3 lần xét xử sơ thẩm bị cáo đều kêu oan
Theo hồ sơ, tiệm vàng Hiền Lực (P. Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) do bà Nguyễn Thị Hiền đứng tên. Trong thời gian ra nước ngoài chữa bệnh, bà Hiền giao lại cho em họ là bà Đặng Thị Nga quản lý. Bà Nga thuê ông Tuấn phụ việc tại tiệm vàng. Hằng ngày, ông Tuấn có nhiệm vụ phụ bà Nga kinh doanh rồi đem vàng, tiền ra nhà xe Liên Thành ở TP Phan Rang - Tháp Chàm để gửi vào TPHCM.
Khoảng 19 giờ ngày 13/1/2014, bà Nga đưa cho ông Tuấn hơn 18 lượng vàng 24K, 28 lượng vàng 18K, tiền VNĐ và USD với tổng giá trị khoảng 2,6 tỷ đồng để đi gửi. Do ông Tuấn là người thân trong nhà nên khi giao tài sản giữa hai bên không có biên bản giao nhận gì. Việc giao nhận này chỉ dựa trên lòng tin và được camera của tiệm vàng theo dõi.
Ông Tuấn khai nhận, khi chạy xe đến trước nhà số 88 Nguyễn Thị Định (KP4, P. Tấn Tài) thì bị một người đi xe máy cùng chiều vượt lên giật giỏ tiền làm ông ngã ra đường. Bà Trần Thị Mười, chủ căn nhà số 88, thấy thế nên chạy ra đỡ ông Tuấn dậy. Nhiều người dân ở xung quanh thấy tai nạn nên cũng kéo ra xem. Khi nghe ông Tuấn nói bị cướp, mọi người hỏi: "Bị cướp sao không la lên để người ta bắt cho?", ông Tuấn trả lời: "Quýnh quá không la lên được".
Kết luận điều tra cho rằng khi vụ tai nạn xảy ra, ông Tuấn chần chừ không gọi công an đến giải quyết. Quá trình điều tra, ông Tuấn quanh co, thay đổi lời khai, cho rằng mình không chiếm đoạt số tiền bị mất. Với tài liệu và các chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra kết luận lời khai của ông Tuấn là gian dối, tạo hiện trường giả nhằm che đậy hành vi chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Tuấn về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Tháng 1/2015, TAND tỉnh Ninh Thuận đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tuấn 14 năm tù về tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" giống như đề nghị của cơ quan điều tra. Sau đó, bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Hồ sơ vụ án được chuyển cho Công an tỉnh Ninh Thuận điều tra theo thủ tục chung. Sau đó, Viện KSND tỉnh Ninh Thuận vẫn ra cáo trạng truy tố ông Tuấn với tội danh như cũ.
Đến tháng 7/2017, TAND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt ông Tuấn 12 năm tù. Thế nhưng, bị cáo Tuấn lại tiếp tục kháng cáo kêu oan. Đồng thời, bản án này sau đó lại bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy, trả hồ sơ điều tra lại.
Sau khi kết thúc điều tra lại, TAND tỉnh Ninh Thuận lại tiếp tục đưa bị cáo ra xét xử sơ thẩm lần 3 và tuyên phạt y như mức án sơ thẩm lần 2 là 12 năm tù. Bị cáo Tuấn lại kháng cáo, kêu oan. Tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo Tuấn đã bị tạm giam gần 6 năm và đang chờ phiên xét xử phúc thẩm lần 3 diễn ra.
Sự thật về vụ án vẫn còn mù mờ?
Trong hai phiên xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao chỉ ra nhiều sai sót, mâu thuẫn của vụ án mà các cơ quan tố tụng chưa làm rõ. Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm kết tội bị cáo chỉ dựa trên suy đoán.
"Kết quả điều tra cho thấy xe máy do bị cáo Tuấn điều khiển ngã về bên trái, ông Tuấn bị ngã về bên phải là có thật. Khi bị cáo Tuấn ngã thì có xe máy của một thanh niên chạy qua. Tuy nhiên, các nhân chứng đều xác định hiện trường ông Tuấn ngã không có giỏ tiền văng ra, cũng không có ai lấy giỏ tiền. Từ đó, cơ quan điều tra cho rằng: Không ai có thể giật giỏ tiền, ông Tuấn khai có người làm ngã rồi cướp giỏ tiền là gian dối. Việc tòa án cấp sơ thẩm suy đoán giỏ tiền treo trên xe không ai có thể giật được, nhân chứng không nhìn thấy vụ cướp giật, từ đó quy kết bị cáo Tuấn gian dối, suy đoán này là chủ quan chưa đủ căn cứ" - trích nhận định của HĐXX phúc thẩm (TAND cấp cao tại TPHCM)
Đồng thời, HĐXX cấp phúc thẩm cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng của vụ mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không làm rõ được là: Ông Tuấn chiếm đoạt số tiền, vàng vào thời gian nào? Cụ thể, đoạn đường từ tiệm vàng đến chỗ tai nạn chỉ hơn 700m. Toàn bộ diễn biến từ lúc ông Tuấn nhận vàng, đi đường, bị tai nạn, nằm bất động một lúc, được người dân đỡ dậy hỏi han, đi gọi nhờ điện thoại báo về tiệm vàng... chưa tới 12 phút.
Mặt khác, theo tòa phúc thẩm, cơ quan điều tra không xác định được trong 12 phút đó có bao nhiêu thời gian ông Tuấn đi từ tiệm vàng ra đường. Thời gian này có đủ điều kiện để tiêu thụ chiếc giỏ bị mất không? Nếu ông Tuấn chiếm đoạt tài sản thì tiêu thụ bằng cách nào, vào thời gian nào mà không đem giỏ đến hiện trường?
Ngoài ra, tòa án cấp phúc thẩm cũng cho rằng lời khai của nhân chứng tại hiện trường cũng có nhiều điểm mâu thuẫn như không nhận dạng được người chạy xe vọt qua nhưng lại khẳng định người đó không mang theo giỏ xách. Do đó, HĐXX phúc thẩm nhận định: "Nếu không chứng minh được những nội dung này thì không thể làm rõ được sự thật của vụ án".
Cơ quan điều tra cũng đã tổ chức khám xét nhà bị cáo Tuấn đột xuất, kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra đất đai, tài sản của bị cáo Tuấn và tất cả mối quan hệ làm ăn của bị cáo này và người thân nhưng không phát hiện được việc bị cáo Tuấn chiếm giữ tài sản bị mất.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội), các chứng cứ buộc tội bị cáo Tuấn của phiên tòa cấp sơ thẩm còn quá lỏng lẻo. Cụ thể LS Quynh cho rằng, Khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: vàng, bạc, kim khí quý bắt buộc phải trưng cầu giám định. Trong trường hợp của vụ án này không có kết luận giám định về tuổi của vàng thì không có căn cứ cho rằng đó là vàng 18k hay 24k.
Vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Ninh Thuận chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và nhân chứng để khẳng định tuổi vàng (18k, 24k) là không có căn cứ. Đồng thời, vụ án cũng không có kết quả định giá tài sản, trong khi Điều 219 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Trong trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn thì việc định giá tài sản được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá…