Nghiên cứu hạn chế tác động tiêu cực ở vùng biển ven bờ

GD&TĐ - Vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long có sự đa dạng sinh học, nhiều hệ sinh thái đặc thù..., vậy nên cần các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực...

Vùng ven biển Cát Bà – Hạ Long chịu tác động lớn từ các hoạt động của con người.
Vùng ven biển Cát Bà – Hạ Long chịu tác động lớn từ các hoạt động của con người.

Bảo vệ tài nguyên biển

Các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đánh giá, dự báo thành công những tác động do sự gia tăng nguồn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng và đề xuất các giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đến năng suất sơ cấp vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long.

Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà khoa học và các đơn vị có liên quan góp phần hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên biển và phát triển bền vững của khu vực trong bối cảnh các áp lực ngày càng tăng từ hoạt động kinh tế - xã hội của con người và biến đổi khí hậu đến vùng ven biển.

TS Vũ Duy Vĩnh - chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, năng suất sơ cấp là lượng vật chất hữu cơ được sản sinh ra trong một đơn vị thời gian trên một đơn vị diện tích hay đơn giản như là sức sản suất sinh khối của sinh vật nổi. Năng suất sơ cấp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, các quá trình sinh địa hóa và cá biển.

Năng suất sơ cấp biến đổi theo thời gian và không gian vì phụ thuộc vào các yếu tố chủ yếu như lượng carbon dioxide (CO2), ánh sáng, dinh dưỡng và các yếu tố môi trường khác như nhiệt độ, độ sâu, gió và các động vật ăn sinh vật phù du.

Vùng ven biển là nơi diễn ra sự tương tác mạnh mẽ giữa các quá trình lục địa - biển và chịu tác động lớn do các hoạt động của con người. Sự tăng năng suất sơ cấp ở vùng ven bờ có tác động tích cực đến môi trường và các hệ sinh thái trong một giới hạn nhất định, khi vượt qua các ngưỡng này thì xuất hiện hiện tượng phú dưỡng, gây ra thiếu hụt oxy, làm chết sinh vật biển, tăng nguy cơ ô nhiễm/suy thoái môi trường ở các vùng ven biển.

Vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long, nơi có sự đa dạng sinh học, nhiều hệ sinh thái đặc thù, nguồn tài nguyên sinh vật biển có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng lớn để phát triển các ngành du lịch dịch vụ và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, vấn đề ảnh hưởng của con người đến năng suất sơ cấp ở các vùng ven biển vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Giảm thiểu rủi ro từ tác động của con người

Các nhà khoa học đã đánh giá thành công diễn biến, xu thế tăng lên của nhiệt độ nước biển và mực nước biển ở khu vực nghiên cứu trong vòng 60 năm qua (từ 1960 đến 2020).

Đặc biệt là xu thế tăng nhanh trong khoảng 20 năm trở lại đây của nhiệt độ nước biển (lên tới 0,093°C/năm ở vùng ven biển Hải Phòng và trên 0,1°C/năm ở vùng biển Quảng Ninh) và mực nước biển (7mm/năm ở vùng biển Hải Phòng và 5,4 - 11,2mm/năm ở vùng biển Quảng Ninh) để đưa ra các biện pháp bảo vệ cần thiết.

Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài đã đánh giá được những biểu hiện của biến đổi khí hậu như tăng nhiệt độ nước, dâng cao mực nước biển ở khu vực nghiên cứu, đánh giá/dự báo được những tác động do sự gia tăng nguồn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng từ hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đến năng suất sơ cấp ở vùng biển Cát Bà - Hạ Long. Đề xuất được các giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đến năng suất sơ cấp ở khu vực nghiên cứu.

Cũng trong nghiên cứu này, nhóm đã đánh giá, dự báo những tác động do sự gia tăng nguồn dinh dưỡng/hữu cơ từ hoạt động của con người và biến đổi khí hậu (tăng nhiệt độ và mực nước) ở khu vực Cát Bà - Hạ Long.

Theo đó, những ảnh hưởng do tăng nguồn dinh dưỡng, hữu cơ, nhiệt độ, mực nước trong các kịch bản năm 2025, 2030 và 2050 không làm thay đổi đáng kể phân bố năng suất sơ cấp ở khu vực nghiên cứu.

Tại một số khu vực như giữa và Đông Nam vịnh Hạ Long, vịnh Cát Bà, các kết quả phân tích cho thấy những tác động cộng hưởng này cũng thể hiện mức độ khác nhau theo mùa và mỗi khu vực. Tuy nhiên, những thay đổi (tăng/giảm) này chỉ khoảng 0,001 - 0,003 gC/m3/ngày.

Các sản phẩm khoa học của đề tài được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu liên quan. TS Vũ Duy Vĩnh khẳng định, các kết quả nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu, để đánh giá những ảnh hưởng cộng hưởng các tác động do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu một cách hệ thống đến năng suất sơ cấp, cần có nghiên cứu toàn diện, tổng hợp hơn với nhiều số liệu đo, khảo sát và hy vọng nhóm của ông sẽ phát triển tốt nghiên cứu này trong thời gian tới.

TS Vũ Duy Vĩnh chia sẻ, các kết quả nghiên cứu mới đã cập nhật dữ liệu về xu thế dâng cao mực nước biển, tăng nhiệt độ nước biển ở vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung và Cát Bà - Hạ Long nói riêng. Đây là tài liệu tham khảo quan trọng, có giá trị về khoa học cũng như ứng dụng trong quản lý. Những đánh giá này sẽ giúp các đơn vị liên quan đưa ra các quyết sách hợp lý, khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.