Ngọc Trạo – căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thanh Hóa

Ngọc Trạo – căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thanh Hóa
Dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng hi sinh tại chiến khu Ngọc Trạo
Dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng hi sinh tại chiến khu Ngọc Trạo

Vào những năm 1940 – 1941 Ngọc Trạo là một bản của đồng bào dân tộc Mường, chỉ có 43 hộ dân với 215 người được phân bố khắp thung lũng. Cách huyện lỵ Kim Tân Thạch Thành 15 km về hướng Tây, cách đồn lính khố xanh ở Bỉm Sơn khoảng hơn 10km về phía Đông Bắc. Ngọc Trạo nằm trong vùng đồi núi tương đối hiểm trở, cây cối um tùm rậm rạp, các đường mòn qua rừng, qua suối chỉ có dân bản địa mới thông hiểu đường đi lối lại.

Nơi đây có vị trí đặc biệt quan trọng và khá thuận lợi, có núi rừng bao bọc xung quanh, có đường giao thông liên huyện nối liền với các khu căn cứ cách mạng: Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc; vừa có đường đi Phố Cát, Kim Tân để từ đó liên hệ với vùng rừng núi phía Tây rộng lớn của tỉnh Thanh Hóa; lại có đường thẳng xuống Bỉm Sơn, Tam Điệp một phòng tuyến đặc biệt hiểm yếu và lợi hại mà hơn hai trăm năm trước đại binh của Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng chọn làm nơi phục binh, đồng thời lại có đường về hang Treo xã Hà Long huyện Hà Trung nơi đã từng là đồn trú của các nghĩa sỹ Cần Vương. Rồi từ Ngọc Trạo có thể đi tắt sang tỉnh Ninh Bình để liên hệ với đồng bằng Bắc Bộ và xứ ủy Bắc Kỳ.

Nhân dân Ngọc Trạo vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, thiết tha với độc lập tự do. Từ năm 1886, nhân dân Ngọc Trạo đã tích cực hưởng ứng phong trào Tống Duy Tân chống Pháp. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Ngọc Trạo luôn hăng hái tham gia các tổ chức quần chúng cách mạng, phong trào đã lôi cuốn được một số hương lý tham gia…. Đây là địa phương có lực lượng tự vệ địa phương phát triển mạnh.

Nhận thấy vị thế “ địa lợi nhân hòa” tháng 7 năm 1941 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn Ngọc Trạo làm địa điểm xây dựng chiến khu – căn cứ địa cách mạng của tỉnh, lấy Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa làm vành đai hậu thuẫn cho chiến khu.

Ngày 10/7/1941, 11 đội viên du kích đầu tiên được chọn cử về Ngọc Trạo xây dựng cơ sở. Ban lãnh đạo chiến khu du kích gồm 3 đồng chí: Đặng Châu Tệu, Đặng Văn Hỷ, Trịnh Huy Lãn, do đồng chí Đặng Châu Tuệ phụ trách. Chỉ sau một thời gian ngắn, đội du kích Ngọc Trạo đã phát triển thành hai tiểu đội; Tiểu đội nam có 18 đội viên làm nhiệm vụ canh gác, tiểu độ nữ có 8 đội viên do đồng chí Quách Thị Phăn làm tiểu đội trưởng, chuyên lo việc tiếp tế hậu cần.

Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, trong ánh đuốc bập bùng và dưới lá cờ đỏ sao vàng, đội du kích Ngọc Trạo tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập với 21 chiến sỹ, trước sự có mặt của đồng chí đặc phái viên xứ ủy Bắc Kỳ. Những chiến sỹ đầu tiên của lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với dân tộc.

Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Từ đây đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này.

Chỉ một tuần sau khi Ngọc Trạo được thành lập, đội du kích Ngọc Trạo đã phát triển lên tới 40 người, sau một tháng lên tới 83 người và được biên chế thành hai trung đội; mỗi trung đội gồm một tiểu đội súng, một tiểu đội dao-kiếm, tổ trinh sát, tổ y tế, tổ hậu cần. Với ý định hoàn chỉnh chiến khu để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, với quy mô rộng lớn, ban lãnh đạo chiến khu có chủ chương phát triển đội du kích lên 500 đội viên để có đủ lực lượng mở rộng hoạt động suốt từ tây bắc đến Đông nam địa phận vùng ven rừng núi Thanh Hóa.

