Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 19/10/2015, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.000 - 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là thực trạng nghiêm trọng và là nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, tai nạn ô tô khách xảy ra do người điều khiển mất kiểm soát, ý thức tuân thủ luật giao thông kém. Gần đây nhất là vụ tai nạn xe khách tại đèo Prenn, tỉnh Lâm Đồng khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Khi tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, việc trang bị những kĩ năng sinh tồn, chuẩn bị tâm lý trước, trong và sau khi tình huống nguy hiểm, khẩn cấp sẽ phần nào giúp hạn chế thương vong.
Chọn mặt gửi vàng: Chọn hãng xe uy tín
Chọn hãng xe uy tín để có phương tiện vẫn trong tình trạng tốt, được trang bị các thiết bị an toàn, cứu hộ, chở đúng số khách quy định. Ngoài ra, với các chuyến đi đường dài, các hãng xe uy tín luôn bố trí 2 đến 3 tài xế thay phiên cầm lái.
Tai nạn giao thông dễ gây tử vong...
Tư thế an toàn khi xe gặp nạn: hai chân co sát bụng, cúi đầu càng thấp càng tốt
Khi có va chạm, hãy gắn chặt mình vào ghế trong tư thế cuộn tròn, hai chân co sát bụng, cúi đầu càng thấp càng tốt, hai bàn tay đan chéo ôm đầu tạo thành khối chặt.
Nếu bế theo trẻ nhỏ, một tay ôm trẻ, một tay ôm đầu và cúi thấp xuống.
Tận dụng vật dụng mềm có sẵn để bảo vệ vùng đầu và cổ
Nếu có thể, hãy dùng các vật dụng mềm có sẵn trên xe như gối, chăn, quần áo, khăn để quấn quanh vùng cổ và đầu. Việc này sẽ giúp giảm khả năng chấn thương khi va chạm xảy ra, từ đó tăng cơ hội sống sót.
Đối với ghế tài xế, nên trang bị gối tựa đầu đặt tại vị trí đúng giữa tai và đỉnh đầu sẽ giúp hạn chế tổn thương ở vùng cổ, vai, gáy.
Vị trí ngồi an toàn giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ bị chấn thương
Khi đi ô tô, việc chọn vị trí ngồi an toàn cũng là yếu tố quyết định giúp hành khách giảm thiểu tối đa nguy cơ và mức độ bị chấn thương nếu không may xảy ra tai nạn.
Đối với xe khách, vị trí ngồi an toàn nhất là ở giữa xe, gần cửa lên xuống. Ở vị trí này hành khách sẽ không bị tác động quá lớn khi xe gặp tai nạn, và có nhiều cơ hội thoát hiểm hơn bởi đội cứu hộ sẽ cố gắng tiếp cận khu vực cửa chính trước tiên.
Ghế sát cửa sổ là vị trí nguy hiểm nhất bởi dễ bị thương tích từ mảnh kính vỡ, bị người khác đè lên, khó thoát ra ngoài khi có va chạm. Những người đứng trên xe có nguy cơ gặp chấn thương cao nhất do khó giữ thăng bằng và dễ bị lao về phía trước khi xe phanh gấp.
... hoặc sang chấn suốt đời
Đối với xe con, vị trí an toàn nhất là chính giữa ghế sau, nguy cơ chấn thương tại vị trí này nhẹ hơn 60% so với vị trí bên cạnh do không chịu tác động mạnh nếu gặp va chạm.
Vị trí ngồi nguy hiểm nhất là ghế trước, cạnh ghế lái. Người ngồi vị trí này có nguy cơ chấn thương nặng khi xe bị đâm trực diện và phía bên phải, nếu bị va chạm mạnh từ phía sau mà không thắt dây an toàn có thể bị lao về phía trước.
Thắt dây an toàn đúng cách khiến tỉ lệ thương vong giảm nhiều
Dây an toàn được thiết kế đặc biệt giúp lái xe cũng như hành khách đảm bảo nguyên tắc an toàn đầu tiên là gắn chặt người vào ghế theo đúng tiêu chuẩn.
Do đó, khi bước lên xe, việc quan trọng cần thực hiện ngay sau khi ổn định chỗ ngồi là cài dây an toàn bất kể là xe ghế ngồi hay giường nằm.
Không nên ngả ghế về phía sau quá nhiều
Người ngồi trên ô tô nên có tư thế phù hợp, không nên ngả ghế về phía sau quá nhiều. Ngoài ra, không nên để các vật dụng bằng thủy tinh, vật nặng, vật nhọn quanh khu vực ngồi bởi chúng dễ gây tổn thương nếu có va chạm hoặc xe phanh gấp.
Quan sát nơi để các vật dụng cứu hộ
Khi lên xe, hãy dành ít phút quan sát nơi để các vật dụng cứu hộ như búa thoát hiểm, bình cứu hỏa. Rất nhiều trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính thì buộc phải phá vỡ cửa sổ.
Nếu có búa thoát hiểm sẽ dễ dàng phá kính, nếu không có hãy dùng các vật dụng cứng thay thế như bình cứu hỏa.