Nhớ ngày xưa, khi các con còn nhỏ, hay giành nhau vài món đồ chơi tự chế, nhưng vẫn biết nhường nhịn, để phần cho nhau khúc mía, củ khoai. Chị Hai con đi học xa, các em ngày nào cũng nhắc nhớ. Rồi anh Ba con theo xe tải chở hàng đường dài, vất vả đủ điều, nhưng lúc về đều không quên mang quà bánh cho cả nhà… Con là út, được ưu tiên học hành. Thế nhưng, cuộc sống chưa mỉm cười với con, con vẫn còn long đong, lại sớm gồng gánh thêm vợ con bé mọn…
Mẹ thương con không hết nữa là hắt hủi. Mẹ buồn lắm, khi hôm trước, con từng than thở bâng quơ rằng, muốn gởi bé Su cho bà nội trông dùm, mà cũng ngại. Phải chi dư dả như người ta, thì dễ quá… Mẹ biết con ghim gút cái ý nghĩ, mẹ không thương chiều bé Su, đơn giản chỉ vì vợ chồng con nghèo. Sao con không nhìn xa hơn, chẳng phải mẹ đã âm thầm đóng tiền cho bé Su đi học ở trường mầm non, vì muốn cháu được nuôi dạy chu đáo như những đứa trẻ cùng trang lứa, chứ không thui thủi ra vô với bà trong nhà?
Bao giờ thì con mới hiểu ra, chính cái mặc cảm tự ti vớ vẩn ấy đã làm tình cảm anh chị em trong nhà trở nên mất vui, hay xích mích? Con nhạy cảm quá chăng? Hay chính con đã tự cô lập mình bởi cách nghĩ có phần “gieo tiếng ác” cho mọi người như thế? Mẹ luôn tránh để con phải tủi thân, khó xử. Mẹ luôn dành nhiều ưu ái cho con nhất, từ lời ăn tiếng nói dịu dàng cho tới chút thức ăn ngon bổ, bởi biết cuộc sống của con vẫn còn chịu nhiều thiếu thốn so với anh chị em khác, nhưng hình như con cũng chưa từng một lần ghi nhận tấm lòng của mẹ…
Mẹ không muốn trở thành “quan tòa” bất đắc dĩ, phân xử những vụt vặt kiểu ấy. Mẹ càng thấy sợ khi nghe con bảo rằng, mẹ thương ai nhiều nhất thì người ấy có bổn phận mà “trả hiếu” cho mẹ. Thật đáng buồn khi lẽ ra mẹ có thể an hưởng bên con cháu, thì lại phải đắn đo, suy tính làm sao để các con được vừa lòng. Lẽ nào khi con cái đã lớn khôn, bắt đầu biết chăm chút cho cái tổ ấm riêng tư của mình, thì mẹ bỗng dưng trở nên thiếu công bằng, không còn biết cách yêu thương, cư xử với các con nữa, thật sao?
Cha mẹ nào thấy con vất vả lại chẳng thương, chỉ giận mình không thể đỡ đần cho con nhiều hơn. Có chút thiên vị đứa khổ cực hơn cũng là bình thường. Anh chị đã chẳng nói gì, nhưng con thì lại cho rằng, mẹ “coi thường” vì con không có của ăn của để, mẹ ghét bỏ bé Su chỉ vì con không có nhiều tiền để thường xuyên biếu mẹ. Con nỡ quy kết mẹ cái tội “chỉ thích chơi với nhà giàu”, “chỉ cưng nựng con của người ta” “đi chợ chỉ hỏi người ra nhiều tiền thích ăn món gì” thì mẹ có đau lòng hay không đây…
Mới hôm nào đây thôi, mẹ vui biết bao nhiêu khi con cái quây quần, hòa thuận. Tưởng rằng, khi các con khôn lớn, có thể tự kiếm sống, yên bề vợ con, thì cảnh nhà càng thêm ấm cúng. Ai ngờ đâu, con phân bì rằng, sao mẹ có vẻ thương chị dâu hơn vợ con vậy? Mẹ đừng… bất công như thế, dâu con nó tủi thân, so bì… Ôi, mẹ đã làm gì không đúng, khi gắp miếng đồ ăn cho đứa con dâu này mà quên gắp cho đứa kia. Có khi đơn giản vậy, mà cũng bị con cái lỗi phải, chấp nhặt…
Mẹ mệt mỏi lắm khi phải là người đứng giữa. Cảm giác rằng, không phải các con sợ mất đi tình thương yêu của mẹ, muốn được mẹ quan tâm nhiều hơn, mà chính các con đang hơn thua, cấu xé lẫn nhau trong ngấm ngầm nhỏ mọn. Rồi thì tại sao mẹ mua dây cột tóc cho bé Su mà không cho hai đứa cháu ngoại đồ chơi mới? Những bắt bẻ “sòng phẳng” kiểu ấy làm mẹ lúng túng. Lẽ nào, ruột thịt với nhau, mà chỉ để sống chung thôi, cũng đã khó khăn đến mức này?
Nếu con biết rằng, đêm qua mẹ mất ngủ… Mẹ không thể ngờ là con có thể nuôi trong lòng những suy nghĩ lệch lạc đến vậy. Mẹ đã vô tình làm gì sai, hoặc đối xử các con không đồng đều ư? Hay chính cách mẹ thể hiện tình yêu thương đã làm cho con hiểu lầm như thế? Mẹ thật không biết nữa. Một người đàn bà cả đời không đi làm, chưa từng trực tiếp kiếm ra đồng tiền nào như mẹ, biết làm sao đây để các con hiểu rằng, dù bàn tay ngón dài ngón ngắn, nhưng đứa nào cũng là con mẹ rứt ruột đẻ ra…