Ngôi trường của những cô cậu học trò… “không giống ai”

GD&TĐ - Có một trường học 365 ngày học tập, giáo viên dường như phải làm việc 24/24 giờ và học sinh là những chàng trai, cô gái cá biệt nghiện game, bỏ học, ham chơi. 

Những nét vẽ đam mê của học sinh Trường Phổ thông Nội trú IVS
Những nét vẽ đam mê của học sinh Trường Phổ thông Nội trú IVS

Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện với nhiều góc khuất, tưởng chừng không lối thoát nhưng đã tìm được hướng đi tươi sáng khi bước chân vào Trường Phổ thông Nội trú IVS (Viện Nghiên cứu Vovinam và thể thao).

Trường là nhà

- Thầy ơi, em đã giành được Huy chương Vàng Giải Vovinam trẻ toàn quốc rồi. Em mừng quá mượn điện thoại báo thầy luôn…

Đó là câu nói xúc động trong chiến thắng của cựu học sinh N.Q.H gọi cho thầy Hiệu trưởng Phạm Quang Long khi kết thúc môn thi đấu.

Nhìn H bây giờ, không thể ngờ khi cậu học trò Hà Nội mới học lớp 7 đã khiến gia đình phải nhiều phen “thót tim” về kết quả học tập cũng như độ “gấu”. Thấy con học tập sa sút, gia đình chiều chuộng thuê 2 gia sư kèm cặp. Những tưởng H sẽ thay đổi, cho đến một ngày, gia sư trẻ không chịu được phải khóc lóc với phụ huynh: Em H không chịu học, thường xuyên bỏ đi chơi game, dọa đánh cô giáo nếu nói với bố mẹ. Học trò gì mà mới 14 tuổi đã có biểu hiện “côn đồ”...

Biết được “hồ sơ của con trai” chị D.T.T mẹ của H suy nghĩ lo lắng nhược cả người. Rồi được bạn bè giới thiệu Trường Phổ thông Nội trú IVS chuyên nhận những học sinh cá biệt, đặc biệt là những học sinh nghiện game để đào tạo, chị và gia đình lập tức đưa con đến xin được nhập học.

Ban đầu, H vẫn giữ thái độ “gấu”, không hợp tác, nhưng dần dà, mưa dầm thấm lâu, để uốn nắn H không chỉ là một thầy một cô mà là các thầy cô trong trường thường xuyên sát sao, nhắc nhở, nhỏ to tâm sự, khơi gợi những ưu điểm sở trường của H, ví như là độ “gấu”, tính “lỳ” nếu biết áp dụng đúng trong võ thuật, trong môn thể thao đối kháng, tuân thủ luật chơi... thì lại là một lợi thế rất lớn. H đã có những thay đổi rõ rệt.

Lấy cá nhân trị tập thể

Học sinh Trường Phổ thông Nội trú IVS trong giờ tập trung
Học sinh Trường Phổ thông Nội trú IVS trong giờ tập trung 

Nói về những học sinh của trường, thầy Hiệu trưởng Phạm Quang Long lúc nào cũng thấy tâm tư, lo nghĩ. Trở về nước sau thời gian dài học tập và làm việc tại Nga, thầy Long mong muốn được gắn bó với giáo dục. Qua tìm hiểu, nắm bắt tình hình học sinh hiện nay, người thầy điềm đạm, thương quý học trò, đã nhiều đêm trăn trở để rồi quyết tâm thành lập ngôi trường “cứu” các em, là nơi để phụ huynh yên tâm gửi gắm những “đứa con bất trị”.

Đặc biệt hơn, khi đã vào trường, cảm nhận đầu tiên của học sinh là nơi đây giống như môi trường quân đội bởi sự biệt lập với môi trường bên ngoài, dịch vụ duy nhất đó là căng tin nhỏ chỉ phục vụ ăn uống nằm trong khuôn viên của trường. Học sinh tuyệt đối không được ra khỏi cổng trường bởi xung quanh đều có tường bao kín và nhiều hàng rào dây thép, muốn “đào ngũ” cũng khó.

