Ngôn ngữ Nga - Nhiều cơ hội, ít cạnh tranh

GD&TĐ - Là một trong 5 ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, thế nhưng tiếng Nga lại được xem là “ngôn ngữ hiếm” ở Việt Nam.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga du học tại thủ đô Moskva, Nga.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga du học tại thủ đô Moskva, Nga.

Nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn tiếng Nga đang tăng cao, mở ra nhiều cơ hội cho những người am hiểu ngôn ngữ và văn hóa này.

Với bề dày truyền thống, khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là đơn vị đào tạo tiếng Nga chất lượng hàng đầu khu vực miền Nam. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga có ưu thế cạnh tranh riêng trên thị trường lao động.

Phát triển toàn diện

80% Cử nhân ngành Ngôn ngữ Nga có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng. Phổ việc làm của ngành này rất đa dạng: Từ các ngành nghề truyền thống như giáo viên, phóng viên, biên – phiên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, thư ký, trợ lý; đến các ngành nghề mới, như người sáng tạo nội dung số, KOLs, chuyên gia marketing, tiếp thị truyền thông,…

ThS. Bùi Thị Thúy Nga - Phó trưởng khoa Ngữ văn Nga - cho biết: “Khoa rất chú trọng việc giáo dục toàn diện. Sinh viên không chỉ được trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, mà còn được rèn luyện kỹ năng mềm phong phú, giáo dục trách nhiệm và ý thức phục vụ cộng đồng. Quan trọng nhất là phải hình thành và củng cố tinh thần học tập suốt đời”.

Mỗi năm học, Khoa Ngữ văn Nga tổ chức hơn 50 chương trình ngoại khóa đa dạng và bổ ích: chương trình “Gấu Nga phiêu ký” giúp các tân sinh viên làm quen với các địa danh nổi tiếng của TP.HCM và hình thành các mối quan hệ; “Câu chuyện nghề nghiệp” là cơ hội để sinh viên gặp gỡ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực; hoạt động trình chiếu các vở kịch Opera, Ballet của các nhà soạn nhạc và biên kịch Nga nổi tiếng; các buổi tham quan doanh nghiệp; lớp học với giáo viên bản ngữ…

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga có nhiều cơ hội thực tập hơn các ngành học khác trong Trường, với 2 học phần thực tế: Thực tập 1 tuần tại Trường học Liên doanh “Vietsovpetro” (Vũng Tàu) và thực tập nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả sinh viên trong khoa đều được thầy cô hỗ trợ định hướng, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Minh họa 1 (2).png
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga trong một lớp học tại thủ đô Moskva, Nga.

Cung chưa đủ cầu

So với các ngôn ngữ khác, tiếng Nga ít phổ biến ở thị trường lao động Việt Nam vì độ khó của nó. Do đó, những ai học được ngôn ngữ này nghiễm nhiên có được một lợi thế đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Nga năm 2016, anh Lương Huỳnh Trọng Nghĩa giờ đây vừa giảng dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ New Sky, vừa làm dịch giả cho các đơn vị xuất bản trong nước: NXB Phụ nữ Việt Nam, 1980Books, Bách Việt Books, VivaBooks, WaveBooks, Vibooks… Anh chia sẻ: “Kiến thức và kỹ năng học được ở Đại học đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc của tôi: từ việc tìm hiểu ngôn ngữ nguồn trong các bản thảo đến việc xây dựng các mối quan hệ về học thuật”.

Lĩnh vực dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng của Việt Nam đang khan hiếm nhân sự nắm vững tiếng Nga. Cử nhân ngành Ngôn ngữ Nga dễ dàng tìm được việc tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và được người Nga yêu thích như Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc…

Sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, một thành phố du lịch được nhiều người Nga yêu thích, chị Hồ Thanh Trinh đã lựa chọn ngành Ngôn Ngữ Nga để có thêm cơ hội phát triển tại quê nhà. Chị cho biết, kiến thức chuyên ngành đã tạo nên điểm khác biệt của mình so với các ứng viên khác. Bởi, học ngoại ngữ là việc đòi hỏi khả năng tự học, tự trau dồi, nhất là với tiếng Nga - một ngôn ngữ khó và có nhiều khác biệt với tiếng Việt.

Vượt qua những khó khăn đó, chị đã rèn luyện được sự nhạy bén trong tư duy và suy nghĩ, nhờ vậy mà cũng dễ dàng thích ứng với công việc. Hiện nay, chị là Thư ký tại Liên minh Tài chính Doanh nhân Việt Nam và Thư ký CLB Doanh nhân Khánh Hòa – Sài Gòn.

Bên cạnh đó, tiếng Nga có thế mạnh không thể thay thế trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam. Cử nhân ngành Ngôn ngữ Nga có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước: Bộ quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ, Học viện quân sự, cơ quan thông tấn báo chí...

Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay, triển vọng việc làm của Cử nhân ngành Ngôn ngữ Nga trong lĩnh vực kinh tế – thương mại cũng rất rộng mở.

Minh họa 2 (1).png
Lễ Kỷ niệm 45 năm thành lập khoa Ngữ văn Nga.

Thích ứng tốt trên nhiều lĩnh vực

Sinh viên từ ngành Ngôn ngữ Nga, Trường ĐH KHXH&NV được các nhà tuyển dụng đánh giá cao bởi thái độ làm việc tốt, tinh thần cầu tiến, chịu khó, quyết tâm và ham học hỏi. Ông Đoàn Ngọc Huấn - Trưởng phòng chuỗi cung ứng Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB - nhận xét: “Điểm mạnh của các bạn là khả năng thích ứng, tư duy độc lập và chủ động. Dù kiến thức liên quan đến lĩnh vực làm việc chỉ ở mức độ vừa phải, các bạn vẫn hoàn thành công việc tốt và hoàn toàn có khả năng thăng tiến”.

Trong thế giới đa nhiệm hiện nay, tiếng Nga là một nền tảng tốt để các bạn trẻ rèn luyện năng lực nghề nghiệp, thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Ngôn ngữ Nga là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu và kỹ năng sử dụng tiếng Nga trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là ngành có truyền thống đào tạo và chất lượng tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Cử nhân Ngôn ngữ Nga có cơ hội nghề nghiệp phong phú: Biên/phiên dịch tiếng Nga; Hướng dẫn viên du lịch, tổ chức, điều hành hoạt động du lịch, lễ tân; Nghiên cứu ngôn ngữ Nga, văn hóa, lịch sử Nga, những vấn đề khu vực học, quốc tế học; Giảng dạy tiếng Nga; Làm việc tại các cơ quan nhà nước, quốc tế, các tổ chức phi chính phủ;…

Ngành ngôn ngữ Nga cũng là nền tảng vững chắc để nhiều bạn trẻ tiếp tục học tập, nghiên cứu hay du học tại Nga ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.