Ngôi trường triết gia Trần Đức Thảo từng học ở Paris

GD&TĐ - Thông thường khi du lịch, ít ai ghé thăm trường học. Đến Paris, khách thường đảo nhanh đến tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà.

Lối lên của phần được giữ làm bảo tàng, từng là tu viện xưa.
Lối lên của phần được giữ làm bảo tàng, từng là tu viện xưa.

Pháp là cường quốc văn hóa của thế giới. Mọi góc phố, mọi con đường của thủ đô Ánh sáng đều có thể là điểm du lịch hấp dẫn. Ai sống lâu ở Paris, cũng chưa có dịp khám phá hết Paris. Ở đây, trường cũng là danh lam thắng cảnh. Việc bảo tồn di tích trong trường học đòi hỏi sự quan tâm của Tòa Thị chính và ban lãnh đạo trường. 

Nhân lần đi lấy bản thảo của triết gia Trần Đức Thảo (1917 - 1993, quê Từ Sơn, Bắc Ninh) ở Paris do một người Pháp trao lại tại ngôi trường trung học và dự bị đại học Henri IV giữa trung tâm Paris hoa lệ, tôi mới được thăm ngôi trường này. Trường nằm ngay gần đại học nổi tiếng lâu đời Sorbonne.

Trường đào tạo dự bị đại học từ 2 - 3 năm để chuẩn bị thi vào các trường hàng đầu của Pháp  như: Sư phạm, Bách khoa, Y Dược… Học sinh giỏi các nơi mới được tuyển vào học dự bị ở đây. Nhà triết học Trần Đức Thảo từng học dự bị ở trường này. Ông đậu xuất sắc vào Đại học Sư phạm Paris.

Ngôi trường nằm ở quận 5, khu phố Latinh. Xưa khu vực này thuộc lãnh vực nhà thờ, tất cả dạy - nói tiếng Latinh nên gọi là khu Latinh. Các trường học tại đây đều nằm trong khuôn viên tu viện, nhà thờ, các đại học Paris I - Panthéon Sorbonne, Paris II - Panthéon Assas. Nhiều tòa nhà đều được xếp hạng di tích văn hóa. Thư viện mang tên quả đồi và tòa thị chính của quận đều ở đây. Thời xưa, nhà thờ muốn biến tu viện thành ngôi nhà giáo dục dành cho tất cả (Domus Omnibus Una). 

Trường nằm trên đồi Sainte Geneviève, hơn 3.000 học sinh sinh viên (SV) và có ký túc xá cho SV dự bị ở xa. Trước kia, trường dành cho con nhà quý tộc và học sinh xuất sắc. Trường từng mang tên Napoléon, sau đổi thành Henri IV -vị vua bị một kẻ cuồng tín đạo Thiên Chúa giết. Nhiều chính khách, văn sĩ nổi tiếng từng theo học trường này: Guy de Maupassant, Simon Weil, André Gide, Michel Foucault, Patrick Modiano…

Đến nơi đây, khách thấy sự bất ngờ về tầm nhìn sâu xa trong bảo tồn di sản văn hóa của Pháp. Trường học cũng là một điểm du lịch. Nền giáo dục thế tục của Pháp được đặt ra trong các trường công như trường Henri IV. Hai cuộc cách mạng Pháp 1879 và 1848 đã tách Nhà nước khỏi sự ảnh hưởng của nhà thờ. Từ một tu viện cổ biến thành trường công phục vụ tất cả mọi người.

Người Pháp luôn trân trọng di tích cổ: Những mảng tường xưa, di vật. Đặc biệt, thư viện với nhiều sách cổ bằng chữ Latinh để học sinh thấy được giá trị di sản văn hóa và truyền thống giáo dục của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Trường trân trọng bảo tồn khu nhà thờ, nhà làm lễ, tháp chuông, tu viện, hầm rượu... Một phần của trường trở thành bảo tàng lịch sử nhưng không mở cửa hàng ngày cho khách, vì trường học cần sự yên tĩnh và an toàn.

Hàng năm trường chỉ mở cửa 2 ngày vào cuối tuần tháng 9, theo lịch tham quan văn hóa miễn phí trên toàn nước Pháp. Trong hai ngày này, ai yêu di tích lịch sử, không phân biệt giàu nghèo đều được chiêm ngưỡng miễn phí những công  trình văn hóa lớn. 

