Ngoại trưởng Mỹ: Người Việt Nam cởi mở phi thường

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27/4 đã có bài phát biểu xúc động khi nhớ về khoảng thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam và những nỗ lực để kết thúc cuộc chiến này.

Ngoại trưởng Mỹ: Người Việt Nam cởi mở phi thường

Trung úy hải quân John Kerry từng nhận các huân chương Sao Đồng, Sao Bạc, rồi Trái tim màu tía sau quá trình tham gia chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi rời quân ngũ, ông trở thành một trong những nhân vật đấu tranh phản chiến gay gắt, và nổi tiếng sau lần điều trần trước quốc hội Mỹ vào năm 1971. Khi đó, ông Kerry thẳng thắn lên án cuộc chiến ở Việt Nam là "man rợ".

"Khi tôi phản đối cuộc chiến Việt Nam trước Thượng viện, tôi đã phát biểu đại diện cho quyết tâm của các cựu binh để thực hiện một sứ mệnh cuối cùng; để 30 năm sau, khi các đồng đội của chúng ta xuống đường, không còn chân tay nguyên vẹn, và được hỏi "tại sao", thì chúng ta có thể trả lời "Việt Nam" mà không hàm ý về một ký ức cay đắng", Ngoại trưởng Kerry nhớ lại khi phát biểu tại sự kiện ngày 27/4.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ về những ký ức trong Chiến tranh Việt Nam tại một sự kiện ngày 27/4. Ảnh: WP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ về những ký ức trong Chiến tranh Việt Nam tại một sự kiện ngày 27/4. Ảnh: WP

Giữa những lúc phát biểu, ông Kerry nghẹn ngào nhưng kiềm chế cảm xúc để tiếp tục chia sẻ.

Khi gia nhập chính trường, ở vai trò thượng nghị sĩ bang Massachusetts, ông Kerry đã nỗ lực khoảng 10 năm để giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kể về những lần hợp tác với Thượng nghị sĩ John McCain trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích ở Việt Nam, hoặc những người Mỹ có thể còn sống sau chiến tranh.

"Những công việc này đã giúp chúng ta biết về sự cởi mở phi thường của nhân dân Việt Nam. Họ đã giúp chúng ta tìm kiếm thi hài của những đồng đội đã ngã xuống, dù chính đồng đội của họ, có thể khoảng cả triệu người, cũng đang mất tích và có thể không bao giờ tìm lại được.

"Họ cho phép chúng ta đáp trực thăng xuống những thôn làng mà không cần thông báo trước, dù điều này có thể gợi nhớ về những ký ức đau buồn trong chiến tranh", ông Kerry kể lại.

Ngoại trưởng Mỹ tâm sự rằng, sau cuộc chiến, các bên cần nỗ lực hết sức để vượt ra khỏi đau thương và sự chia rẽ, để bắt đầu một quá trình hàn gắn, từ giữa những ý kiến trong nước cho đến hàn gắn quan hệ Mỹ - Việt.

"Quá trình hòa giải và khôi phục quan hệ không phải là quên hoàn toàn quá khứ. Nếu chúng ta muốn quên, chúng ta sẽ không bao giờ học hỏi được. Bi kịch về những chuyện đã xảy ra là lời nhắc nhở để chúng ta không phạm lỗi lầm, để phân tích sự kiện dựa trên những sai lầm trong quá khứ", ông Kerry nói.

Tuy thừa nhận Mỹ và Việt Nam vẫn tồn tại một số bất đồng, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, rất nhiều người Việt và Mỹ sẽ không chấp nhận để những ký ức quá khứ ảnh hưởng đến mối quan hệ tương lai.

Ông Kerry dẫn một số minh chứng như hai nước đã hợp tác ở những lĩnh vực an ninh; thương mại 2 chiều tăng hơn 45 tỷ USD/năm; ngày càng nhiều người Mỹ đến du lịch ở Việt Nam... Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.

Và những sự kiện biểu tượng để đánh dấu mốc mới trong mối quan hệ Mỹ - Việt là những chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước.

"Khi trở lại khoảng năm 1968, không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng đến cuộc viếng thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington hồi năm ngoái, hay việc Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam vào tháng tới mà tôi có cơ hội đi cùng", ông Kerry nói.

"45 năm đã trôi qua sau buổi điều trần ấy, điều rõ ràng là chúng ta đã giúp thay đổi một số điều quan trọng. Vẫn còn nhiều thách thức để đưa quan hệ của hai nước đạt đến mức đầy đủ như tiềm năng. Nhưng bây giờ chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam từ một cựu thù đã trở thành đối tác mà chúng ta có thể tăng cường các mối quan hệ nồng ấm, những mối quan hệ từ cá nhân đến quốc gia", Ngoại trưởng Mỹ kết luận.

Hội thảo với tiêu đề “Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam” do Thư viện Tổng thống Johnson, Đại học Texas, TP. Austin, bang Texas, tổ chức, trong hai ngày 27 - 28/4. Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại các biến cố lớn của cuộc chiến, và rút ra các bài học cho hiện tại và tương lai, với sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu, gồm các cựu binh, nhà nghiên cứu, sử gia, đại diện của nhiều tổ chức và phong trào phản chiến…

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh tham dự Hội thảo và phát biểu tại phiên thảo luận “Việt Nam và Mỹ trong thế kỷ 21: Một sự khởi đầu mới”, cũng như có cuộc gặp gỡ, trao đổi với với nhiều doanh nghiệp, đại diện bà con kiều bào và các đối tác Mỹ nhân dịp này.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.