Theo Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hữu Thái: “Có lẽ hiện nay trong các nước Châu Á, chỉ còn TP Hà Nội và TP HCM là đang nằm trong tình trạng “đại đô thị đơn tâm”. Do vậy, việc chuyển nhanh sang “Vùng đại đô thị” với đặc tính đa cực, phi tập trung là một yêu cầu cấp bách và là một mệnh lệnh.
Gia tăng dân số - bài toán nóng bỏng
Cả nước ta hiện nay có 788 đô thị (trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương; 58 thành phố thuộc tỉnh…), tỷ lệ đô thị hóa trên toàn quốc đã đạt khoảng 36%.
Hiện nay, khu vực đô thị có mức độ tăng trưởng kinh tế cao gần gấp 2 lần cả nước. Nguồn thu từ hoạt động kinh tế đô thị ước đạt 70-75% GDP (tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người) của cả nước. Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương là: Hà Nội; TP HCM; Hải Phòng; Đà Nẵng; Cần Thơ đã chiếm hơn 50% GDP toàn quốc.
Theo PGS TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Hiện có khoảng 40 triệu/93 triệu dân số Việt Nam đang sinh sống ở các đô thị. Đến năm 2020 sẽ có trên 45 triệu người thuộc dân đô thị (chiếm 40% dân số cả nước).
Sự gia tăng khủng khiếp về dân số đang đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình đô thị hóa. Khoảng 20-25 năm nữa, dự báo có trên một nửa số dân Việt Nam sinh sống ở các đô thị. Đến năm 2020 sẽ có trên 45 triệu người thuộc dân số đô thị (chiếm 40% dân số cả nước).
Gia tăng dân số đô thị, đã - đang và sẽ đòi hỏi cấp bách nhất là chuyện giải quyết nhu cầu nhà ở và đi lại.
Theo Ngân hàng Thế giới: Tổn thất do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam lên tới 5,5% GDP của cả nước. Mỗi năm Việt Nam tốn gần 800 triệu USD chi cho sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm không khí.
Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia: Tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM, thời gian ùn tắc giao thông bình quân mỗi ngày là 45 phút, xấp xỉ 15 giờ/tháng và 180 giờ/năm, dẫn đến tổng thiệt hại trung bình mỗi năm khoảng 30.000 tỷ đồng.
Gần 36% dân số nước ta đang sống ở đô thị, tuy nhiên diện tích đất tự nhiên của các đô thị trên toàn quốc chỉ chiếm hơn… 1,5% diện tích đất tự nhiên cả nước.
Hiện nay nhà ở cư dân đô thị ở các quận ven thành phố và các huyện ngoại thành nước ta là nhà ở riêng lẻ, tự xây dựng với rất nhiều loại hình và quy mô khác nhau từ cấp thấp đến biệt thự cao cấp, nhưng đa số là loại hình nhà phố liền kề, nhà trọ mọc tự phát tại các vùng ven rất lộn xộn, vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý.
Luật cư trú đã mở rộng cơ hội để người dân nông thôn nhập cư sinh sống và làm ăn lâu dài tại các dô thị. Tuy nhiên, gánh nặng gia tăng dân số TP HCM tăng hơn 1 triệu người, tính cả khách vãng lai, dân số TP HCM hiện nay gần 10 triệu người đứng đầu cả nước), dẫn đến áp lực lớn cho quỹ đất ở đô thị vốn đã cạn kiệt lại càng cạn kiệt.
Giá đất ở - nhà đất tăng cao – chi phí đầu tư cũng tăng cao, sẽ giảm sự kêu gọi đầu tư phát triển ở các đô thị. Người nghèo đô thị sẽ còn hàng triệu người, không biết bao giờ mới tậu cho riêng mình một căn hộ nhỏ bé, dù với giá chỉ 5-7 trăm triệu đồng/căn. Tình trạng khu ổ chuột lụp xụp vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều đô thị là khó tránh khỏi.
8 vấn đề hết sức đau đầu về sự bùng nổ các đô thị
TS Võ Kim Cương – nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM - cho rằng TP HCM và các đô thị cả nước hiện đang đứng trước 8 vấn đề cực nóng.
Thứ nhất: là tình trạng phát triển dàn trải, có quy hoạch nhưng thiếu một chiến lược phát triển lâu dài.
Thứ 2: Tình trạng phát triển kiểu “da beo” lộn xộn, lụp xụp.
Thứ 3: Tình trạng cấu trúc đô thị hình “lát bánh tét”.
Thứ 4: Tình trạng bất ổn về quy hoạch sử dụng đất.
Thứ 5: Tình trạng thiếu an toàn về địa chất – thủy văn.
Thứ 6: Tình trạng thiếu an toàn về cảnh quan và môi trường.
Thứ 7: Tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Thứ 8: Tình trạng mất ổn định của thị trường bất động sản.