Phần thưởng cao quý hàng năm dành cho học sinh giỏi của trường là chuyến thăm di tích văn hóa trong trường cùng cha mẹ. Học sinh xuất sắc vinh dự cùng người nuôi dưỡng leo lên tháp chuông cao nhìn khắp Paris.

Từ khung cửa sổ nhìn ra Điện Panthéon nơi các vĩ nhân nước Pháp yên nghỉ cũng trên đồi này. Học sinh bước vào đời mang niềm tự hào từng học ngôi trường nổi tiếng. Thời Covid, mọi bảo tàng, địa điểm văn hóa đều đóng cửa. Tôi may mắn được một bà trong ban lãnh đạo dẫn thăm khắp trường.

Thật sự khâm phục sự trân trọng văn hóa được đào tạo ý thức từ phổ thông, tôi mới hiểu tại sao nhiều cuộc viễn chinh, thực dân Pháp khi ra nước ngoài toàn tìm mọi cách mang về những di tích cổ như cột tháp được Napoléon kỳ công mang từ Ai Cập về đặt giữa quảng trường lớn nhất Paris - Concorde (Quận 8).

Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh và sự xâm lấn ngoại bang, từng là thuộc địa Pháp, vấn đề bảo vệ di sản gần như không ai quan tâm. Tất cả đều dồn về mục đích giải phóng thuộc địa và giành độc lập. Trong bối cảnh thế giới đương thời, bảo vệ văn hóa, bản sắc dân tộc chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Khi có chiến tranh biên giới, tranh chấp lãnh thổ, các nước đều tìm cách dùng các công trình văn hóa xưa trong sử sách để chứng minh chủ quyền lãnh thổ. Đầu tư cho văn hóa cần phải luôn là vấn đề ưu tiên, khuyến khích mạnh mẽ mới bảo tồn được bản sắc quốc gia và bảo vệ biên giới lãnh thổ. Xây dựng những công trình văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và ngôn ngữ là hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách văn minh, hữu hiệu, lịch sự với láng giềng.

Khi Pháp nắm được Đông Dương, chính quyền thuộc địa đã lo xây dựng những công trình không chỉ ở thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng mà ngay cả ở vùng biên giới để khẳng định chủ quyền đối với nước láng giềng vốn nhiều lần muốn thôn tính Việt Nam. Nóc nhà Đông Dương trên đỉnh Falsipan, là một bằng chứng hùng hồn ngày nay trở thành nơi du lịch nổi tiếng khi đến Sapa. 

Ở Pháp, còn có một hội bảo vệ di sản văn hóa, hàng năm tổ chức cho sinh viên và những người yêu di sản văn hóa tự nguyện tham gia bảo tồn di sản. Những cuộc "du lịch công ích" thu hút nhiều sinh viên đặc biệt sinh viên ngành lịch sử, văn hóa, bảo tàng, khảo cổ… Những chuyến đi 2 tuần đến 2 tháng Hè tại một địa điểm di tích đang trùng tu.

Mọi ăn ở, chi phí do địa phương cung cấp, khách du lịch được dạy cách bảo vệ trùng tu di tích. Họ được hướng dẫn và tham gia trực tiếp lau chùi từng cổ vật, viên gạch cũ, tham gia luận bàn ghép hình để phục cổ… Một cuộc du lịch hữu ích và vì văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa luôn là điều trăn trở, chạy đua với thời gian. Những nghi lễ, nhà thờ tổ tiên cắm gốc rễ trong xã hội từ thời xa xưa và đang từ từ thất thoát theo năm tháng do thế giới quan và nhân sinh quan thay đổi, nhất là thời đại khoa học phát triển với tốc độ chóng mặt.

Việc đánh giá một di sản văn hóa hiện hữu như nhà thờ, chùa, đền, những công trình kiến trúc… không đơn giản, cũng gây tranh cãi thì việc đánh giá công trình văn hóa phi vật thể càng khó bấy nhiêu, vì ngoài văn hóa, còn vấn đề thẩm mỹ và giá trị lịch sử. 

Trường Trung học và Đại học Henri IV là một mô hình bảo tồn văn hóa, giáo dục học sinh, sinh viên ngay còn khi cắp sách đến trường. Trân trọng văn hóa, chính là trân trọng ông cha, và khát vọng vươn lên và nối tiếp truyền thống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.