Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi Hoàng Sa trúng đậm cá

GD&TĐ - Những ngày này, mặc dù tình hình chính trị tại biển Đông diễn biến phức tạp nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì bám biển Hoàng Sa và mang về những chuyến tàu khoang cá đầy ắp từ ngư trường truyền thống này.

Ngư dân vui mừng nhờ chuyến vươn khơi cá về đầy khoang
Ngư dân vui mừng nhờ chuyến vươn khơi cá về đầy khoang

Cá về đầy khoang

Sáng sớm tinh mơ, phóng viên chúng tôi có mặt ở khu vực cảng Sa Kỳ (Bình Sơn, Quảng Ngãi.) và chứng kiến không khí nhộn nhịp và hối hả ở nơi đây. Tiếng máy tàu thuyền nổ ròn tan, tiếng anh em thuyền viên nói cười phấn khởi vì chuyến vươn khơi được nhiều cá tôm…

Đang hối hả đưa cá được chất đầy dưới khoang tàu lên để cho các tiểu thương, ngư dân Trương Văn Bánh - 45 tuổi, chủ tàu cá Qng 90678 TS ở xã Bình Châu -  vui vẻ nói: “Chuyến này trúng đậm, được khoảng hơn 12 tấn cá và các loại khác. Tàu mình 1 tháng với 12 người, trừ hết mọi chi phí xăng dầu, mỗi thuyền viên kiếm cũng được hơn 10 triệu đồng ”.

Ông Bánh chia sẻ: “Lúc này đang vào mùa cao điểm đánh bắt cá, vì thế nên bán cá xong anh em thuyền viên về nhà nghỉ một vài ngày. Tranh thủ thời gian đó, tôi về bảo dưỡng tàu, lấy xăng dầu và đá để tiếp tục đi chuyến mới. Phải tranh thủ thời gian”. 

Theo ông Bánh, đi đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc rượt đuổi là việc thường xuyên. Mỗi khi tàu của Trung Quốc đến thì mình tránh. Cứ khoảng vài 3 ngày bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. "Đây là vùng biển truyền thống của của cha ông từ bao đời nay nên chúng tôi vẫn tiếp tục bám biển đánh bắt cá" - Ông Bánh khẳng định.

Tương tự như tàu của ngư dân Bánh, tàu cá QNg 91432 TS do ngư dân Phạm Luân, 45 tuổi, ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi làm thuyền trưởng đã mở khoang để bốc nhiều tấn cá, mực lên bờ bán cho thương lái.

Tàu cá của anh Luân gồm 12 lao động, hành nghề lưới vây ở ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lần này, tàu của anh Luân tiến gần khu vực giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Sau gần một tháng đánh bắt cá trên biển, con tàu đã mang về 15 tấn cá các loại, với trị giá hơn 400 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi thuyền viên kiếm được trên 14 triệu đồng. 

Cũng theo ông Luân, sau gần 20 ngày xuất bến, tàu đã trở về sớm hơn dự kiến 5 - 7 ngày nhờ gặp được ngư trường nhiều cá.

Không chỉ riêng gì tàu cá của anh Bánh, anh Luân trúng đậm mà tại cảng Sa Kỳ có rất nhiều tàu mang đầy ắp cá tôm về.

Đoàn kết với nhau cùng bám biển

Ông Bùi Hoàng Vân - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết: Toàn xã có hơn 426 tàu thuyền có có công suất hơn 90 CV trong đó có hơn 150 chiếc tàu có công suất lớn thường xuyên vươn khơi đánh bắt thuỷ hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

Trước tình trạng Trung Quốc có những hành động đánh đập ngư dân, đâm tàu cá Việt Nam, ngư dân tổ chức đi thành từng nhóm, hư những tàu làm nghề lưới vây, những tàu làm nghề lưới chuồng ...  sẽ đi chung với nhau, cùng nhau chia sẻ những luồng cá và cùng nhau hỗ trợ mỗi khi gặp sự cố trên biển.

Cũng theo ông Vân, hàng ngày có hàng chục chiếc tàu của ngư dân Bình Châu luôn hiện diện trên ngư trường Hoàng Sa, hàng chục chiếc tàu mang đầy ấp tôm cá từ ngư trường Hoàng Sa và hàng chục chiếc tàu khác đạp sóng vươn khơi ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt thuỷ hải sản.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tich Nghiệp đoàn An Hải (huyện đảo Lý Sơn) - cho biết: Từ bao đời nay ngư dân Lý Sơn luôn xem Hoàng Sa là ngư trường rất quen thuộc của mình. Thế hệ cha ông chúng tôi ra Hoàng Sa cắm mốc thể hiện chủ quyền trên hai Hoàng đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hôm nay ngư dân chúng tôi quyết tâm bảo vệ ngư trường này.

Vì thế, dù Trung Quốc ngang nhiên đặt dàn khoan Hải Dương - 981 và đang có những hành động quá khích, vi phạm luật pháp quốc tế... nhưng ngư dân vẫn quyết tâm ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt thuỷ hải sản. 

Ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa để khai thác hải sản đồng thời họ cũng ý thức được rằng sự hiện diện của họ ở ngư trường truyền thống này là một phần để khẳng định chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