Ngoại trưởng Hungary: Olympic dùng tiêu chuẩn kép với vận động viên Nga

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các hạn chế với vận động viên Nga ở Olympic đã thể hiện sự áp đặt chính trị vào thể thao, điều mà đáng lẽ không nên xảy ra ở Ủy ban Olympic Quốc tế.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại hội nghị Khoa học và Đổi mới thể thao.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại hội nghị Khoa học và Đổi mới thể thao.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mới đây đã lên tiếng chỉ trích các quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khi đưa ra các điều kiện đối với vận động viên Nga, Belarus để được tham gia thi đấu tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Ông Szijjarto cho rằng, các hạn chế rõ ràng đã mang tính chính trị, thể hiện sự cố tình làm tổn hại danh dự với vận động viên người Nga và Belarus.

Ngoại trưởng Szijjarto kêu gọi, các quan chức IOC tránh trộn lẫn thể thao với địa chính trị, nhấn mạnh rằng các vận động viên không nên bị cấm vì lý do chính trị.

"Khi họ bắt đầu đề xuất cấm các vận động viên từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào tham gia Thế vận hội, thì tôi nghĩ chúng ta đang gặp phải những vấn đề lớn" - Ngoại trưởng Szijjarto nói tại hội nghị Khoa học và Đổi mới thể thao.

Ông nhấn mạnh thêm rằng cách tiếp cận của IOC đã mở ra không gian không giới hạn cho "tiêu chuẩn kép trong thế giới thể thao."

Việc ép buộc các vận động viên thi đấu trong tình trạng trung lập, mặc một số quần áo nhất định và đứng hát một bài quốc ca không phải của họ nếu họ giành chiến thắng là hành động phân biệt đối xử, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Hungary.

Ông Peter Szijjarto nói thêm rằng ông bác bỏ quan niệm về việc đổ lỗi tập thể. Ông nhấn mạnh rằng việc từ chối quyền tham dự Thế vận hội vì lý do chính trị là “vượt quá mọi giới hạn”.

Sau khi bắt đầu xung đột Ukraine vào tháng 2 năm 2022, IOC khuyến nghị các vận động viên đến từ Nga và vận động viên từ quốc gia đồng minh thân cận Nga là Belarus không được phép thi đấu ở các sự kiện quốc tế.

Vào tháng 12 năm ngoái, cơ quan này đã ra phán quyết rằng một số lượng hạn chế người từ hai nước có thể tham gia Thế vận hội với tư cách là 'vận động viên trung lập cá nhân'.

Vào tháng 3, IOC thông báo số lượng vận động viên Nga tối đa có thể đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Paris là 55, trong khi Belarus giới hạn ở 28 vận động viên. Tuy nhiên, theo giám đốc IOC James Macleod, các đội khó có thể đáp ứng được chỉ tiêu, với 36 vận động viên Nga và 22 vận động viên Belarus dự kiến sẽ lọt vào Thế vận hội.

Ngay cả các vận động viên thỏa mãn điều kiện IOC đưa ra trong vai trò "vận động viên trung lập cá nhân" thì có thể họ cũng vẫn chưa chắc chắn được tham dự Olympic Paris 2024. IOC yêu cầu, các vận động viên Nga đã công khai ủng hộ hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine hoặc có liên quan đến các cơ quan an ninh nhà nước hoặc quân đội đều bị cấm tham gia Thế vận hội.

Các vận động viên không bắt buộc phải lên án các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine nhưng họ đều phải ký 'Điều kiện tham gia Paris', bắt buộc họ phải tôn trọng Hiến chương Olympic, bao gồm cả “sứ mệnh hòa bình của Phong trào Olympic”.

Moscow đã chỉ trích gay gắt những hạn chế này và cho rằng IOC đang phá hủy tinh thần Olympic cũng như mục đích của Thế vận hội một cách trắng trợn.

Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov trước đây cho biết những hạn chế của ủy ban là “hoàn toàn trái ngược với toàn bộ hệ tư tưởng của phong trào Olympic”.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.