Họa sỹ Lê Thánh Thư
Vào ngày 15/7 vừa qua, sau khi đi xét nghiệm, họa sĩ Lê Thánh Thư đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, ông được đưa vào bệnh viện để chữa trị. Tới sáng ngày 16/7, hoạ sỹ đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 65 trong sự thương tiếc của gia đình và đồng nghiệp.
Họa sĩ Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn (Bình Định) nhưng sinh sống tại TP Hồ Chí Minh từ lâu. Trước đây, ông từng là một nhà thơ. Từ năm 1982, bằng con đường tự học, ông rất kiên trì trong việc tiếp cận lĩnh vực hội hoạ cũng như có nhiều khát khao trong việc đổi mới thơ và hội họa.
Từ triển lãm đầu tiên vào năm 1989, tính tới nay họa sĩ Lê Thánh Thư đã có 10 triển lãm cá nhân và hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam và trên thế giới.
Lê Thánh Thư cũng được nhiều giải thưởng mỹ thuật, các tác phẩm của ông cũng được nhiều nhà sưu tập tư nhân tìm mua cũng như được trưng bày ở các bảo tàng quốc gia trong và ngoài nước.
Rocker Trung Thành Sago
Vào ngày 18/7 vừa qua, rocker Trung Thành Sago (tên thật Nguyễn Thái Thành) của ban nhạc SagoMetal đã qua đời vì Covid-19 ở tuổi 65 tại khu cách ly của một bệnh viện dã chiến ở quận Thủ Đức và đã được đưa đi hỏa táng sau đó.
Rocker Trung Thành Sago có bệnh nền cao huyết áp. Hôm 6/7, ông nhập viện vì dương tính với Covid-19.
Sáng ngày 21/7, em trai ông Thành đã tới nhận tro cốt của anh. Lúc đó, gia đình mới chính thức thông báo trên mạng xã hội cho bạn bè gần xa được biết.
Sự ra đi của ông để lại nỗi niềm tiếc thương đối với gia đình, người hâm mộ và bạn bè trong, ngoài nước. Nhiều người bất ngờ khi nghe tin dữ về ông.
Trung Thành Sago là một trong những rocker kỳ cựu của làng rock tại Sài Gòn. Anh bắt đầu chơi rock từ năm 1972 khi còn đi học trường cấp 3. Sau ngày đất nước thống nhất, do hoàn cảnh dù phải nghỉ chơi nhưng khi có điều kiện, Trung Thành Sago lại tìm đến với rock. Anh có nhiều năm gắn bó với cộng đồng nhạc rock tại TP Hồ Chí Minh.
Nghệ sỹ Kim Phượng
Trưa ngày 25/7 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8 (TP Hồ Chí Minh), Kim Phượng – nghệ sĩ cải lượng gao cội đã qua đời ở tuổi 66 trong niềm tiếc thương, xót xa của gia đình, anh chị em, bạn bè đồng nghiệp.
Được biết, một ngày trước, nghệ sĩ Kim Phượng được người nhà đưa vào nhập viện điều trị vì khó thở, sốt. Sáng 25/7, nữ nghệ sĩ phải thở bằng máy và sức khỏe nguy kịch.
Tại đây, bà được cho làm xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19. Do nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường,... nghệ sĩ Kim Phượng đã không qua khỏi.
Do dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh căng thẳng, gia đình không tổ chức tang lễ cho nghệ sĩ Kim Phượng. Linh cữu của bà đã được hỏa táng, gia đình đang chờ nhận tro cốt từ bệnh viện, qua đợt dịch bệnh sẽ tổ chức lễ cầu siêu.
Nghệ sĩ Kim Phượng sinh năm 1955, là nghệ sĩ cải lương gạo cội. Ban đầu, bà là diễn viên múa, sau chuyển hướng sang cải lương, được các "cây đa cây đề" như Nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi, Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, Nghệ sĩ nhân dân Năm Đồ... dạy nghề.
