Khi những cánh rừng, thung sâu rực hồng sắc hoa Tớ Dày, cũng là lúc chim chóc đua nhau tìm về, các loài cây đâm chổi nảy lộc. Trai gái người Mông trên các rẻo cao sương giăng lại í ới gọi nhau xuống hội vui Xuân.
Ở Tây Bắc, Tớ Dày phân bố rải rác nhiều nơi: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái... và chủ yếu xuất hiện trên những reo cao, các cánh rừng. Tại tỉnh Điện Biên, Tớ Dày tập trung nhiều ở các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa…
Tên của loài hoa này do người Mông đặt, song không ai nhớ Tớ Dày có từ khi nào. Chỉ biết, hoa thường nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán của người Kinh chừng vài tuần và thường là dịp Tết của cộng đồng dân tộc Mông.
Tháng 9, tháng 10, cây Tớ Dày bắt đầu trút hết lá, để dồn nhựa sống cho những chồi nụ nhú trên cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Sau những ngày “ngủ đông”, đợt nắng xuân đầu tiên phủ khắp núi rừng là lúc hoa bung nở.
Hoa Tớ Dày mang vẻ đẹp hoang sơ, dung dị của núi rừng Tây Bắc. Tuy nhiên, không như đào ta, loài hoa này có sắc thắm hơn. Tuy cánh mỏng manh, nhưng số lượng hoa trên cành rất dày, khi nở sẽ kết thành từng chùm. Như dồn hết sức cho một lần bung nở, nên vào mua cây nào cũng rực hồng rạng rỡ. Cũng chính bởi vậy, mùa hoa đi qua cũng rất nhanh, chỉ trong vài ba tuần.
Trước đây, từng có nhiều gia đình người Mông mang Tớ Dày về nhà “chơi tết”. Nhưng cành cứ lìa khỏi thân là vài 3 ngày hoa đã tàn hết. Từ đó, người dân không còn cắt hoa về làm “của riêng” mà chỉ để trên rừng thực hiện đúng “sứ mệnh” thiêng liêng là “báo Xuân về”.
Chính bởi vậy, mặc dù nhiều người biết đến đều say đắm trước vẻ đẹp của loài hoa này, song để ngắm thì không có cách nào khác là“ngược núi” lên với Tây Bắc mỗi dịp Xuân về…