25 vụ ngộ độc trong 3 tháng
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội) là nơi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc nặng. Trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 10 trường hợp ngộ độc thực phẩm. Mặc dù so với cùng kỳ năm trước, số ca mắc phải vào viện không tăng đột biến nhưng so với các tháng mùa lạnh thì đây là con số đáng để suy nghĩ. Kết quả xét nghiệm cho thấy phần lớn bệnh nhân nhập viện do ngộ độc vi sinh bởi thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi phát triển trong thức ăn nên chỉ cần người dân lơ là trong việc chế biến, bảo quản đã có thể dẫn đến ngộ độc.
Tại TPHCM, 4 tháng đầu năm có 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người mắc (gần bằng số người mắc năm 2015 là 268 người). Những vụ ngộ độc trên xảy ra trong trường học, khu công nghiệp, chế xuất. Đánh giá về tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cho rằng đang có sự thay đổi theo chiều hướng tăng về số vụ lẫn số người mắc bởi tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gia tăng. Nếu như ở những năm 2012, 2013, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chiếm khoảng 33,3%, thì trong 3 năm gần đây (2014, 2015 và 2016), tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn tăng cao. Trong năm 2015 có 6 vụ ngộ độc thực phẩm thì đã có đến 4 vụ do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra; còn trong 4 tháng đầu năm 2016 có 5 vụ ngộ độc thực phẩm thì 3 vụ là do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra.
Còn theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 969 trường hợp mắc, trong đó có 669 trường hợp nhập viện và 2 trường hợp tử vong. So với năm 2015, số vụ ngộ độc giảm 6 vụ (19,4%), số mắc giảm 106 trường hợp (9,9%), số người nhập viện giảm 303 trường hợp (31,2%) và số tử vong giảm 7 trường hợp (77,8%). Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (36%), do độc tố tự nhiên (12%), do hóa chất (4%) và còn lại chưa xác định được nguyên nhân (48%). Đối với hai trường hợp tử vong, nguyên nhân được xác định do độc tố tự nhiên trong cóc và ốc biển lạ.
Khó kiểm soát
Vụ ngộ độc gần đây nhất là trong thời điểm cả nước đang phát động Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016 thì hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã hoảng hồn khi phát hiện có dòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Những vụ ngộ độc xảy ra thời gian qua cho thấy bếp ăn dù sạch sẽ nhưng vẫn có người bị ngộ độc do trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo nên thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, nhất là trong điều kiện nắng nóng như hiện nay.
Theo quy định, bếp ăn tập thể phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… cho đến những quy định về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân, học sinh. Tuy nhiên, ngoài bữa ăn được nấu tại chỗ, qua khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến (các doanh nghiệp cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy) nên việc kiểm soát khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, ngoài việc không thực hiện quy định về an toàn thực phẩm về cơ sở vật chất, người chế biến, bữa ăn giá rẻ mà các công ty đặt cho công nhân hiện nay cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc bởi chỉ với 9.000 - 13.000 đồng/suất ăn gồm cả lợi nhuận thì mọi người cũng hiểu giá trị thực của bữa ăn là bao nhiêu.