Phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chưa đầy 300 mét, nhưng là con phố phồn hoa bậc nhất ở Thủ đô với những cửa hàng luôn tấp nập kẻ đến, người đi. Thế nhưng, ít ai biết được rằng phía sau sự ồn ào, tấp nập đó là những ngôi nhà cổ kính làm ngưng đọng thời gian.
Điển hình như ngôi nhà số 72, do ông Nguyễn Thái An (77 tuổi) là chủ.
Căn nhà 3 tầng cổ kính có diện tích hơn 200 mét vuông được xây dựng từ thế kỷ trước. Bước chân vào bên trong cánh cửa kính màu trắng, chúng tôi cảm nhận được không gian tĩnh lặng khác thường.
Ngôi nhà cổ 3 tầng đã nhuốm màu thời gian, cầu thang đã mòn, sơn đã bong tróc nhưng ông An không sửa vì muốn giữ nguyên vẻ cổ kính vốn có.
Qua năm tháng mọi đồ vật trong nhà cũng như toàn bộ kiến trúc vẫn được ông An gìn giữ nguyên bản. Từ cầu thang lên các tầng, cho đến các màu sơn từ các cửa sổ và các vật dụng trong nhà như sập gụ, quạt trần... đều nhuốm màu thời gian, chính điều đó càng toát lên vẻ cổ kính và bề thế của ngôi nhà.
Ông An năm nay đã 77 tuổi, nhưng phong thái vẫn như tuổi “ngoại tứ tuần”, giọng nói ông nhẹ nhàng và nụ cười luôn thường trực trên môi.
“Vào nhà cứ đi cả giày nhé! Người Hà Nội luôn mến khách, chẳng bao giờ khách vào nhà phải bỏ giày dép bên ngoài cả”, ông An nói.
Gia đình ông Sơn trước đây nổi tiếng giàu có ở phố Hàng Đào.
Bắt đầu câu chuyện, ông An kể về tiểu sử ngôi nhà cũng như gia đình mình. Trước đây, gia đình ông là một nhà buôn giàu nức tiếng ở phố Hàng Đào, bản thân ông cũng như các anh chị em trong gia đình hễ đi đâu cũng có xe đưa rước.
Hồi còn nhỏ, mỗi anh em đều có một bà vú chăm sóc riêng. Lên 3 - 4 tuổi, bố mẹ ông An mời những giáo viên giỏi nhất đất Hà Thành về dạy chữ - nhạc - họa - võ cho các con.
Ông An là con cả trong gia đình có 12 anh em. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hàng Đào thời đó.
“Hồi tôi còn nhỏ, gia đình ở dưới tầng 1 còn tầng 2, tầng 3 dùng làm kho chất đầy tơ lụa. Có thời điểm các thương lái nước ngoài về nhà ông nhập lụa, phải dùng ô tô chở ra sân bay để chở đi các nước”, ông An kể với giọng đầy tự hào.
Ông An chia sẻ về những kỷ niệm trong ngôi nhà bố mẹ để lại.
Dù là gia đình buôn bán, giàu có nhưng gia đình ông An khác với nhiều gia đình giàu có khác. “Bố mẹ tôi cư xử với gia nhân rất ân cần, không bao giờ quở trách hay to tiếng. Với các con thì giáo dục theo nề nếp, gia phong.
Trong kinh doanh, bố tôi luôn có 4 quy tắc là Chí, Đức, Tín, Nghĩa. Tức phải có chí làm giàu, khi làm giàu thì phải có đức, phải san sẻ những cái kiếm được cho người nghèo khổ hơn mình. Tín là coi trọng chữ tín và quan trọng là phải nhớ đến ơn nghĩa của tổ tiên đã cho mình cuộc sống như hôm nay”, ông An chia sẻ.
Những viên gạch được nhập từ Paris về vẫn sáng bóng dù đã trải qua hai thế kỷ.
Vừa nói chuyện ông An vừa chỉ tay vào nền gạch dưới chân và nói với giọng đầy hoài niệm: “Đó là những viên gạch bố tôi ngày xưa đặt từ Paris (Pháp) về đấy”.
Ông cho biết, dù không chứng kiến việc xây dựng ngôi nhà, nhưng qua lời kể của bố mẹ thì để hoàn thành đoàn thợ khoảng hơn 100 người phải mất hơn 1 năm thi công, bởi mọi thứ đều phải làm thủ công.
Chiếc quạt trần cổ được mua từ nước ngoài về hiện vẫn được sử dụng bình thường.
Căn nhà được thiết kế với các phòng riêng biệt và hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa. Cầu thang, sập gụ, cửa chính, cửa sổ trong nhà đều được các thợ giỏi nhất khi đó thiết kế thi công. Chính vì lẽ đó mà ngôi nhà luôn cổ kính mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Trải qua 2 thế kỷ, tường của ngôi nhà đã có chỗ lớp sơn bóc tróc, cầu thang cũng đã bị sứt mẻ phần nào... Nhiều khách đến chơi khuyên ông nên sửa lại, nhưng ông đều bỏ ngoài tai.
“Nói thật việc bỏ vài trăm triệu hoặc có thể là hơn thế nữa để sửa chữa, thậm chí là xây lại, với tôi quá đơn giản. Nhưng tôi không làm vì muốn giữ lại những gì thuộc về quá khứ, đó là cả một ký ức tuổi thơ của tôi và tất cả tâm huyết bố mẹ tôi để lại”, ông An nói.
Ông An và con cháu sẽ giữ nguyên bản ngôi nhà vì ông coi đây là kỷ vật bố mẹ để lại.
Ông An có hai người con, một trai, một gái. Cả hai đều không ở cùng ông bà mà ra ngoài mua nhà riêng ở. Tuy vậy, mọi thói quen nề nếp gia đình từ ngày xưa vẫn được giữ nguyên, cuối tuần các con, cháu lại về quây quần bên mâm cơm gia đình, rồi ra bờ hồ đi dạo ngắm cảnh.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông An luôn giáo dục con cháu mình phải sống đúng với chất của người Hà Nội. Tuy nguyên tắc nhưng luôn phải nhẹ nhàng, biết thương yêu mọi người và luôn mến khách cho dù họ là ai.
Còn về ngôi nhà, ông nói chắc như đinh đóng cột: “Hết đời tôi rồi đến đời con cháu sẽ gìn giữ ngôi nhà này, đây là kỷ vật ông bà để lại mà con cháu có phúc được hưởng”.