Ngược ngàn săn ong

GD&TĐ - Vào ngày nắng lên sau những đợt mưa kéo dài, hay ngày “động trời” trước khi gió mùa về, ong mật thường di chuyển từ núi cao xuống chân núi để tránh rét.

Từ tháng 9 âm lịch, người dân miền núi Hà Tĩnh đã rong ruổi khắp các bìa rừng để săn ong mật về nuôi.
Từ tháng 9 âm lịch, người dân miền núi Hà Tĩnh đã rong ruổi khắp các bìa rừng để săn ong mật về nuôi.

Dịp này, những người nuôi ong, mê ong các huyện miền núi Hà Tĩnh lại lỉnh kỉnh đồ nghề, ngược ngàn đi săn những đàn ong di trú. 

Tuyệt chiêu “dụ” ong

Trước đây, người dân miền núi Hà Tĩnh phải vất vả lên núi săn mật ong rừng, nhưng nay chỉ cần ra vườn là có. Bằng cách “dụ” ong rừng về nhà, tạo ra thứ mật ong ngọt ngào, người dân nơi đây đã sở hữu sản vật núi rừng thật đặc biệt.

Đã thành lệ, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 9 âm lịch, cánh thợ săn ong lại cùng nhau ngược ngàn vào rừng để tìm ong. Đây là thời điểm khí hậu bắt đầu chuyển từ mát mẻ sang lạnh và cũng là lúc những đàn ong mật sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm nơi làm tổ tránh rét.

Sau những ngày mưa rét, trời vừa hửng nắng, nhóm ông Trần Văn Thanh (72 tuổi, trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) đã sửa soạn đồ nghề lên các cánh rừng tại vùng núi Hương Sơn để tìm kiếm các đàn ong di trú. Nhóm ông thường rong ruổi hàng chục km qua các vùng bìa rừng các xã Sơn Hồng, Sơn Kim… đây là những khu vực đàn ong hàng năm vẫn tìm đến làm tổ.

Ông Thanh cho biết, từ nhỏ ông đã theo bố lên rừng tìm mật. Nhưng sau đó, nhận thấy nghề vào rừng lấy mật ong quá nguy hiểm nên đã học cách bắt ong về nuôi. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, việc tìm chỗ trú đông sẽ được giao cho con ong khoẻ mạnh nhất trong đàn, được gọi là ong sứ hoặc ong thăm.

Những con ong này thường đi tìm các lỗ đục sẵn trên cột điện hay thân cây cổ thụ ở rừng sâu, ven bờ suối để đưa cả đàn về chỗ trú vào mùa lạnh. Biết được đặc điểm này, người dân mới tạo các tổ ong mồi để dẫn dụ ong về nhà.

Một thợ săn dùng vợt khéo léo đưa ong sứ vào tổ mồi.
Một thợ săn dùng vợt khéo léo đưa ong sứ vào tổ mồi.

“Tổ bẫy ong thường được người dân miền núi Hà Tĩnh dùng là đõ ong và thùng gỗ. Đõ ong là khúc gỗ mít đã sầu ruột, người ta sẽ dùng cưa, mãi nhẵn bên trong. Kích thước chiều dài khoảng 70 – 80 cm và đường kính khoảng 20 – 25 cm là thích hợp nhất.  

Sau đó bịt 2 đầu 2 bên thân cây lại, chỉ để 1 vài lỗ để ong chui ra chui vào. Trước khi đặt bẫy, cánh thợ săn ong sẽ bỏ một ít sáp ong và mật ong tự nhiên để kích thích, dẫn dụ ong sứ”, ông Thanh tỉ mỉ giới thiệu.

Theo kinh nghiệm của cánh săn ong lâu năm, để “dụ” được ong về cần nhiều công đoạn, mỗi người có một bí quyết riêng. Cách thứ nhất là chuẩn bị sẵn các đõ ong, sau đó vào rừng treo đõ lên cây to làm tổ, cách chọn lựa vị trí treo cũng cần có kinh nghiệm.

Đó là chọn nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, mưa gió không hắt vào được, nắng gắt không tới. Ong sứ sẽ “kiểm tra” kỹ, thấy an toàn thì chúng mới đến ở. Sau đó chỉ việc mang tổ về nhà, đám ong sẽ sống với mình nhiều năm trời.

Để ong sứ vào các tổ mồi, cánh săn ong cũng phải tự can thiệp bằng cách dùng vợt đưa ong sứ vào tổ. Sau khi phát hiện có ong sứ đi tìm tổ, một thanh niên trong nhóm vội dùng vợt khéo léo cho ong “sứ” vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng 1 - 2 phút sau đó mở cửa.