Phương pháp mà tập thể giáo viên tâm đắc nhất để rèn luyện học sinh là lấy cá nhân kỉ luật tập thể. Theo đó, mỗi học sinh vi phạm kỉ luật thì giáo viên và cả tập thể lớp phải chịu trách nhiệm. Thầy Long cho rằng, phương pháp này tăng tình đoàn kết và học sinh sẽ có ý thức bảo ban nhau cùng tiến bộ.

Phát triển khả năng đặc biệt của học sinh cá biệt

Theo thầy Phạm Quang Long, nhà trường đặt phương châm: Phát triển khả năng đặc biệt của học sinh cá biệt. Vì vậy, mỗi học sinh sẽ được tìm ra những sở trường, năng khiếu đặc biệt để phát triển. Có học sinh học đàn, hát, MC, có học sinh học Vovinam, bơi lội, học vẽ, học sáng tác… Từ đó, các em không chỉ học văn hóa theo đúng chương trình quy định mà những buổi chiều, buổi tối, học sinh được tập trung học năng khiếu, kỹ năng sống.

5 năm qua, 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, nhiều em đã được tham gia thi đấu trong các đội tuyển thể thao… là những con số ấn tượng động viên tinh thần của những thầy cô âm thầm làm việc không kể ngày đêm.

Rèn giũa học sinh nghiêm khắc rồi thầy cô lại quay đi vội lau những dòng nước mắt khi nghe được những câu chuyện buồn của những học sinh không cảm nhận được hạnh phúc gia đình. Nhiều đêm, có những em đòi về, dọa tự tử ngay tại trường, rồi đánh nhau, khiến các thầy cô khuyên giải, che chở rồi ôm ấp vào lòng ru các em ngủ, canh chừng cho đến sáng khiến bản thân mỗi học sinh sau khi bình tĩnh lại rất thương thầy cô.

N.D.H - Học sinh lớp 11 - xúc động chia sẻ: Ở trường, các thầy cô rất nghiêm khắc nhưng cũng rất thương chúng em. Đặc biệt, em còn nhớ có lần, một bạn lớp 10, trốn về nhà nhằm đe dọa người bố vì ly hôn với mẹ. Thầy Bùi Đức Thao - giáo viên chủ nhiệm kiêm quản nhiệm - đã lặn lội đêm hôm đi tìm, mặc dù vợ thầy ở nhà đang chuẩn bị chuyển dạ. Không bỏ mặc học sinh, cũng không muốn các em rơi vào con đường tội lỗi chỉ vì thiếu suy nghĩ, người giáo viên trẻ không cam tâm ngồi yên chờ đợi, những học sinh còn lại ở nhà cũng không dám ngủ vì thương thầy, lo cho bạn.

Tết đến, nhiều học sinh chọn ở lại trường để rèn luyện. Và vì học sinh, nhiều thầy cô vắng mặt trong đêm giao thừa với gia đình, những giáo viên trẻ không cùng người yêu thong dong trong mỗi ngày Tết mà tình nguyện ở lại với học sinh. Giao thừa ở trường là những chiếc bánh chưng tự gói, những lá thư xúc động… Đêm giao thừa, bài thơ chúc Tết của học sinh vang lên, cũng là khi thầy trò ôm nhau khóc…

Thấm thoắt cũng đã 5 năm thành lập, số lượng học sinh ngày càng đông nên trường đã thành lập thêm một cơ sở ở trong TPHCM để tiện cho học sinh và gia đình không phải lặn lội ra Bắc.

Có một nghịch lý, trường to hơn, mở nhiều cơ sở nhưng thầy Long lại không thấy vui mừng phấn khởi chút nào! Thầy thật lòng tâm sự: Tôi chỉ mong càng ít học sinh đến đây càng tốt, vì như vậy nghĩa là sẽ ít các em nghiện game, cá biệt, như thế xã hội sẽ tốt hơn, nhiều gia đình sẽ yên ấm hơn...

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.