Thực tiễn
Theo thống kê của TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo thuộc Trường ĐH KHXH&NV TPHCM (ĐHQG TPHCM), hoạt động công bố các công trình nghiên cứu khoa học về Biển Đông của Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh từ năm 2010, với 48 công trình nghiên cứu. Từ năm 2010 - 2018, số công trình nghiên cứu được công bố tăng dần theo từng năm, đạt 202 công trình vào năm 2018 (tăng gần 4,5 lần).
Có nhiều cơ quan nghiên cứu Biển Đông được thành lập trong hệ thống các viện nghiên cứu và trường ĐH như Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS), Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo (thuộc ĐH KHXH&NV TPHCM, ĐHQG TPHCM)… Xuất hiện một số chuyên gia nghiên cứu bài bản, chuyên nhất về biển đảo như Nguyễn Nhã, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Anh Tuấn…
TS Lê Thanh Hòa cho biết, khi tra cứu trang tìm kiếm khoa học Google Scholar, với từ khóa “Spratly Islands” - quần đảo Trường Sa, có 4.630 bài báo khoa học và 317 bài báo về khía cạnh pháp lý. Trong số các bài báo về khía cạnh pháp lý thì có 7 bài từ Việt Nam.
Tương tự, đối với từ khóa “Paracel Islands” - quần đảo Hoàng Sa, kết quả thu được là 1.870 bài báo khoa học và 141 bài báo về khía cạnh pháp lý. Trong số các bài về khía cạnh pháp lý, Việt Nam đóng góp 6 bài.
Theo TS Hòa, vấn đề đáng quan tâm là đa số các công trình đều do PGS.TS Nguyễn Hồng Thao cùng cộng sự thực hiện. Điều này phản ánh số lượng nhà khoa học công bố nghiên cứu còn tương đối ít. Thực tế cho thấy, các học giả Trung Quốc công bố hơn 60% số bài toàn cầu về vấn đề Biển Đông, còn số công trình của các học giả Việt Nam chiếm dưới 3%.
Các bạn trẻ tìm hiểu và chia sẻ tình yêu biển đảo quê hương |
Những khó khăn phải vượt qua
TS Lê Thanh Hòa nhận định: “Các dự án, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ khoa học trước mắt, mang tính thời sự như đấu tranh chủ quyền, nghiên cứu kinh tế biển, thương mại biển… chứ chưa thấy một chiến lược tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tất cả các chuyên ngành khác nhau trong nghiên cứu Biển Đông. Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng trong các chương trình liên kết học thuật Biển Đông…”.
Khó khăn tiếp theo là không có một cơ sở dữ liệu chung bao gồm các công trình nghiên cứu về Biển Đông từ trước đến nay và các tư liệu cổ về văn hóa, lịch sử, địa lý liên quan được dịch, phân loại, chú thích, thậm chí là số hóa. Sự cố gắng của nhiều học giả trong nước phản ánh qua các công trình nghiên cứu mang dấu ấn cá nhân, tiêu biểu như tác phẩm Hoàng Sa - Trường Sa: Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM 2014) của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, xem ra vẫn chưa đủ.
Muốn thực hiện nghiên cứu khoa học bài bản và chuyên sâu cần phải dựa vào cơ sở dữ liệu khoa học nhưng việc đầu tư là cực kỳ tốn kém. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dành cho việc số hóa đang thiếu thốn, công tác lưu trữ còn hạn chế về mặt tài chính.
Theo thống kê của TS Lê Thanh Hòa, 70% sản phẩm nghiên cứu của Viện Biển Đông được xếp loại “tài liệu mật” theo quy định của pháp luật. Nhiều công trình nghiên cứu được cho là “nhạy cảm”, khó chia sẻ.
Nhưng vấn đề quan trọng vẫn là thiếu “nhạc trưởng Biển Đông” trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu KHXH&NV đầu ngành về biển đảo đến làm việc, trao đổi học thuật, hợp tác thực hiện điều tra khảo sát mang tính liên ngành, tiến tới gắn kết và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Ngoài ra, cơ chế phối hợp nghiên cứu trong nước và quốc tế đối với các dự án lớn, hoạt động liên kết đào tạo trong lĩnh vực KHXH&NV về biển đảo vẫn còn thiếu.
Nhiệm vụ “không thể không nghĩ đến”
TS Lê Thanh Hòa bày tỏ quan điểm về tính cấp thiết của hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế về biển đảo: “Trên cơ sở chiến lược nghiên cứu Biển Đông của Nhà nước, các nhà nghiên cứu phải cùng ngồi lại với nhau để phác thảo một lộ trình dài hơi và tổng thể về Biển Đông. Cần phân định rõ các đối tượng trước mắt, các nhiệm vụ lâu dài… để chuyên ngành này có thể phát triển trong vòng 30 - 50 năm tới, tránh tình trạng luôn phải ứng phó với những tình huống không lường trước. Đấu tranh trên lĩnh vực học thuật là một nhiệm vụ, tư vấn chính sách cho Nhà nước về lộ trình công việc cũng là một nhiệm vụ không thể không nghĩ đến”.
Nhìn nhận từ một khía cạnh khác, cả nước hiện nay có chưa tới 20 cơ quan nghiên cứu về biển đảo trong lĩnh vực KHXH&NV, trong khi con số này ở Trung Quốc là gấp 10 lần, chưa kể các cơ quan tại hải ngoại. Do đó, công tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế các công trình khoa học về biển đảo là nhiệm vụ rất cấp bách.