Ngôi trường có 100% bài giảng điện tử:

GD&TĐ - Với tham vọng đưa công nghệ thông tin vào từng lớp học, “số hóa” sách giáo khoa, Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng) đã xây dựng hoàn chỉnh bài giảng điện tử E-learning của ba khối 10, 11, 12 ở cả 11 môn học. 

Ngôi trường có 100% bài giảng điện tử:

Tuy nhiên, BGH nhà trường vẫn có quy định rất rõ ràng cho GV: Mỗi tiết dạy chỉ dành khoảng 20 phút để sử dụng cho phần trình chiếu, thời gian còn lại, GV dạy trên bảng, tương tác trực tiếp với HS. Chính sự kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học của GV đã hỗ trợ rất nhiều cho HS trong quá trình tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng dạy - học.

Giảng bài lúc… nửa đêm

Cô Nguyễn Thụy Linh Na - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Quang Trung, kể: “Thời gian đầu, để hoàn thành một bài giảng điện tử, mình mất rất nhiều thời gian, phải mày mò, tự tìm hiểu từ kỹ thuật nén file để có dung lượng nhỏ nhất, cách ghi âm sao cho hạn chế tạp âm. Có khi một bài phải soạn đi soạn lại không biết mấy lần, cứ đang ghi âm mà bị vấp là lại phải thực hiện lại từ đầu. Sau này, các thầy cô giáo trao đổi với nhau, mới rút ra được kinh nghiệm cứ chỗ nào bị vấp thì bấm nút tắt, rồi sau đó tiếp tục thu tiếp; cách điều chỉnh mic sao cho thu tiếng “sạch” nhất để học trò nghe được tốt”. 

Ròng rã suốt năm đầu tiên làm giáo án điện tử, hầu như tối nào cô Linh Na cũng đợi chồng con say ngủ mới bắt đầu công việc… giảng bài: “Chứ đang giảng giữa chừng mà bị lẫn tiếng ồn vào thì lại phải làm lại từ đầu, đêm nào mình cũng mất khoảng một tiếng đồng hồ chỉ để hoàn chỉnh phần thu âm một bài giảng Elearning”. Nhưng “phần thưởng” mà cô Linh Na nhận lại được từ HS cũng rất xứng đáng: “Với bài giảng điện tử, HS hứng thú hơn với tiết học, chẳng hạn như trong giờ học nói, có thêm những đoạn hội thoại mẫu, GV sẽ bớt đi được nhiều phần việc, có nhiều thời gian để hướng dẫn, uốn nắn thêm cho các em…”.

Cũng chọn cách giảng bài lúc nửa đêm, cô Nguyễn Thị Thu Hà - GV môn Toán kể dí dỏm: “Đêm hôm mà cứ một mình giảng bài thao thao, lúc đầu cũng thấy kỳ kỳ, nhưng sau thì quen dần. Để có cảm hứng hơn trong lúc thu âm phần bài giảng thì mình cứ phải tưởng tượng đang dạy ở lớp học, có học sinh chăm chú lắng nghe”. 

Để có được một bài giảng điện tử có chất lượng, cô Thu Hà cho biết, GV phải đầu tư rất kỹ, công phu, như để giải quyết một bài tập thì phải có đến 3 slide: Một slide đề riêng, một slide hướng dẫn cách giải cho HS và một slide đáp án. “Chưa kể là GV phải nói nhiều, như muốn làm được một bài tập thì phải nhắc đến lý thuyết, dù cũng đã có phần slide lý thuyết riêng rồi. Nhưng mình nghĩ, thu âm bài giảng, quá trình chuẩn bị slide, soạn bằng powerpoint… cũng coi như một lần giảng dạy nên giờ giảng trực tiếp ở trên lớp của mình được hoàn chỉnh hơn, chất lượng hơn”, cô Hà chia sẻ.

