Họa sĩ Đỗ Quang Em, một bậc thầy về ánh sáng và bóng tối trong hội họa. Từ ngọn đèn dầu ngoài đời, ông đưa ánh sáng làm soi tỏ những góc khuất nghệ thuật. Với nghệ sĩ hài Giang còi, tiếng cười chân thành mà anh đem đến giống như “dòng nước mát” tưới tắm cho cuộc sống đầy rẫy những bộn bề và nỗi buồn đan xen.
Người được Tổng thống Mỹ nhắc tới
Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1965 và trở thành họa sĩ theo phong cách cực thực, nhưng có lẽ thuộc vài người đầu tiên thành công nhất. Từ 1973 – 1974, ông tham gia giảng dạy hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
Họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đỗ Quang Em là một trong những họa sĩ đặt nền móng quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống lớn cho giới nghệ sĩ miền Nam.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng: “Đỗ Quang Em là người “trăm phần trăm chỉ biết vợ biết con mình”. Tranh của ông thường được chú trọng về xếp đặt ánh sáng. Hai đề tài ông vẽ nhiều nhất là tĩnh vật, thường là chén ấm trà và chân dung phụ nữ, thường là chân dung vợ ông”.
Dù là một nghệ sĩ sống và sáng tác rất âm thầm, lặng lẽ nhưng vào năm 1995, Đỗ Quang Em khiến giới hội hoạ xôn xao với bức tranh tĩnh vật vẽ ấm và tách trà, được bán giá 50.000 USD tại phòng tranh Galerie La Vong ở Hồng Kông.
Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam, đã nhắc đến việc họa sĩ Đỗ Quang Em cũng như tranh của ông.
Tranh của ông được giới sưu tập quốc tế ưa thích, tập trung vào những chủ đề đơn giản như bộ chén ấm trà, đồ dùng dân dã trong đời sống sinh hoạt và chân dung phụ nữ - vợ ông.
“Thành công của ông được nhiều đồng nghiệp nể trọng, nhiều nhà phê bình đề cao, được thị trường chào đón từ rất sớm. Quan trọng hơn, Đỗ Quang Em kiên định và vui với chọn lựa của mình.
Ông từng nói: “Tôi vẽ chân phương và chân thật, như những gì đã được học, nên khi được mua, được thích thì thấy rất vui. Bán tranh nghĩa là không còn tranh ở nhà, vậy là phải tìm tứ để vẽ bức khác, người mua gián tiếp giúp tôi tìm tứ mới”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay.
Đúng như cách sống của mình, thế giới nghệ thuật mà hoạ sĩ Đỗ Quang Em tạo ra dù rực sáng long lanh nhưng không hào nhoáng, không xa lạ. Ông định vị các nhân vật, đồ vật… qua những cái bóng của ánh sáng và bóng tối qua ngọn đèn dầu.
Các nhà phê bình mỹ thuật nhận ra rằng, Đỗ Quang Em sinh ra trong một gia đình làm nghề nhiếp ảnh. Ông được tiếp xúc với các kỹ thuật sáng - tối của nghệ thuật này nên phần nào chịu ảnh hưởng.
Có lẽ vì thế mà ông trở thành bậc thầy chơi đùa cùng ánh sáng và bóng tối. Nguồn sáng trong tranh của ông thường xuất phát từ một ngọn đèn dầu. Trong cái leo lắt của ngọn bấc, ông phô diễn tâm tình và tài nghệ để làm nổi bật nhân vật cũng như những dụng ý từ sâu thẳm tâm hồn con người.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi, khẳng định: Đỗ Quang Em trở thành một tên tuổi có dấu ấn lâu dài của hội họa miền Nam. Tranh của ông hiện không dễ tìm kiếm trên thị trường, nên đã xuất hiện không ít tranh giả và tranh nhái. Tuy nhiên, ông lại có “suy nghĩ ngược” khi cho rằng “mình có hay, người ta mới chép”.
Cười cả khi mắc trọng bệnh
Vài tiếng sau khi họa sĩ Quang Em ra đi, công chúng lại nghe tin nghệ sĩ hài Giang còi qua đời sau thời gian điều trị ung thư. Điểm chung của hai nghệ sĩ già – trẻ ở hai đầu Nam – Bắc đó là sự chân thật trong lối sống cũng như trong hoạt động nghệ thuật.
Nghệ sĩ Giang còi tên thật là Lê Hồng Giang, sinh năm 1962 ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, học cùng lớp với những nghệ sĩ nổi tiếng như: Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh…
Trước khi chuyên tâm vào diễn hài, Hồng Giang từng tham gia nhiều vào các bộ phim với vai trò diễn viên trong các bộ phim: Khi đàn chim trở về, Cựu chiến binh, Chuyện vặt gia đình, Chuyện đời thường, Cảnh sát hình sự...
Tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của VTV, mặc dù không sở hữu ngoại hình nổi bật nhưng với tài năng và lối diễn rất thật, anh đã chinh phục công chúng và tạo nên thương hiệu Giang còi.
Bên cạnh những vai hài, anh cũng tham gia dự án phim dài hơi. Trong phim “Cung đường trắng” dài 30 tập, Lê Hồng Giang vào vai trưởng công an xã ở vùng sâu, vùng xa, rất yêu thương, lo lắng cho dân nhưng vì trình độ hạn hẹp nên để lọt lưới nhiều vụ án.
Hay như bộ phim “Cao hơn bầu trời” dài 45 tập, Hồng Giang thủ vai một người thợ may, cả Hà Nội đi sơ tán nhưng ông nhất định ở lại vì quá yêu Hà Nội.
Nghệ sĩ Lê Hồng Giang phát hiện mắc ung thư hạ họng, khi bệnh đã ở giai đoạn ba. Khi đó, bác sĩ nói khối u của anh đã di căn, chỉ còn sống được khoảng hai năm nên anh từ chối điều trị bằng hóa chất.
Những ngày cuối đời, nghệ sĩ điều trị ở Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh tình trở nặng. Anh ăn, ngủ kém, khó thở, phải dùng ống truyền dịch nhưng giữ tinh thần tích cực. Ngoài ung thư, anh còn mắc nhiều bệnh nền như xơ gan, xuất huyết dạ dày.
Diễn viên Hồng Giang có 4 người con, với 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thời gian biết mình bị trọng bệnh, anh vẫn sống lạc quan, vui thú điền viên chăm sóc vườn tược. Anh thường xuyên chia sẻ những thú vui dân dã như trồng rau và nuôi ong lấy mật cùng cộng đồng mạng.