Ban đầu, Len truy tìm nguyên nhân, hỏi bác sĩ, thì bác sĩ nói do thiếu máu lên não, hãy bổ sung tuần hoàn não, thường xuyên massage thân thể để cung cấp oxy cho cơ bắp và máu huyết lưu thông tốt.
Len hỏi một số người cũng bị mất ngủ khác, họ cho rằng do thay đổi thời tiết, do bị tiền mãn kinh, rối loạn nội tiết, do quá căng thẳng vì công việc... Học họ phương án giải quyết là một số thảo dược, hoặc thuốc đông y để an thần, dễ ngủ.
Len cũng áp dụng những biện pháp được bác sĩ khuyên, được bạn khuyên, thậm chí dùng cả thuốc ngủ, nhưng hiệu quả rất kém, lúc ngủ được, lúc không.
Cuối cùng Len tìm đến phương pháp thiền buông thư, nghĩa là ngồi thiền định, buông bỏ hết mọi suy nghĩ trong đầu, Len chỉ chú tâm vào hơi thở, để tâm an, lấy lại sinh khí cho cơ thể được thư giãn toàn bộ, mong tìm lại được giấc ngủ yên bình.
Nhưng khi thực hành thiền thì Len lại thấy nảy sinh vấn đề mới, đó là không làm sao tắt nổi dòng suy nghĩ miên man trong đầu. Đang suy nghĩ về một việc dang dở ở cơ quan, thì lại nhảy sang mối lo về đứa con gái sắp lấy chồng.
Tiếp đó Len trăn trở về một người thân bị bệnh, về một cuộc hẹn với người sửa nhà vào ngày mai, sắp đặt những gì cần phải nói với người đó, rồi mối lo về căn bệnh dạ dày,vv… Trí não Len lại rối bời những suy nghĩ, nên không thể thư giãn trong lúc thiền được.
Len cũng nhận thấy, mình không chủ định suy nghĩ về những nội dung đó, mà tự dưng ý nghĩ cứ ào tới, khó kiểm soát, như một con ngựa bất kham. Đã có tính toán chỉ ra, hơn 90% những suy nghĩ tự động nảy ra trong đầu ta là lặp lại những suy nghĩ có từ hôm trước, thậm chí các hôm trước nữa. Chúng cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí, không để cho chúng ta được yên.
Hầu hết thời gian, chúng ta không dùng tâm trí như công cụ để suy nghĩ phục vụ việc mình cần, mà thực ra, chúng ta để dòng suy nghĩ miên man trong tâm trí chiếm dụng, điều khiển vô bổ, lâu dần thành rối loạn tinh thần, bất an triền miên.
Không chỉ ở trường hợp của Len, mà hầu hết chúng ta đều khó thực hành thiền do nguyên nhân bị dòng suy nghĩ tự động chi phối tâm trí. Những suy nghĩ đó liên tục hối thúc, khiến ta không thể ngồi yên, và như thế rất mệt mỏi, tiêu hao đến cạn kiệt năng lượng.
Chúng ta ai nấy đều mắc chứng nghiện nghĩ. Echart Tolle - người thầy tinh thần của nước Đức, tác giả cuốn sách “Sức mạnh của hiện tại” cho rằng: “Con người mắc nhiều chứng nghiện: Nghiện ăn, nghiện uống, nghiện mua sắm, nghiện suy nghĩ… Trong đó, chứng nghiện nghĩ là phổ biến nhất. Và không ai cho rằng nghiện nghĩ là một thứ bệnh, bởi nó quá bình thường, và ai cũng mắc”.
Quả vậy, chứng nghiện nghĩ này phổ biến nhất, nhiều người bị nặng nhất, khó cai nhất, nhưng ít ai chủ động kiểm soát được nó.
Và cũng ít người nhận thức ra, chứng nghiện nghĩ đang lộng hành nghiêm trọng, phá hủy âm thầm niềm hạnh phúc an lạc của con người trên thế gian. Chúng đẩy con người đến sự sợ hãi, thiếu thốn, mất cân bằng. Từ đó, nhiều căn bệnh khác cũng nảy sinh từ hệ quả của nghiện nghĩ. Mất ngủ, rối loạn lo âu là những ví dụ.
Vậy thiền có thể giúp chúng ta giảm dần chứng nghiện nghĩ hay không? Và thiền thực ra có quá khó hay không? Một số bậc thầy về tinh thần trên thế giới, dù cách giảng giải có thể khác nhau, nhưng cùng chung một nhận định rằng, thiền không quá khó như chúng ta tưởng. Cốt lõi của thiền là sự tỉnh thức trong hiện tại.
Không chỉ khi ngồi tĩnh lặng nhắm mắt, mà cả trong bất cứ việc gì hàng ngày, chúng ta hãy tỉnh thức đủ để quan sát dòng suy nghĩ mà ta thực ra không chủ định, không mong muốn đang chạy qua tâm trí chúng ta. Hãy quan sát từng ý nghĩ đến, đừng để nó hoành hành và lôi kéo ta chìm sâu vào suy nghĩ đó, thì lát sau nó sẽ tự động ra đi.
Rồi có ý nghĩ khác lại đến, ta tiếp tục quan sát trong tỉnh thức, tuyệt đối không đeo bám vào một ý nghĩ nào để nó lôi tuột ta đi, khiến ta đánh mất mình, đồng hóa mình với ý nghĩ đó, đồng hóa mình với tâm trí.
Sự tỉnh thức giúp chúng ta dần nhận ra chính mình lúc này, hoàn toàn an ổn và đủ đầy, hoàn toàn có thể vui vẻ, nhẹ nhõm, bình an tự tại.
Và Len đã sử dụng chứng mất ngủ, như một động lực để thực hành thiền, để có một kỹ năng mới trong cuộc sống của mình.