Nghệ sĩ Kim Phượng hiện cộng tác tại đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Bà có nhiều vai diễn trên sân khấu cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, cùng với các chị ruột là: Nghệ sĩ Bạch Mai, Phượng Nga và em gái là Nghệ sĩ Bạch Lan, trở thành 4 cô đào duyên dáng, tài năng của thương hiệu Huỳnh Long.
Trong nghề, nghệ sĩ Kim Phượng được giới cải lương kính nể vì luôn giúp đỡ người khác. Bà đặc biệt quan tâm đến các nghệ sĩ nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tai nạn.
"Do tình tình dịch bệnh căng thẳng, không thể có một tang lễ đàng hoàng, tử tế như chị đã từng chăm lo cho những đám tang nghệ sĩ quá cố", đạo diễn Thanh Hiệp ngậm ngùi.
Kim Phượng từng kết hôn với ông Tám Anh - một chủ nhiệm hãng phim. Chồng mất, bà ở vậy suốt 24 năm, dành thời gian giúp đỡ người khác.
Nghệ sĩ ưu tú Khải Hoàn
Rạng sáng ngày 31/7, Nghệ sĩ ưu tú Khải Hoàn đã qua đời ở tuổi 68 tại bệnh viện sau 3 tuần điều trị Covid-19.
Sự ra đi đột ngột của Nghệ sĩ ưu tú Khải Hoàn đã để lại niềm đau xót cho nhiều người, đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương.
Theo gia đình Nghệ sĩ ưu tú Khải Hoàn chia sẻ, nam nghệ sĩ nhập viện điều trị tại bệnh viện ở quận 8 sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, ông được chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhưng sức khỏe không có chuyển biến tích cực. Trước đó, Nghệ sĩ ưu tú Khải Hoàn đã có bệnh nền là đau dạ dày.
Nhạc sĩ Khải Hoàn tên đầy đủ là Nguyễn Khải Hoàn, ông sinh năm 1953 tại Cần Thơ. Nam nghệ sĩ lớn lên trong một gia đình cách mạng có ông nội là liệt sĩ, cha là cán bộ nghỉ hưu. Khải Hoàn mắc bệnh đậu mùa năm 4 tuổi và từ đây mất đi ánh sáng vĩnh viễn.
Ông theo đuổi con đường nghệ thuật từ khi còn rất trẻ và đã sớm thành danh, trở thành gương mặt gạo cội ở sân khấu cải lương Nam Bộ. Sau năm 1975, Nguyễn Khải Hoài trở thành nhạc sĩ khiếm thị duy nhất của sân khấu cải lương phía Nam được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đề nghị Nhà nước xét phong tặng Nghệ sĩ ưu tú lúc bấy giờ.
Nhiều vở diễn do nhạc sĩ Khải Hoàn làm chỉ huy dàn nhạc đã thành công tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giành nhiều huy chương vàng, bạc. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2019.
Hiện tại, Khải Hoàn đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, dù đã có tuổi nhưng vào thời gian rảnh rỗi ông sẽ cùng các đồng nghiệp cũ ôn lại chuyện xưa cùng nhau tham gia nhiều đợt biểu diễn từ thiện hay các phong trào đờn ca tài tử để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Trong thời gian qua, làng giải trí Việt còn đau xót khi hay tin nam diễn viên, người mẫu trẻ Đức Long qua đời vì viêm phổi cấp, ca sĩ Phi Hải cũng qua đời sau hơn 1 tuần có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở hay cây gạo cội của màn ảnh Việt - Nghệ sĩ Hữu Thành qua đời do tuổi cao sức yếu.
Ca sỹ Phi Hải
Vào chiều ngày 30/7, ca sỹ Phi Hải cũng qua đời tại nhà riêng ở quận 5. Theo người nhà, Phi Hải đã bị mệt khoảng hơn 1 tuần với những triệu chứng như ho, sốt và khó thở. Tuy nhiên, nam ca sỹ đã lựa chọn tự điều trị tại nhà nhưng không qua khỏi, hưởng dương 50 tuổi.
