Ngư dân Nghệ An trúng đậm "lộc biển" đầu năm

GD&TĐ - Những ngày vừa qua, nhiều ngư dân ở xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) rất vui mừng, phấn khởi vì trúng đậm cá trích trong những chuyến ra khơi đầu năm.

Những chuyến ra khơi bội thu khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn.
Những chuyến ra khơi bội thu khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn.

Hơn 1 tuần nay, ngư dân ở xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bắt đầu ra khơi đánh bắt hải sản. Từ 7h sáng, tại bến cá xóm Tiền Phong có hàng trăm chiếc thuyền nhỏ, thuyền thúng nối đuôi nhau cập bến, mang theo cả tạ cá trích đang dính lưới.

Chờ sẵn trên bờ, những người thân trong gia đình liền khẩn trương rũ cá từ những tay lưới vướng có chiều dài hàng trăm mét. Vì mang được nhiều cá trở về, không khí vui tươi, tiếng cười nói của ngư dân nhộn ràng cả bến thuyền.

Bến thuyền xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến lại rộn rã sau mỗi chuyến ngư dân đi biển trở về.
Bến thuyền xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến lại rộn rã sau mỗi chuyến ngư dân đi biển trở về.
Khi thuyền vừa cập bến, những người thân trong gia đình liền cùng nhau gỡ cá khỏi lưới.
Khi thuyền vừa cập bến, những người thân trong gia đình liền cùng nhau gỡ cá khỏi lưới.
Người dân phấn khởi vì những chuyến đi biển đầu năm mới đánh bắt bội thu.
Người dân phấn khởi vì những chuyến đi biển đầu năm mới đánh bắt bội thu.

Nhanh tay gỡ những con cá đang mắc trong lưới, ông Bùi Xuân Nuôi (55 tuổi, trú xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến) phấn khởi cho biết, chuyến ra khơi của ông hôm nay đánh được mẻ cá trích lớn, dự khiến được khoảng 2 tạ cá.

Theo ông Nuôi, mùa cá trích ở vùng biển Nghệ An thường kéo dài từ trước Tết đến tháng 3 âm lịch. Mỗi chuyến đi biển thường bắt đầu từ 3 giờ sáng, sau hơn 3 tiếng đánh bắt thì thuyền trở về bến.

Ông Bùi Xuân Nuôi gỡ cá sau hơn 3 giờ đánh bắt trên biển.
Ông Bùi Xuân Nuôi gỡ cá sau hơn 3 giờ đánh bắt trên biển.

Mỗi người điều khiển một thuyền, khi phát hiện khu vực có cá trích nhiều, ông Nuôi cùng các ngư dân thả tấm lưới dài xuống giăng bắt cá. Những ngày vừa qua, sản lượng cá đánh bắt cá trích trung bình từ 1-2 tạ/chuyến. Thỉnh thoảng có những thuyền "trúng đậm" có thể thu hoạch 3-4 tạ/chuyến.

“Vì người dân xã Nghi Tiến sử dụng thuyền nhỏ (rộng 1,5m, dài khoảng 5m) hoặc thuyền thúng nên chỉ khai thác gần bờ, bắt các loại tôm, cá, mực. Vùng biển đánh cá trích thường cách đất liền khoảng 3-4 hải lý nên mỗi ngày có thể đi 2 chuyến vào rạng sáng và buổi chiều. Mỗi chuyến đi như vậy tốn khoảng 3 lít dầu”, ông Nên chia sẻ.

Ngư dân Nghệ An trúng đậm "lộc biển" đầu năm ảnh 5
Ngư dân Nghệ An trúng đậm "lộc biển" đầu năm ảnh 6

Cá trích sau khi gỡ ra khỏi lưới liền được các tiểu thương thu mua ngay tại bến. Tùy thời điểm mà cá có giá giao động từ 10.000 đến 25.000 đồng/kg. Bên cạnh việc dùng để chế biến thành các món ăn, cá trích còn được nhập cho các cơ sở chế nước mắm truyền thống.

Những thương hiệu nước mắm nổi tiếng xứ Nghệ như: nước mắm Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), Vạn Phần (huyện Diễn Châu), Phú Lợi (thị xã Hoàng Mai) một phần được làm từ những con cá trích tươi ngon.

Dù năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Hoàng Anh Phương vẫn làm nghề đánh cá.
Dù năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Hoàng Anh Phương vẫn làm nghề đánh cá.

"Sau Tết, cá trích di chuyển theo lạch nước từng đàn và xuất hiện dày đặc ở vùng biển gần bờ nên các chuyến vươn khơi của bà con ngư dân trong những ngày qua luôn thắng lớn. Với giá hiện tại 10.000 đồng/kg, trung bình mỗi chuyến đi biển lãi hơn 1 triệu đồng”, ông Hoàng Anh Phương, ngư dân xóm Tiền Phong cho biết.

Theo ông Phương, phần lớn người lao động đi biển là đàn ông trung tuổi, còn phụ nữ phụ trách khâu hậu cần. Ra khơi đầu năm, dù được nhiều hay ít, nhưng bà con ngư dân nơi đây đều phấn khởi.

Tiểu thương đến thu mua cá ngay tại bến.
Tiểu thương đến thu mua cá ngay tại bến.
Ngư dân Nghệ An trúng đậm "lộc biển" đầu năm ảnh 9
Cá trích lúc còn tươi có màu trắng bạc sáng lấp lánh, đây là loài có nhiều chất dinh dưỡng, ít tanh, ăn rất lành.
Cá trích lúc còn tươi có màu trắng bạc sáng lấp lánh, đây là loài có nhiều chất dinh dưỡng, ít tanh, ăn rất lành.

Ông Lưu Đình Thưởng – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến cho biết, hiện cả xã có khoảng 160 thuyền cỡ nhỏ và thuyền thúng lắp máy, công suất khoảng 6-13CV. Những ngày qua, mỗi chuyến đi biển ngư dân có thể đánh bắt được hơn 1 tạ cá trích, cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Thậm chí, có những hôm đi đúng lạch cá, ngư dân đánh được 3-4 tạ/chuyến.

“Trước đây ngư trường Nghi Lộc rất nhiều hải sản, tôm, cá. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, vùng biển này bắt đầu xuất hiện nhiều tàu giã cào từ các địa phương khác đến khai thác khiến sản lượng hải sản sụt giảm nghiêm trọng.

UBND xã từng có tờ trình gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin kinh phí làm bến cảng, tuy nhiên vì số lượng thuyền ít và công suất còn nhỏ nên chưa được đồng ý. Trước mắt, địa phương đang xin kinh phí để nạo vét bến bãi hằng năm, giúp tàu thuyền ra vào dễ dàng hơn”, ông Thưởng cho biết thêm.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, toàn tỉnh có 25 tàu cá khai thác xa bờ, với sản lượng bình quân 7 tấn/tàu, tương đương khoảng 175 tấn. Các hải sản khai thác được chủ yếu là cá hố, mực có giá trị kinh tế cao, ước tổng bình quân giá trị thu nhập 200 triệu đồng/tàu.

Đối với đội tàu khai thác gần bờ đi về trong ngày, tuy sản lượng không cao nhưng những ngày đầu năm sản phẩm bán được giá cho nên cũng có thu nhập tốt. Với số lượng 3.469 tàu cá, trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