'Nghìn lẻ' cách làm thêm của công nhân

GD&TĐ -Dù có công việc chính ổn định, nhưng nhiều công nhân vẫn làm thêm để tăng thu nhập và dự phòng những rủi ro có thể xảy ra khi doanh nghiệp khó khăn.

Người lao động tìm việc ở phiên giao dịch và tư vấn việc làm tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Người lao động tìm việc ở phiên giao dịch và tư vấn việc làm tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Nghề tay trái thời 4.0

Dù làm công nhân trong một nhà máy tại tỉnh Thanh Hoá đã lâu năm, nhưng cuộc sống của anh Hoàng Đức Bảo 29 tuổi vẫn bấp bênh. Một người bạn biết hoàn cảnh anh Bảo khó khăn nên cung cấp quần áo để anh bán, kiếm thêm thu nhập. Mỗi sản phẩm bán được giúp anh Bảo kiếm 20.000 - 30.000 nghìn đồng.

Để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng và chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè, anh Bảo đã quyết định tạo ra một kênh trên TikTok. Ban đầu, kênh chỉ tập trung vào việc tạo ra những video hài hước liên quan đến cuộc sống hàng ngày và công việc, phù hợp với xu hướng của giới trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, một sự cố không ngờ đã thay đổi mọi thứ. Trong một buổi họp dây chuyền, anh Bảo hướng dẫn về việc dọn dẹp nơi làm việc trước khi nghỉ cuối tuần được ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội bởi một số đồng nghiệp. Đoạn video này nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người xem và nhận được nhiều sự ủng hộ. Từ đó, anh Bảo bắt đầu trở thành một TikToker nhiều người biết đến.

“Đến nay, kênh của mình đã có gần 300.000 người theo dõi. Chính nhờ kênh TikTok mà mình đã có thêm thu nhập rất ổn định. Nếu như không có bước đột phá này thì mình nghĩ với mức lương công nhân như hiện nay sẽ khó có thể duy trì cuộc sống”, anh Bảo chia sẻ.

Tương tự, chị Lê Thuỳ Linh làm công nhân dây chuyền may tại tỉnh Ninh Bình cũng tận dụng cơ hội kiếm thêm thu nhập từ mạng xã hội. Sinh ra ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chị Linh đã làm việc tại Ninh Bình 10 năm. Với tài năng ca hát sẵn có, chị Linh tham gia vào đội văn nghệ của công ty và trở thành một thành viên tích cực.

Ngoài giờ làm việc, khi có thời gian rảnh rỗi, chị Linh thường tham gia ca hát và giao lưu với nhiều người trên mạng xã hội để thư giãn. Một người bạn nhận thấy giọng hát hay và tính cách sôi nổi của Linh, đã giới thiệu chị vào mạng xã hội TikTok.

“Sau khi tham gia, tôi được quản lý bởi công ty, tôi chia sẻ 70% thu nhập từ hoạt động này. Tôi hiểu rõ rằng đây chỉ là một công việc phụ và mang lại cơ hội kết nối với các bạn yêu thích âm nhạc, nên tôi chỉ dành khoảng 1 - 2 giờ vào buổi tối hoặc ngày Chủ nhật. Mỗi tháng, thu nhập từ việc này của tôi dao động từ 2 đến 5 triệu đồng”, chị Linh chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ổn định tích luỹ, chăm lo gia đình

Anh Trần Minh Quyết (SN 1978, quê Phú Thọ), hiện miệt mài với việc gia công dây khóa kéo. Mỗi ngày, sau khi hoàn thành 400 sản phẩm, anh có thể kiếm được 100.000 đồng để đủ chi tiêu cho gia đình.

Trước đó, anh Quyết từng là công nhân tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, vì tình hình khan hiếm đơn hàng kéo dài, công ty buộc phải giải thể, khiến anh Quyết cũng mất việc. Và cách đây vài tháng, vợ anh Quyết cũng gặp phải tình trạng tương tự khi công ty đang làm dời trụ sở đi nơi khác.

Khoản tiền chi tiêu hàng ngày của gia đình, gồm 4 thành viên, phụ thuộc vào trợ cấp thất nghiệp từ 2 vợ chồng và nguồn thu nhập từ việc gia công dây khóa kéo. “Công việc gia công tại nhà không ổn định, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi làm bất cứ khi nào có việc để có đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”, anh Quyết chia sẻ.

Chị Bùi Thảo là công nhân tại Công ty TNHH ShenGun chia sẻ, với tình hình mới vào làm, thu nhập của chị chỉ ở mức khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị Thảo cũng làm công nhân tại một công ty giày, thu nhập hàng tháng khoảng 6,5 triệu đồng. Với khoản thu nhập đó chỉ đủ để hai vợ chồng chi tiêu cho các khoản sinh hoạt cơ bản, trong khi hai đứa con được gửi về quê sống cùng ông bà nội để được chăm sóc.

Sau thời gian khó khăn, khi vốn tích lũy cạn kiệt, chị Thảo vẫn cố gắng duy trì công việc ngoài giờ. Mỗi ngày, chị làm việc thêm ngoài giờ đến khuya và nhận mức trả công dao động từ 180.000 đến 220.000 đồng. “Tôi kiếm được bao nhiêu thì sẽ tiết kiệm bấy nhiêu để dành cho những thời điểm khó khăn”, chị Thảo chia sẻ.

Trong khi đó, với công việc gia công hộp quà và sửa quần áo tại nhà sau giờ làm, chị Nguyễn Kim Hồng (quê Hòa Bình) kiếm thêm được khoảng 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hồng kể, do vừa hết thời gian nghỉ thai sản nên chị chưa thể trở lại làm thêm giờ dù công ty có nhiều đơn hàng.

“Gia đình tôi vừa chào đón thành viên thứ ba, nên chi phí sinh hoạt gia tăng đáng kể. Tôi nhận được từ 20.000 đến 30.000 đồng cho mỗi món sửa quần áo và từ 300.000 đến 500.000 đồng cho mỗi đơn hàng gia công hộp giấy. Dù làm thêm khiến tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng thu nhập cải thiện đáng kể”, chị Hồng chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính từ đầu quý I/2024, trung tâm đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 28.336 người. Tổng số lao động được phỏng vấn là 11.513 lao động. Số lao động được tuyển dụng tại phiên là 3.648 lao động.

Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2021 là hơn 63 nghìn người, năm 2022 tăng lên thành hơn 72,5 nghìn người, năm 2023 tăng lên đến hơn 85,6 nghìn người và 2 tháng đầu năm 2024 đã có 8.729 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những con số cho thấy vấn đề lao động việc làm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Chủ đề tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