Lộc biển sau mùa dịch
Kết thúc phong tỏa do dịch Covid-19, ngư dân tại xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vui mừng, phấn khởi khi ra khơi trúng đậm ruốc biển.
Trước đó, 3 thôn ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) từng bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Ngày 19/6, quyết định dỡ bỏ phong tỏa được ban hành, người dân vùng này bắt đầu ra khơi.
Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi, từ tờ mờ sáng anh Phạm Văn Thế (thôn Nam Sơn, xã Cương Gián) đã gọi vợ sửa soạn lưới, thuyền. Dịp này, đang vào mùa ruốc nên chỉ cần đi chưa đến vài hải lý, hộ gia đình anh Thế đã thu về hàng tạ ruốc tươi.
Anh Thế cho biết: “Mấy ngày bị phong tỏa, vợ chồng tôi cứ ra vào trong nhà không biết làm gì. Trong khi thời tiết thuận lợi mà ngư cụ bỏ không trên bờ tiếc lắm. Khi nghe tin dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ai trong thôn cũng mừng. Từ sáng qua, vợ chồng tôi đã tranh thủ vươn khơi, kiếm thêm thu nhập bù lại những ngày nằm bờ”.
Sau 2 ngày vươn khơi, thuyền anh Thế đánh bắt được gần 5 tạ ruốc tươi, với mức giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Mỗi ngày ngư dân thu về từ 2 - 5 tạ ruốc, trừ chi phí mỗi thuyền thu về từ 3 - 6 triệu đồng.
Ruốc hay còn gọi là tép biển, hình dạng như tôm nhỏ, dài khoảng 10 - 40mm, sống ở vùng nước lợ và nước mặn. Theo các ngư dân cho biết, mùa ruốc biển năm nay đến sớm, đem lại thu nhập ổn định.
Trong khi, chi phí cho những chuyến đi biển đánh ruốc cũng thấp hơn do quãng đường đánh bắt chỉ trong vòng 1 hải lý. Mỗi chuyến ra khơi chỉ mất khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ, ngư dân đã được một mẻ ruốc đầy khoang thuyền.
Khệ nệ bưng những khay ruốc lên bờ, chị Trương Thị Lĩnh (trú thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) vui vẻ nói: “Chắc là trời thương chứ vừa hết phong tỏa ngư dân đã trúng ngay lộc biển rồi.
Ruốc được mùa, bán tươi không hết chúng tôi phải phơi khô để bán. Hai ngày qua, nhà tôi phải huy động thêm người hỗ trợ phơi ruốc. Nắng to như mùa này chỉ cần phơi 3 giờ đồng hồ sẽ có thể đóng gói và đi tiêu thụ được”.
Còn tại xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà), những ngày qua, thuyền của hàng chục hộ đã rẽ sóng vươn khơi. Thời tiết thuận lợi, đã đem lại nguồn hải sản dồi dào cho bà con sau những ngày “nằm bờ” do dịch Covid-19.
Ngư dân Nguyễn Văn Tìm, vừa cập bờ với gần 2 tạ ghẹ và 2 tạ cá thu. Chuyến đi này, trừ các chi phí, ông Tìm thu được gần 11 triệu đồng sau 5 ngày đánh bắt.
Ngư dân Tìm cho biết: “Mới đầu bà con ngư dân rất lo lắng vì dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến giá trị và việc tiêu thụ hải sản. Tuy nhiên, hiện tại, không chỉ việc đánh bắt khá thuận lợi mà giá cả cũng khá ổn”.
Cùng với thời tiết thuận lợi, tại vùng biển Thạch Kim, ngư dân đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao như: Mực, cá bạc má, tôm... Tất cả hải sản ngư dân đánh bắt, đều thu mua với giá ổn định.
Thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch
Tại Hà Tĩnh, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhờ siết chặt các biện pháp phòng, chống, ngư dân vẫn yên tâm vươn khơi, mang về nguồn thu ổn định.
Xã Thạch Kim là địa phương có hơn 70% người dân làm nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản. Để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, từ ngày 12/6, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho ngư dân tại Cảng cá Cửa Sót.
Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, ngay khi có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế toàn xã Thạch Kim, đơn vị đã tuân thủ các quy định về cách ly y tế khu vực Cảng cá Cửa Sót và phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho ngư dân để tạo điều kiện cho bà con ra khơi.
“Đã có hơn 200 ngư dân tham gia lao động trên 31 tàu được xét nghiệm nhanh (trong đó có 7 tàu, 41 ngư dân ngoại tỉnh; còn lại là ngư dân xã Thạch Kim). Kết quả, 100% âm tính với virus SARS-CoV-2”, ông Sơn cho hay.
Sau khi có kết quả xét nghiệm đủ điều kiện, các ngư dân đã được các cơ quan chức năng làm thủ tục cho phép ra khơi trong điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cũng tích cực tuyên truyền, giám sát, yêu cầu ngư dân và tiểu thương tuân thủ nguyên tắc 5K; triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như: Đo thân nhiệt người ra vào cảng, tầm soát an toàn từ xa thông qua thiết bị giám sát hành trình, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh…
Tại xã Cương Gián, trước khi ngư dân ra khơi, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm của hơn 3.000 người dân.
“Dù dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, nhưng công tác phòng dịch chúng tôi vẫn luôn duy trì. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi các ngư dân không chủ quan, thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch”, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho hay.
Vừa tích cực phòng dịch Covid-19, vừa duy trì nhịp độ đánh bắt, ngư dân Phạm Văn Thế cho biết: “Để hoạt động đánh bắt không bị gián đoạn, ngư dân chúng tôi đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Mỗi chuyến vươn khơi, chúng tôi đều theo dõi các thông tin về dịch bệnh qua radio và chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch khi trở lại đất liền”.