Ngọn lửa vùng cao

GD&TĐ - Xin phép được gọi chị bằng tiếng "chị" gần gũi và thân thiện như chính con người chị. Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non Suối Giàng xã Suối Giàng huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.

Ngọn lửa vùng cao

Vào thời điểm đó, cuối năm 2012 khi mới về trường công tác thì chị cũng vừa về làm quản lý trường được 2 tháng. Ấn tượng đầu tiên về chị là nụ cười gần gũi mà thân thiện, khác xa so với những căn phòng khang trang của các quản lý thị thành nơi làm việc của chị gói gọn trong góc nhỏ vừa đủ kê 1 chiếc bàn làm việc.

6 năm làm quản lý tại trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, chị luôn cố gắng từng chút từng chút một để mang lại những thay đổi cho trường, cho học sinh, để rồi nhìn lại ngôi trường vùng cao với những thay đổi đáng kể.

Đó là những tháng ngày chị không ngại ngần đi kêu gọi các cơ quan đoàn thể, các dự án, các nhà hảo tâm...cùng chung tay xóa nhà học tạm, 3 lớp học mới được xây dựng, các con không còn phải ngồi học trong lớp học tạm vách gỗ liêu xiêu, không còn phải ngồi học tạm trong các lớp học nhờ nhà văn hóa của thôn với những cơn gió lọt qua khe hở của vách đất lạnh đến tê người.

 

Trường nằm bên sườn đồi với tả ly bằng đất bị sạt lở sau mưa, lo ngại đất sạt sẽ lấy mất sân chơi của các con, chị lại không ngần ngại gõ cửa những nhà hảo tâm để xin xi măng và đá xây dựng bờ kè. Chị cũng kết nối với các trường tại thành thị để được tận dụng những đồ chơi cũ và kêu gọi phụ huynh cùng chung tay sơn sửa lại cho mới để có thêm nhiều đồ chơi, sập ngủ cho các con.

Đối với chuyên môn, chị nghiên cứu và thực hiện sáng kiến thay đổi phương pháp sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Từ đó chuyên môn của giáo viên được nâng cao, Chị không ngừng khuyến khích giáo viên tìm tòi, học hỏi, sáng tạo phát huy những thế mạnh về chuyên môn, động viên giáo viên tham gia hội thi cấp cụm cấp huyện và đạt thành tích cao.

Là trường vùng cao, do điều kiện kinh tế khó khăn, do nếp sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, tỉ lệ học sinh thấp còi khá cao, chị luôn đau đáu trong lòng phải làm sao để cải thiện tỉ lệ thấp còi cho trẻ, sau những lần kết nối, vấn đề đầu tiên chị đặt ra là vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, hàng ngày các con được uống sữa đã giúp cải thiện tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.

Chị luôn gần gũi, thân thiện với giáo viên, ngoài việc chăm lo cho trường cho lớp, cho học sinh, chị cũng luôn luôn chăm lo cho đời sống giáo viên, luôn gần gũi quan tâm đến giáo viên như những người thân ruột thịt.

Chúng ta có thể đi rất nhiều nơi, chúng ta có thể gặp rất nhiều các cán bộ quản lý có sự nhiệt huyết, đam mê với nghề, nhưng có lẽ chúng ta sẽ ít nhìn thấy hình một cán bộ quản lý chân đi ủng cùng dân kéo lại cái cây bị đất sạt làm cho đổ rạp, chúng ta sẽ rất khó có thể nhìn thấy hình ảnh cán bộ quản lý tay cầm dao xây, cầm xẻng đảo vữa để cùng giáo viên tạo không gian chơi cho trẻ.

Mong chị giống như ngọn đuốc đêm ở Nghĩa Lộ, luôn sáng mãi mang lại hơi ấm cho vùng cao.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.