“Nếu ong sứ thấy phù hợp để trú ngụ thì sẽ đi gọi đàn kéo về ở trong tổ mồi đã làm sẵn. Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, chúng tôi đưa tổ này về nhà và nuôi lấy mật. Thực ra đi săn ong này rất khó, không phải ngày nào cũng được. Có những lúc đưa về nhà nuôi được vài tháng thì nó kéo nhau đi hết”, anh Trần Đình Viên (thị trấn Tây Sơn) kinh nghiệm.

Nghề nhẫn nại

“Điều đặc biệt, người dân miền núi Hương Sơn, tổ ong mồi của ai người đó sở hữu, không có chuyện lấy trộm của nhau. Cũng chẳng ai treo biển đánh dấu nhưng cánh thợ săn chúng tôi đã có luật bất thành văn như vậy. Chỉ khi người nơi khác đến mới có việc mất trộm xảy ra”, ông Thanh cho hay.

Bản thân ông thường đặt 5 tổ, mỗi tổ ở một xã khác nhau, sau đó đi thăm thú từng tổ xem ong đã sập bẫy chưa. Đến cuối giờ chiều, ông quay trở lại thăm các tổ vẫn còn y nguyên. Ngày hôm nay, ông Thanh cho biết, 5 chiếc tổ của mình vẫn bỏ không. Ông dự định sẽ chuyển những tổ này sang điểm bắt mới.

Dù đã hơn 20 năm lặn lội với nghề, nhưng anh Lê Trung Thi (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn) cũng thừa nhận đây là nghề phải kiên trì, nhẫn nại, đòi hỏi sự tập trung cao. Nhiều khi đang chạy xe trên đường nhưng vẫn phải căng tai để nghe ngóng âm thanh của đám ong sứ.

“Nhiều trường hợp đặt bẫy ong hàng tháng không gặp được đàn ong nào tuy nhiên cũng có những lúc may mắn đặt bẫy 1 tuần thậm chí 2 – 3 ngày đã có ong tìm đến. Dụ được đàn ong vào bẫy vừa đòi hỏi kỹ thuật vừa đòi hỏi nghệ thuật thiết kế tổ ong giỏi hiểu được đặc điểm của con ong để làm cho chúng bị thu hút và thích tổ bẫy để đến làm tổ”, anh Thi cho hay.

Sau nhiều năm săn ong, hiện tại anh Thi đã có hơn 30 tổ ong nuôi tại nhà. Năm nào dịp này anh cũng vào các khu rừng để săn ong sứ về nuôi.

Sau khi ong đã đóng tổ người dân sẽ đưa tổ ong mồi về nhà.
Sau khi ong đã đóng tổ người dân sẽ đưa tổ ong mồi về nhà.

Sau khi săn được đàn ong, thợ săn sẽ đưa về nuôi tại nhà, từ khoảng 2 - 3 tháng sẽ cho thu hoạch mật. Săn ong mật là một nghề độc đáo bởi ngoài nguồn thu nhập tương đối cao, nghề này nhẹ nhàng và rất dễ “nghiện”.

Trong một mùa săn ong, khoảng 3 tháng, có người được ong về liên tục nhưng cũng có người chỉ được một vài tổ. Thời điểm hiện nay, giá mật ong rừng rơi vào khoảng 400.000 đồng – 500.000 đồng/lít.

Bình quân 1 đàn ong có giá 300 nghìn đồng, đàn đông “quân” 500 nghìn đồng nhưng rất hiếm khi người săn ong bán lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lụy tình vì họ sợ ở một mình hoặc họ cảm thấy phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc của bạn đời. (Ảnh: ITN)

Hậu quả của... lụy tình

GD&TĐ - Hầu hết mọi người đều mong muốn cảm thấy an toàn, được yêu thương và được chấp nhận trong một mối quan hệ tình cảm.

Đòn đáp trả và thế giới chao đảo?

Đòn đáp trả và thế giới chao đảo?

GD&TĐ - Để đáp trả phương Tây ủng hộ Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow có thể cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang chống Mỹ, Israel ở Trung Đông.

Ronaldo được kỳ vọng sẽ giúp Bồ Đào Nha đánh bại Slovenia ở lượt trận đêm nay.

GD&TĐ - Dưới đây là kết quả dự đoán cuộc so tài hấp dẫn giữa Bồ Đào Nha và Slovenia trên các chuyên trang bóng đá hàng đầu thế giới.