Kỳ vọng 3 trong 1

Năm 2008, bắt đầu từ cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD&ĐT phát động, Trường THPT Quang Trung chủ trương đưa CNTT đến tận từng lớp học: Trang bị máy chiếu cho tất cả các phòng học. Hai năm đầu, GV soạn giảng bằng powerpoint, sau đó, từ năm 2010, nhà trường chủ trương 100% các bài giảng đều thực hiện dưới dạng giáo án điện tử E - learning. 

Theo đó, giáo viên thiết kế bài giảng dạng E - learning có chữ, hình ảnh, lời giảng từng bài của giáo viên được đánh vào các DVD có thể nghe trên máy vi tính. Để hoàn chỉnh 5.000 bài giảng điện tử từ lớp 10, lớp 11, lớp 12 của 11 môn học, 70 GV của nhà trường đã rất công phu và dành nhiều tâm huyết. Với những môn như Ngữ Văn, Toán, Anh văn, Vật lý, Hóa học, ngoài hướng dẫn HS giải các bài tập trong SGK, GV còn giới thiệu các đề thi THPT quốc gia để HS tham khảo, làm quen.

Em Hoàng Thị Kỳ Duyên - HS lớp 11/1 nhận xét: “Hồi học THCS, mỗi tuần chúng em thường chỉ được học ở phòng bộ môn có máy chiếu khoảng 1 - 2 lần nên khi lên lớp 10, môn học nào cũng được học trình chiếu thì em rất ngạc nhiên”. Duyên cho biết, phải mất khoảng gần 1 tuần thì em mới bắt nhịp được với phương pháp dạy học mới của thầy cô giáo.

 Em cho biết: “Nhờ có các bài giảng điện tử nên việc chuẩn bị bài mới của em cũng dễ dàng hơn, có điều kiện để hiểu sâu hơn bài giảng ở trên lớp. Em cũng có tham khảo thêm cách dạy của các thầy cô khác nên rất hứng thú”. Còn HS Tô Hồng Lan Phương, lớp 11/1 thì cho biết, các bài giảng điện tử hỗ trợ cho em rất nhiều trong việc ôn tập, củng cố kiến thức để làm tốt các bài kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ…

Toàn bộ giáo án điện tử của Trường THPT Quang Trung, ngoài đưa lên website của nhà trường còn được đánh vào đĩa DVD để HS có thể xem, nghe trên máy vi tính. Thầy Phạm Sỹ Liêm kỳ vọng: “SGK điện tử này được xem là 3 trong 1: HS có thể chuẩn bị tốt bài mới ở nhà trước khi đến lớp; nhiều thầy cùng dạy, giải một bài nên HS có nhiều sự lựa chọn và tiếp thu tốt hơn. Các em cũng có thể nghe lại trong trường hợp chưa hiểu cặn kẽ bài giảng. 

Với GV, giáo án điện tử giúp họ tiết kiệm được thời gian trên lớp, như không phải chép hoặc đọc lại bài tập, không phải photo các bài trắc nghiệm, tổ chức học theo nhóm cũng tiện lợi hơn rất nhiều khi đã có máy chiếu hỗ trợ việc phân công công việc cho các nhóm… Và trên hết, chúng tôi mong muốn rằng, với bộ bài giảng điện tử này, sẽ góp phần hạn chế tình trạng HS phải học thêm quá nhiều như hiện nay và tăng thêm thời gian tự học”.

Thầy Phạm Sỹ Liêm - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “BGH nhà trường chủ trương mỗi bài giảng sẽ được nhiều GV soạn giảng, không phải soạn cùng nhau mà soạn độc lập nên học sinh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất: Được tham khảo cách giảng của các thầy cô khác, ngoài GV đảm nhận giảng dạy ở trên lớp”. Cô Nguyễn Thị Thu Hà thì thừa nhận, cũng có những trường hợp mình phải tham khảo bài giảng của đồng nghiệp, thậm chí dùng cách giải bài tập của các GV khác giới thiệu cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.