Nghiên cứu sửa đổi quy định phải có sáng kiến khi công nhận danh hiệu thi đua

Nghiên cứu sửa đổi quy định phải có sáng kiến khi công nhận danh hiệu thi đua

Về kiến nghị bỏ nội dung sáng kiến kinh nghiệm trong thi đua hằng năm, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, sáng kiến là một tiêu chuẩn để xét, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và tặng Bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động các hạng.

Thực tế hiện nay, việc tổ chức viết, đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến ở các địa phương còn khác nhau, một số nơi theo phong trào, không thực chất; có hiện tượng sao chép sáng kiến. Từ những bất cập nêu trên, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định phải có sáng kiến khi xét, công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; đồng thời dự kiến đề xuất Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho phép ngành Giáo dục được áp dụng các thành tích khác thay thế tiêu chuẩn sáng kiến khi xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trở xuống cho phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục và mang lại hiệu quả thiết thực tại đơn vị, địa phương

Về thực hiện chương trình giảng dạy, theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, Bộ GD&ĐT quy định thực hiện kế hoạch dạy học 37 tuần/năm học và kết thúc chương trình giáo dục vào ngày 30/5 hằng năm, đồng thời giao UBND cấp tỉnh/thành phố chủ động xem xét, quyết định việc cho học sinh nghỉ 1 tuần trước khi kiểm tra học kỳ cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