Phi Hải sinh năm 1971, là ca sĩ quen thuộc tại các phòng trà lớn nhỏ tại TP Hồ Chí Minh. Anh được khán giả yêu thích bởi giọng hát sâu lắng, truyền cảm.
Anh kết hôn cùng ca sĩ Hương Giang và có chung một người con. Cả hai từng trải qua đổ vỡ tình cảm nên thông cảm, thấu hiểu nhau.
Trong chương trình Mảnh ghép hoàn hảo, Phi Hải cho biết cuộc hôn nhân của cả hai trải qua nhiều sóng gió. Có thời điểm, anh và cô từng nghĩ đến việc ly hôn. Tuy nhiên, hai vợ chồng đã quyết định thay đổi để níu kéo hạnh phúc gia đình.
Người mẫu, diễn viên Đức Long qua đời vì viêm phổi cấp
Theo thông tin từ bạn bè, người thân... người mẫu, diễn viên Đức Long đã qua đời lúc 20h ngày 6/7, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Trước đó, thông tin nam diễn viên bị bệnh nặng, phải điều trị hồi sức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, bạn bè, anh chị em nghệ sĩ.
Tang lễ của diễn viên Đức Long diễn ra tại Vãng sanh đường thuộc chùa Vĩnh Nghiêm, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Do tình hình dịch bệnh tại TP đang diễn biến khá phức tạp nên gia đình cố diễn viên Đức Long đã cẩn trọng hết mức có thể.
Đức Long (tên đầy đủ là Phạm Đức Long) sinh năm 1988, từng tham gia cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2011. Phạm Đức Long là người mẫu và diễn viên truyền hình tại TP Hồ Chí Minh. Anh từng học chung lớp với Vân Trang, Kiều Minh Tuấn. Anh gắn bó với Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh với nhiều vai diễn được khán giả yêu mến.
Nam diễn viên từng góp mặt trong các bộ phim như: Gia đình hết sảy, Tiếng đàn kìm, Con gái chị Hằng, Mẹ hổ dạy con dâu, Like - thời trang - tình yêu - khăn rằn.
Nghệ sĩ Hữu Thành qua đời do tuổi cao sức yếu
Chiều 1/8, thông tin nghệ sĩ Hữu Thành qua đời do tuổi cao sức yếu đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Gia đình nghệ sĩ Hữu Thành cho biết sức khoẻ của nghệ sĩ Hữu Thành chuyển biến xấu từ đầu năm, bắt đầu không ăn được nhiều vào cuối tháng trước. Ông qua đời vào 13h57 phút ngày 1/8 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi.
Thi hài của nghệ sĩ Hữu Thành được đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) vào trưa 2/8.
Nghệ sĩ Hữu Thành sinh năm 1933, quê Bình Dương. Ông mê đờn ca từ năm 10 tuổi và sớm bỏ nhà để theo đoàn Thái Bình.
40 năm gắn bó với nghề, ông được bầu làm Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật Hậu Giang 2 nhưng cũng không trụ được lâu. Năm 1990, ông về Sài Gòn và bước vào lĩnh vực điện ảnh.
Hữu Thành cùng thời các diễn viên Mai Thành, cố nghệ sĩ Hồ Kiểng, là diễn viên gạo cội của màn ảnh Việt.
Ông tham gia hơn 116 phim, là một trong những nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ nhất màn ảnh Việt, trong đó chiếm đa số là các vai cụ ông với phong cách hiền lành, điềm đạm, chất phác… để lại ấn tượng với khán giả qua các tác phẩm như: Dấu chân du mục, Mùa len trâu, Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Lệch pha...
Trong chương trình Gõ cửa thăm nhà, ông tâm sự: "Đóng phim là cái nghiệp của Tổ cho nên mình phải đi. Cái nghiệp mình nên sống ở sân khấu mà chết cũng ở sân khấu. Dù có là vai diễn quần chúng thì mình cũng phải làm, miễn nói một câu rồi mình ngã ra chết cũng được”.