưng sau đó đã mua và trả lại cho nạn nhân.

Tại bục khai báo, trước cáo buộc ra tay sát hại mẹ đẻ vì 1,5 chỉ vàng, bị cáo nhấn mạnh số vàng trên chưa bao giờ là nguyên nhân gây tranh cãi, mâu thuẫn giữa 2 mẹ con.

Về nội dung thừa nhận sát hại mẹ đẻ trong các bản khai khi làm việc với cơ quan điều tra trước đó, bị cáo Phượng liên tục kêu oan và trình bày do “sợ công an nên nhận tội”.

Trong diễn biến phiên xử sáng 23/5, bị cáo đã kể về việc bản thân bị bức cung, dùng nhục hình.

Để đối chất tình tiết này, HĐXX đã yêu cầu điều tra viên từng trực tiếp hỏi cung bị cáo lên để xét hỏi.

Trước tòa, điều tra viên này khẳng định không bao giờ sử dụng phương tiện hay lời nói để ép cung hay nhục hình khi hỏi cung bị cáo.

Đưa ra quan điểm tại phiên xử, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án này.

Về động cơ gây án, mâu thuẫn thể hiện ở việc bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo ức chế với mẹ nên sát hại nạn nhân.

Tuy nhiên, lời khai của người thân, nhân chứng, hàng xóm lại cho thấy bị cáo Phượng là một người con có hiếu, chăm sóc chu đáo cho gia đình, đặc biệt với bà V.

Mâu thuẫn thứ 2 nằm ở tang vật là chiếc áo màu trắng dính máu được thu giữ tại hiện trường.

Theo cơ quan thực hành quyền công tố, nhiều nhân chứng khẳng định không rõ bị cáo có mặc chiếc áo này vào ngày vụ án xảy ra hay không.

Riêng một nhân chứng là ông Lăng Đức Mạnh xác nhận bị cáo mặc 2 áo trước khi vụ án xảy ra (áo ngoài màu xanh bộ đội và áo trong có màu trắng đục).

Tuy nhiên, vị đại diện VKS không đánh giá cao lời khai do nhân chứng này đã có nhiều lần thay đổi bản khai.

Tại các phiên tòa trước đó, nhân chứng này khai trong buổi sáng hôm xảy ra vụ án, khi đi làm cùng có thấy bị cáo Phượng mặc áo ngoài màu xanh bộ đội còn bên trong bị cáo có mặc áo hay không, nhân chứng này không nhớ rõ.

Về thời gian nạn nhân tử vong, căn cứ vào lời khai, bằng chứng đã thể hiện bị cáo Phượng đi làm cả buổi sáng và chỉ về nhà sau 11 giờ.

Điều này được cho là không phù hợp với kết quả giám định của cơ quan chuyên môn về thời điểm cụ V. tử vong….

Từ những nhận định trên, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ các mâu thuẫn. VKS cho rằng, các chứng cứ buộc tội bị cáo chưa vững chắc, chưa đủ căn cứ.

Sau thời gian nghị án, căn cứ vào nội dung vụ án cũng như những tình tiết mới xuất hiện tại phiên xử, HĐXX đã tuyên giảm án cho bị cáo Phượng từ mức tử hình xuống chung thân.

HĐXX xác định trong quá trình giải quyết vụ án đã có những vi phạm, nhưng không nghiêm trọng và không làm thay đổi bản chất vụ án.

Cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ khẳng định bị cáo phạm tội.

Bị cáo cũng nhiều lần khai nhận hành vi, cũng như khai với nhiều người.

Đối với lời khai bị bức cung, nhục hình của bị cáo, HĐXX xét thấy không có căn cứ.

Từ những lý lẽ trên, HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Vi Văn Phượng.

Tuy nhiên, HĐXX đánh giá bị cáo là người dân tộc thiểu số, phạm tội lần đầu, phải nuôi mẹ bị mù trong thời gian dài.

Đại diện bị hại có mong muốn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì đó, bị cáo Phượng bị tuyên án tù chung thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