Trở lại câu chuyện đất đai đô thị. Tình trạng ai cũng biết là việc đầu cơ đất đai, chuyển đổi bừa bãi đất nông thôn thành đất đô thị ở vùng ven, việc sử dụng quỹ đất hoang phí không hồi kết thúc ở vùng ven đô thị, nông dân mất đất thành dân nghèo thành thị - thậm chí thất nghiệp (nguy cơ tiềm ẩn của tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự) đang gia tăng.
Một bức tranh khác ai cũng biết nhưng phải chấp nhận – cho dù là bức tranh khá tăm tối. Đó là tình trạng kẹt xe và ô nhiễm môi trường đang ngày càng nặng nề ở các đô thị.
Sự phát triển ồ ạt các phương tiện giao thông là nguyên nhân đầu tiên gây kẹt xe. Tại TP HCM hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 xe gắn máy 2 bánh và 100 xe ô tô đăng ký mới. Ở Hà Nội số lượng xe đăng ký mới thấp hơn, nhưng cũng lên tới trên 800 xe máy và khoảng 70 xe ô tô các loại.
Đến nay, lượng xe máy và ô tô lưu thông hàng ngày trên địa bàn Hà Nội khoảng 7 triệu xe và ở TP HCM trên 8 triệu (tính luôn số lượng xe ngoại tỉnh vào thành phố).
Lượng xe tăng chóng mặt, trong khi diện tích mặt đường và bến xe lại không tăng đáng kể. Lại thêm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, tình trạng rào chắn đào bới lòng lề đường xây dựng hệ thống thoát nước – cấp nước – cáp điện lực – cáp viễn thông không ngừng xảy ra. Nhức nhối nhất là tình trạng vi phạm Luật giao thông diễn ra khá phổ biến: chạy lấn tuyến, vượt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ cho phép, điều khiển xe trong tình trạng say bia, rượu hoặc không có giấy phép lái xe… Tất cả đều làm nên tình trạng kẹt xe càng căng thẳng.
Chưa hết hãi hùng bởi nạn kẹt xe, người dân đô thị còn hàng ngày giờ khiếp đảm bởi nạn ô nhiễm môi trường gia tăng mạnh.
Theo GS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội bảo vệ môi trường Việt Nam, trung bình từ năm 2008 đến năm 2014 ở nước ta tăng khoảng 281.200 tấn/năm (phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật). Trong khi đó, cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 40-50% hàm lượng các chất trong phân bón.
Như vậy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể ngấm vào môi trường từ 192.500 tấn -> 240.600 tấn/năm. Ngành chăn nuôi bình quân mỗi năm thải ra khoảng 84,5 triệu tấn chất thải. Mỗi năm lượng thức ăn cần cho nuôi trồng thủy sản khoảng 4,4 triệu tấn, sẽ thải vào môi trường ít nhất 30%, bằng khoảng 1,32 triệu tấn/năm không được xử lý.
Tại các đô thị, khí thải do kẹt xe, bụi bặm từ các công trường xây dựng, khí thải từ các KCN còn gây thảm họa ô nhiễm không khí nghiệm trọng. Khoảng 12,3% dân số nước ta đang nhiễm bệnh viêm mũi dị ứng vì ô nhiễm không khí, trong đó đa số bệnh nhân là cư dân đô thị. Ô nhiễm benzen và SO2 trong không khí ở TP HCM và Hà Nội hiện đã ở mức báo động đỏ, đứng đầu Châu Á về ô nhiễm bụi.
Theo Ủy ban Khoa học – Công nghệ & Môi trường của Quốc hội: Tỷ lệ các khu công nghiệp – cụm công nghiệp (KCN – CCN) cả nước có hệ thống xử lý nước thải tập trung rất thấp, có nơi chỉ đạt 15-20% như Bà Rịa Vũng Tàu. Đến nay mới có khoảng 60 KCN – CCN có trạm xử lý nước thải tập trung (chiếm 20% KCN đang xây dựng và trên 40% KCN – CCN đang hoạt động).
Trên thực tế, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Bình Hưng ở TP HCM có tổng công suốt 171.000m3/ngày đêm, cũng chỉ xử lý được 13% lượng nước thải toàn TP HCM.
Bình quân mỗi ngày, các KCN – CCN cả nước thải ra hơn 32.000 tấn chất thải rắn – lỏng – khí độc hại. Tất nhiên Hà Nội, TP HCM là trung tâm lớn nhất của 2 Vùng đô thị trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp, sẽ là 2 nơi gánh chịu nặng nề nhất sự ô nhiễm này. Trong khoảng 35 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày ở ta hiện nay, riêng TP HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3…
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế cho rằng: Trong 10 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần – thậm chí có thể tăng 4-5 lần. Cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường (nhất là tại các đô thị) làm mất đi 3% GDP. Đây là cảnh báo chúng ta phải đặc biệt quan tâm,Kỳ II: Lối thoát để cất cánh