Thực hiện chủ chương đó, đầu tháng 10/1941 hơn 100 chiến sỹ tự vệ được tuyển từ 3 huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã tập kết tại làng Đa Ngọc ( thuộc xã yên Giang huyện Yên Đinh). Nhưng do sự chỉ điểm của tên phản bội đội lốt cha cố ở nhà thờ Phúc Địa ( Thọ Xuân), bọn địch đã huy động lính khố xanh do Bayle, thanh tra mật thám Trung Kỳ và Dausset, phó giám binh đồn khó xanh ở Thanh Hóa chỉ huy bí mật bao vây lực lượng Đa Ngọc. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đức Tẻo, lực lượng vũ trang đã nhanh chóng triển khai trận địa đánh trả địch quyết liệt. Sau sự kiện Đa Ngọc địch đã phát hiện ra chiến khu Ngọc trạo. Chúng quyết định xóa sổ căn cứ địa chiến khu này ngay từ khi còn trong “ trứng nước “. Chúng mở một chiến dịch bao vây càn quyét lớn, huy động một lực lượng lớn 500 tên do Fleto, chánh cẩm Bắc Kỳ chỉ huy, tiến công vào Chiến khu Ngọc Trạo bằng ba mũi từ Cầu Cừ ( Hà Trung), một mũi từ Kim Tân xuống và mũi từ Bỉm Sơn lên.

Rạng sáng ngày 19/10/1941, cuộc chiến đấu đầu tiên giữ đội duc kích Ngọc Trạo và bọn lính khố xanh diễn ra hết sức quyết liệt. Một đội lính hơn 100 tên dưới sự chỉ huy của các sỹ quan Pháp, trong đó có tên quan Một, trưởng đồn Bỉm Sơn Dumorat và một lũ mật thám bí mật tiến về rừng núi Ngọc Trạo giữa đêm khuya. Một toán khác khoảng 50 tên bố trí tập kích quân ta bên đình Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất quyết liệt. Quân du kích với dao, kiếm và một số ít súng kíp đã chống trả nhiều lần tấn công của địch. Cuộc chiến đấu dằng co kéo dài, bọn địch tập trung về phía trước đình Ngọc Trạo để cố thủ lực lượng, còn quân du kích thì rút về phía sau nương sắn làng Ngọc trạo tiếp tục chiến đấu. Đồng chí Phạm Văn Hinh, trưởng ban quân báo bị thương nặng, biết mình không thể sống được đã đề nghị đồng đội cho nằm lại để khỏi ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu. Các đồng chí Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước trong tổ trinh sát đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hi sinh, nêu cao tấm gương chiến đấu ngoan cường, quả cảm của các chiến sỹ du kích.

Để bảo toàn lực lượng, ngay tối hôm đó, ban chỉ huy chiến khu đã quyết định cho toàn đội du kích vượt vòng vây chuyển về phía Bắc huyện Vĩnh Lộc. Tối 25/10/1941 toàn đội đã tập kết tại đình làng Cẩm Bào ( xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc), thông qua kế hoạch phân tán lực lượng về các địa phương để tránh sự truy lùng khủng bố của địch.

Chiến khu Ngọc Trạo bị tan vỡ, chiến sỹ Ngọc Trạo bị khủng bố ác liệt, phần lớn bị bắt, tù đày. Số ít thoát được vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Nhưng dù ở trong tù hay còn hoạt động bí mật gian khổ, các chiến sỹ Ngọc Trạo vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, chí khí tiến công và tinh thần anh dũng, quật khởi

Trao đổi với chúng tôi Bí thư huyện ủy Bùi Trọng Liên nhấn mạnh: “Chiến khu du kích Ngọc Trạo tuy không còn, nhưng ngọn lửa đỏ từ hang Treo- Ngọc Trạo đã lan tỏa về mọi miền quê tỉnh Thanh Hóa, bền bỉ cháy, để từ đó góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tổng khởi nghĩa giành chính quyền thánh 8/1945, mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập tự do cho nước nhà”.

Phát huy truyền thống anh dũng của quê hương cách mạng, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo luôn đoàn kết, nổ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường khai thác tối đa tiềm nằng, thế mạnh xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, bệnh xá…cùng những công trình phúc lợi, văn hóa được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, từng bước được cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Được sự quan tâm của Nhà nước di tích chiến khu Ngọc Trạo từng bước được tôn tạo xứng đáng với tầm vóc của một chiến khu cách mạng cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Luôn là sự ngưỡng vọng của mọi người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, sự khát khao muốn được đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo du khách gần xa.

Quang Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